DI CƯ BẤT HỢP PHÁP - MÁU VÀ NƯỚC MẮT: Chọn hướng an toàn

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh không chính thống rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho rằng vụ việc 39 người tử vong ở Anh là lời cảnh tỉnh cho những ai chọn con đường ra nước ngoài làm việc trái phép.

Rủi ro và nguy hiểm

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, trong những năm qua, Đảng, nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, xem đây là biện pháp quan trọng để giải quyết việc làm cho người dân. Với việc chủ động mở rộng hợp tác lao động với các nước, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tăng đều hằng năm: năm 2015 có 115.980 người, năm 2016 là 126.296 người, năm 2017 là 134.751 người, năm 2018 là 143.000 người và 10 tháng qua là 120.000 người. Trong đó, hơn 90% lao động sang 3 thị trường chủ lực, gồm Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc; khoảng 7% sang Malaysia, một số nước Trung Đông; còn lại sang các nước Bắc Phi và châu Âu.

Để được bảo vệ quyền lợi, hạn chế rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, người lao động nên chọn các kênh hợp pháp. Trong ảnh: Lao động do Công ty Haindeco tuyển chọn trúng tuyển sang Nhật Bản Ảnh: DUY QUỐC

Để được bảo vệ quyền lợi, hạn chế rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, người lao động nên chọn các kênh hợp pháp. Trong ảnh: Lao động do Công ty Haindeco tuyển chọn trúng tuyển sang Nhật Bản Ảnh: DUY QUỐC

Đối với thị trường châu Âu, ông Liêm cho biết gần đây, một số nước mở rộng nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam. Qua đó, đến nay có khoảng 6.000 lao động Việt Nam sang làm việc hợp pháp ở các nước như Romania, Ba Lan, Cyprus, Slovakia…, với mức thu nhập trung bình khoảng 500 - 1.000 USD. Dù vậy, do các nước này đòi hỏi khắt khe về trình độ tay nghề, kỹ năng, bằng cấp, ngoại ngữ nên số lượng lao động Việt Nam được tiếp nhận còn rất hạn chế.

"Vì không đáp ứng điều kiện, lại nôn nóng làm giàu nhanh nên nhiều người đã bất chấp. Họ nghe theo lời dụ dỗ và bị hấp dẫn bởi thông tin thổi phồng về việc làm, thu nhập của các tổ chức, cá nhân môi giới; hoàn toàn không lường trước được những hậu quả, rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra" - ông Liêm nhấn mạnh.

Còn theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, cả nước đang có trên dưới 400 doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Đây là những địa chỉ mà NLĐ nên tìm tới, không nên đánh cược tài sản và cả tính mạng vào những đường dây bất hợp pháp, lừa đảo.

Cơ hội rất rộng

Khẳng định giữa Việt Nam và Anh chưa có thỏa thuận cấp chính phủ về hợp tác lao động, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng vụ việc 39 người chết ở Anh có dấu hiệu mua bán người, bị cả thế giới lên án. "Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp tích cực với phía Anh để xử lý những vấn đề có liên quan, tích cực hỗ trợ gia đình các nạn nhân và đặc biệt là điều tra các hành vi tội phạm, buộc chúng phải đền tội" - ông Quân nói.

Cũng từ vụ việc này, Thứ trưởng Lê Quân kêu gọi người dân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. "Tôi xin nhấn mạnh, hiện nay cơ hội đi lao động ở nước ngoài hợp pháp rất rộng mở và dễ tiếp cận. Việt Nam có thỏa thuận đưa người đi làm việc chính thức với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, New Zealand, một số nước Đông Âu, Trung Đông. Chỉ cần tìm đến cơ quan lao động, DN có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là có ngay thông tin" - ông Quân nói.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH khẳng định những năm qua, việc đi lao động hợp pháp ở nước ngoài đã giúp nhiều lao động có việc làm, thu nhập cao; nhiều hộ thoát nghèo. Vì thế, để hạn chế di cư bất hợp pháp, một trong những biện pháp căn cơ là phải mở rộng các kênh hợp pháp nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận việc làm an toàn cho người dân.

Trên cơ sở đó, song song với việc chấn chỉnh, nâng cao năng lực DN hoạt động ở lĩnh vực này, Bộ LĐ-TB-XH đang chỉ đạo rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, cấp phép bổ sung cho gần 100 DN. Đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia của các trường nghề để nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường truyền thông để người dân hiểu và tránh mạo hiểm đi lao động bất hợp pháp.

Nguy cơ bị bóc lột và hạn chế tiếp cận công lý

Theo TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đang tăng đều hằng năm. Trong giai đoạn 2007 - 2017, có hơn 1 triệu lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, nguồn thu ngoại tệ do NLĐ tích lũy gửi về từ 2,5 - 3 tỉ USD/năm. Dù vậy, Việt Nam đang đối mặt sự gia tăng đối với luồng di cư bất hợp pháp sang các nước trong khu vực và châu Âu.

"Di cư lao động không qua các kênh hợp pháp khiến NLĐ có nguy cơ bị bóc lột lao động, hạn chế khả năng tiếp cận hỗ trợ pháp lý khi ở nước ngoài" - TS Chang-Hee Lee cảnh báo.

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chon-huong-an-toan-20191107213329192.htm