Di dân ra khỏi vùng nguy hiểm: Khơi dậy trách nhiệm của cả cộng đồng
Qua rà soát của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 hộ dân phải khẩn cấp di dời đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương, quỹ đất ở dần bị thu hẹp, hầu hết các hộ nằm trong vùng nguy hiểm đều thuộc diện khó khăn. Do đó, việc di chuyển, sắp xếp ổn định dân cư rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Gần 5 năm, gia đình anh Trần Văn Tuyên, thôn Éo, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) mới di chuyển được nhà đến nơi ở an toàn. Anh Tuyên chia sẻ, nếu không có sự giúp đỡ, sẻ chia của anh em dòng tộc, bà con lối xóm và sự hỗ trợ của Nhà nước thì gia đình anh sẽ khó có thể chuyển được đến nơi ở mới an toàn. Theo anh Tuyên, đất nền làm nhà, vật liệu xây dựng là họ hàng hỗ trợ, giúp đỡ; bà con lối xóm hỗ trợ ngày công di chuyển; Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, cộng với tiền tiết kiệm và vay mượn thêm, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà khang trang, vững chắc. Được biết, trước khi chuyển đến nơi ở mới, gia đình anh Tuyên ở trong ngôi nhà tạm dưới chân núi, mỗi khi mưa to cả gia đình anh lại đi lánh ở nhà người thân vì sợ nước, đất trên núi xối xuống vùi lấp.
Cùng thôn Éo, gia đình anh Lý Văn Thanh đã được anh em dòng họ, bà con thôn xóm giúp đỡ xây cất được căn nhà mới, ở nơi an toàn. Anh Thanh tâm sự, nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng chắc gia đình anh vẫn phải sống ở ven suối với bao mối hiểm nguy khi mùa mưa đến.
Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng, anh em dòng tộc, đặc biệt là vấn đề sang nhượng đất ở, xã khó có thể hoàn thành kế hoạch di chuyển các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn hàng năm. Bởi hiện nay quỹ đất ở để cấp cho người dân của xã gần như đã cạn kiệt.
Không riêng ở xã Phúc Ninh, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách cũng được phát huy. Ông Nông Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Na Hang) cho biết, do đặc điểm địa hình núi cao, thường xuyên chịu tác động của loại hình thiên tai sạt lở đất nên hàng năm xã có ít nhất từ 3 - 5 hộ phải di chuyển đến nơi an toàn. Ổn định đời sống dân cư, ngoài thông tin cho các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, xã cũng vận động anh em dòng tộc của các hộ sang nhượng, đổi đất, tạo điều kiện tốt nhất để giúp người thân đến nơi ở mới an toàn hơn. Chính sự chung tay vào cuộc của cộng đồng dân cư đã giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Nhiều năm qua, trên địa bàn xã không có hộ dân bị đất đá sạt lở vào nhà ở gây thiệt hại.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh đã di chuyển được 85 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, trong đó mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng, còn lại là sự hỗ trợ của anh em, cộng đồng. Năm 2020, dự kiến tỉnh tiếp tục vận động di chuyển 95 hộ, trong đó nhiều nhất là huyện Na Hang với 35 hộ, tiếp đến là các huyện Chiêm Hóa 34 hộ, Lâm Bình 12 hộ, Yên Sơn 10 hộ...
Hiện, toàn tỉnh còn trên 2.000 hộ nằm trong khu vực xung yếu (khó khăn về đất sản xuất, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá). Đến thời điểm này, tỉnh mới hoàn thành được 4 dự án ổn định, sắp xếp được gần 400 hộ dân đến nơi an toàn. Như vậy, số lượng hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm là rất lớn, trong điều kiện kinh phí hỗ trợ sắp xếp dân cư của Nhà nước, tỉnh còn khó khăn, do đó sự vào cuộc của cộng đồng dân cư là rất quan trọng. Các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, anh em dòng tộc sang nhượng, đổi đất, hỗ trợ ngày công giúp các hộ dân nằm trong diện nguy hiểm chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời, các hộ phải di chuyển cần nỗ lực, vượt qua khó khăn để di chuyển đến nơi an toàn, bảo vệ tính mạng của chính mình và người thân khi mưa bão xảy ra.