Đi để trở về
Vượt qua sự cạnh tranh gay gắt, nhiều cán bộ y tế thành phố Huế đã giành được học bổng đào tạo ở nước ngoài. Sau hành trình nỗ lực, họ không chỉ mang về kiến thức tiên tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh mà còn lan tỏa tinh thần vươn lên học hỏi không ngừng.

BS. Nguyễn Trương Gia Bảo (thứ hai từ trái qua) cùng các chuyên gia Resurge thực hiện một ca phẫu thuật
Nâng cao kiến thức, mở mang tầm nhìn
Bác sĩ (BS) Nguyễn Trương Gia Bảo là một trong những thành viên chủ chốt của Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Hàm mặt (PTTHTMHM), Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt Huế. Anh vừa trải qua khóa đào tạo ngắn hạn tại BV Trường Đại học Washington và Stanford (Hoa Kỳ), tập trung vào lĩnh vực tái tạo vú sau ung thư. Tham gia chương trình phẫu thuật nhân đạo của tổ chức Resurge tại Huế mới đây, anh trình bày công việc chuyên nghiệp và lưu loát trước các giáo sư nước ngoài. Để có được một “phiên bản” tốt hơn của chính mình, BS. Bảo cho rằng đó là thành quả của đợt học tập ở nước ngoài.
“Một trong những kỹ thuật hiện đại mình học là phẫu thuật vạt DIEP. Đây là phương pháp tái tạo vú sử dụng vạt da và mỡ từ bụng. Bên cạnh đó còn có các kỹ thuật vi phẫu khác, như: phẫu thuật tái tạo liệt mặt, tái tạo xương hàm dưới bằng vạt xương mác, phù bạch mạch… cùng sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm” - BS Bảo kể. Từ những gì gặt hái được, BS. Bảo đã thay đổi tư duy trong quá trình xử lý các ca mổ; quy trình chuẩn bị bệnh nhân trước, trong và sau mổ. Kiến thức lĩnh hội được anh áp dụng vào thực tế, giúp cải thiện quy trình chuyên môn, mở rộng tầm nhìn về ngành phẫu thuật tạo hình.
Ở lĩnh vực Đông y, BS. Võ Đại Quỳnh, BV Phục hồi chức năng Huế đang theo học chương trình tiến sĩ chuyên ngành châm cứu tại Trường Đại học Trung Y Dược Thiên Tân, diện học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc (2020 - 2025). Thời gian đào tạo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên từ tháng 10/2022, BS. Quỳnh mới học tập trực tiếp tại trường.
Quá trình học lâm sàng tại bệnh viện và nghiên cứu tại phòng thí nghiệm diễn ra xen kẽ, giúp anh không chỉ tiếp cận kiến thức lý thuyết mà còn thực hành châm cứu toàn diện. Khó khăn lớn nhất trong học lâm sàng là phải cân đối thời gian giữa nghiên cứu và di chuyển đến các cơ sở khám, chữa bệnh với khoảng cách 15-20km. Tại phòng thí nghiệm, các buổi tập huấn chuyên môn và cập nhật kiến thức diễn ra thường xuyên. Trường luôn chú trọng đào tạo học viên thông qua các buổi báo cáo chuyên đề, trung bình mỗi tuần có ít nhất một buổi, giúp nghiên cứu sinh nâng cao kỹ năng nghiên cứu và trình bày.
Với TS.BS. Nguyễn Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Da liễu thành phố, hơn 4 năm nghiên cứu chuyên ngành Da liễu – dị ứng tại Đại học Juntendo (Nhật Bản) mang lại cho anh nhiều kiến thức quý giá. Những tháng ngày ở xứ sở hoa anh đào, ngoài tiếng Anh, BS. Hải học thêm tiếng Nhật để giao tiếp tốt hơn với người bản xứ; tuân thủ thời gian làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày, làm hết ngày thứ Bảy có khi lấn sang cả ngày Chủ nhật.
“Đổi lại sự vất vả ấy, mình học được nhiều phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu khoa học chuyên sâu của nền y học tiên tiến của Nhật Bản. Nhiều phương pháp, kỹ thuật có thể áp dụng tại Việt Nam, như: nghiên cứu về tế bào da người, ứng dụng các peptide kháng khuẩn trong điều trị bôi cho các bệnh viêm da cơ địa, vảy nến, loét da mãn tính, bệnh da tự miễn…”, BS. Hải nói.
Học tập trọn đời
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố có 3 người tham gia đào tạo thạc sĩ theo chương trình học bổng của chính phủ ở Hungary, Hàn Quốc. Bên lề câu chuyện, lãnh đạo đơn vị này vui mừng bởi khá lâu rồi CDC mới có cán bộ đi học nước ngoài.
ThS.BSCKII. Nguyễn Lê Tâm - Phó Giám đốc CDC thành phố thông tin: “Ngoài được giới thiệu làm giáo viên thỉnh giảng ở Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế, các thạc sĩ trở về còn phát huy năng lực trong các cuộc họp triển khai, đánh giá dự án với đối tác. Qua quá trình đào tạo, các trường hợp này còn kết nối với nhiều tổ chức nước ngoài, tăng cường các mối quan hệ hợp tác đối ngoại. Đồng thời, hiện đại hóa cách thức xây dựng kế hoạch, tổ chức chương trình, nhất là các sự kiện, hội nghị khoa học có yếu tố nước ngoài”.
Là người giàu kinh nghiệm, TS.BS. Lê Thừa Trung Hậu, Khoa PTTHTMHM khẳng định, để trở thành người thầy thuốc giỏi, việc học tập diễn ra trọn đời, không ngưng nghỉ. Khoa PTTHTMHM còn non trẻ, lĩnh vực này ở Huế phát triển còn chậm so với hai đầu đất nước, cần đào tạo bác sĩ trẻ nhằm đảm bảo lực lượng kế cận cho 5 - 10 năm sau. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết trong định hướng đưa Khoa PTTHTMHM mạnh về phẫu thuật chuyên sâu hàm mặt.
“Chúng tôi khuyến khích anh chị em tham gia các đợt phẫu thuật nhân đạo trong cả nước. Hàng năm, khoa còn tranh thủ mời các chuyên gia Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Tây Ban Nha, Hy Lạp... vừa tham gia đào tạo cầm tay chỉ việc, vừa giúp đơn vị cập nhật kiến thức chuyên môn. Từ các mối quan hệ này, các bác sĩ trẻ có thêm cơ hội “xuất ngoại” tiếp cận kỹ thuật mới, quy trình điều trị hiện đại, nâng cao kỹ năng, tạo mối quan hệ, tiến lên nghiên cứu sinh ở nước ngoài trong tương lai”, BS. Hậu khẳng định.
Theo Sở Y tế, giai đoạn 2020 - 2025, ngành có 15 công chức, viên chức tham gia đào tạo tại nước ngoài; trong đó, 6 viên chức tham gia đào tạo sau đại học; 9 công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn. “Trong điều kiện toàn cầu hóa, rất mong các bác sĩ trẻ tự tin hơn để thử thách bản thân ở môi trường giáo dục tiên tiến hàng đầu châu Á và thế giới, để có thể trở về phục vụ quê hương, phát triển nền y tế quê nhà”, tiến sĩ chuyên ngành da liễu đầu tiên của Huế - BS. Thanh Hải chia sẻ.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/di-de-tro-ve-153134.html