Di chúc của Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis bày tỏ mong muốn được an táng một cách giản dị.

Vào rạng sáng ngày 21/4, Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 88. Cùng ngày, Vatican đã công bố di chúc cùng giấy chứng tử của ngài, khép lại một hành trình đầy tận hiến và cảm hứng.

Theo bác sĩ Andrea Arcangeli của Vatican, nguyên nhân cái chết được xác nhận là do đột quỵ và suy tim không thể hồi phục. Trước khi qua đời, ngài đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Dù sức khỏe sa sút sau thời gian dài điều trị bệnh viêm phổi, Giáo hoàng vẫn duy trì công việc mục vụ một cách kiên cường cho đến hơi thở sau cùng.

Trong di chúc được công bố, Giáo hoàng Francis bày tỏ mong muốn được an táng một cách giản dị, không cần những lăng mộ cầu kỳ. Trên bia mộ chỉ khắc tên ngài bằng tiếng Latin: “Franciscus”. Khác với nhiều vị tiền nhiệm, ông không chọn Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican làm nơi yên nghỉ, mà thay vào đó là Vương cung thánh đường Đức Bà Cả tại Rome, một lựa chọn phản ánh phong cách khiêm nhường và gần gũi đã gắn liền với ngài suốt nhiệm kỳ.

Dù được các bác sĩ khuyến nghị nghỉ ngơi ít nhất hai tháng sau khi xuất viện, Giáo hoàng vẫn không ngừng công việc. Vào ngày Chủ Nhật Phục Sinh, chỉ một ngày trước khi qua đời, ông đã xuất hiện trước công chúng tại Quảng trường Thánh Peter. Với giọng nói khàn nhẹ, ông chúc mừng lễ Phục sinh trước khoảng 35.000 người trong một bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa xúc động.

Ngay cả trong những ngày cuối cùng, ngài vẫn tiếp đón các nhà lãnh đạo quốc tế. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã có buổi gặp mặt riêng tại dinh thự của giáo hoàng. Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cùng gia đình cũng có dịp trò chuyện với ngài trong một khoảnh khắc mà ông Plenkovic mô tả là "ngắn ngủi nhưng đầy cảm động, đong đầy lòng tốt, nụ cười và lời chúc lành".

Đức Hồng y Michael Czerny, một cộng sự thân cận, cho biết Giáo hoàng không cố gắng gồng mình làm việc mà là sống trọn vẹn với vai trò mục tử. “Nghỉ ngơi hoàn toàn không phải là cách chữa lành đối với ngài”, Czerny nói. “Ngài dung hòa giữa dưỡng bệnh và sứ mệnh của người Giám mục Rome".

Một trong những câu nói cuối cùng của Giáo hoàng mà Đức Hồng y nhắc lại là lời nhắn nhủ với các giám mục: “Một người mục tử đúng nghĩa là người ra đi khi vẫn còn mang dấu vết của đàn chiên trên mình". Đó không chỉ là một triết lý sống, mà còn là sự thật trọn vẹn về cuộc đời của Giáo hoàng Francis.

Austen Ivereigh, người viết tiểu sử cho ngài, gọi Giáo hoàng là “bậc thầy của thời gian”. Theo ông, Giáo hoàng đã lên kế hoạch để hiện diện đến tận Lễ Phục sinh, thời điểm thiêng liêng nhất trong năm của người Công giáo – trước khi rời thế giới. “Ngài luôn đặt sứ mệnh hiện diện lên hàng đầu", Ivereigh chia sẻ.

Từ khi rời bệnh viện, Giáo hoàng được chăm sóc y tế liên tục. Ngài sử dụng ống thở vào ban đêm và những khi cần trong ngày. Trước đó, trong thời gian nằm viện, giáo hoàng đã áp dụng phương pháp thở máy không xâm lấn qua mặt nạ oxy, nhưng không cần dùng đến máy thở sau khi xuất viện.

Trong bài phát biểu cuối cùng được một trợ lý đọc thay, Giáo hoàng không quên nhắc đến những lời kêu gọi ngừng bắn tại Dải Gaza và kêu gọi Hamas phóng thích các con tin còn lại. Ông cũng lên tiếng về làn sóng bài Do Thái đang gia tăng trên toàn cầu, một lần nữa thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến công lý và nhân quyền, những giá trị luôn được ông đặt ở trung tâm sứ mệnh mục tử của mình.

Sự ra đi của Giáo hoàng Francis không chỉ để lại khoảng trống lớn trong lòng người Công giáo, mà còn trong lòng những ai từng chứng kiến sự tận tụy, lòng nhân hậu và trí tuệ của một con người sống trọn với niềm tin và bổn phận.

Minh Quân

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/vong-quanh-the-gioi/di-chuc-cua-giao-hoang-francis-202504221410458251.html