Các bộ, ngành, cơ quan trung ương trả lời kiến nghị cử tri Phú Yên

Trong đợt tiếp xúc cử tri trước, sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri trên địa bàn tỉnh đã kiến nghị 30 nội dung. Đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được văn bản trả lời của các bộ, ngành, cơ quan trung ương trả lời một số nội dung cử tri kiến nghị.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri TP Tuy Hòa sau kỳ họp thứ 8. Ảnh: PHẠM THÙY

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri TP Tuy Hòa sau kỳ họp thứ 8. Ảnh: PHẠM THÙY

1. Cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, ban hành một bộ sách giáo khoa dùng chung cho một khối lớp học và các tập sách nâng cao (dùng riêng) để thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh, tránh lãng phí.

* Bộ GD&ĐT trả lời:

Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK); có một số SGK cho mỗi môn học”. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục có nhiều SGK và chủ trương xã hội hóa SGK là chủ trương có tính đột phá, thay đổi việc xuất bản SGK theo cơ chế độc quyền, đồng thời xã hội hóa SGK tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia vào việc biên soạn, xuất bản SGK, tạo ra sự cạnh tranh, tạo động lực cho các nhóm tác giả sách, các nhà xuất bản có được những bộ sách có chất lượng tốt.

Bộ Chính trị đã có Kết luận 91 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trong đó nêu rõ nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mới... Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số SGK và xã hội hóa việc biên soạn SGK”.

Việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở các địa phương được thực hiện thống nhất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, SGK triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đến lớp 5 đối với cấp tiểu học, đến lớp 9 đối với cấp THCS và lớp 12 đối với cấp THPT.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổng kết việc biên soạn SGK, trong đó sẽ đánh giá cụ thể việc xã hội hóa SGK, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về sự cần thiết ban hành thống nhất, đồng bộ SGK trên toàn quốc.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổng kết việc biên soạn SGK, trong đó sẽ đánh giá cụ thể việc xã hội hóa SGK, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về sự cần thiết ban hành thống nhất, đồng bộ SGK trên toàn quốc.

2. Hiện nay, mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều thông tin xấu, độc, không chính xác. Những thông tin này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển, hình thành nhân cách, đạo đức xã hội, xâm phạm đến danh dự, uy tín, lợi ích kinh tế của cá nhân, tổ chức mà còn gây nên những tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, gia tăng tội phạm, mất trật tự an ninh xã hội. Cử tri kiến nghị Bộ KH&CN có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng này.

* Bộ KH&CN trả lời:

Quản lý nội dung thông tin trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng số nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó có xử lý những nội dung thông tin xấu độc, sai sự thật, gây tác động tiêu cực trong xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ KH&CN chú trọng thực hiện hằng năm.

Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, xử lý đối với những trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước theo hướng: Nếu xác định được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn thì các địa phương chủ động xử lý (xử phạt vi phạm hành chính); trong trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng thì Sở KH&CN phối hợp với công an tỉnh, thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (xử phạt hình sự); trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm hoặc đối tượng ở nước ngoài thì các địa phương báo cáo Bộ KH&CN, Bộ Công an để yêu cầu các nền tảng mạng xã hội ngăn chặn.

Hiện đã rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý không gian mạng, hạn chế tối đa các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 147 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (thay thế Nghị định 72), trong đó bổ sung nhiều quy định để quản lý chặt chẽ mạng xã hội trong và ngoài nước. Quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ; chặn gỡ kịp thời các nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; yêu cầu xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân; bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam… kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật; mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên mạng xã hội; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của Bộ KH&CN, Bộ Công an, công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng.

3. Hiện nay, các hộ nghèo DTTS được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành nghiệm thu nhà đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước chưa hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi 40 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở. Cử tri kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm giải ngân nguồn vốn trên để người dân tiến hành các thủ tục vay vốn chi trả các khoản nợ xây dựng nhà ở theo quyết định này.

* Bộ Tài chính trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ năm 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025; trong đó đã rất quan tâm bố trí nguồn lực để cho vay vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ nêu trên, đối với giai đoạn 2022-2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) phát hành 9.000 tỉ đồng trái phiếu để cho vay vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, do nhu cầu vay vốn thực tế phát sinh thấp hơn so với kế hoạch nên Ngân hàng CSXH chỉ giải ngân được 2.354 tỉ đồng (khoảng 26% nguồn vốn bố trí), cho 48.214 lượt khách hàng vay vốn với dư nợ đến ngày 31/12/2023 là 2.317 tỉ đồng (trong đó dư nợ của Chương trình tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Yên là 62,5 tỉ đồng). Trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng CSXH, phần vốn còn lại của giai đoạn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã được Chính phủ đồng ý cho điều chuyển sang cho vay chương trình cho vay giải quyết việc làm (đối tượng cho vay giải quyết việc làm cũng bao gồm cả đối tượng là đồng bào DTTS).

Đối với nguồn vốn giai đoạn 2024-2025, từ tháng 10/2023 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên Bộ KH&ĐT chưa thống nhất với phương án đề xuất của Bộ Tài chính.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo sớm có công văn đánh giá rà soát nhu cầu vốn của chương trình này và trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí vốn để thực hiện các chính sách tín dụng quy định tại Nghị định 28.

PHẠM THÙY (tổng hợp)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/202505/cac-bo-nganh-co-quan-trung-uong-tra-loi-kien-nghi-cu-tri-phu-yen-f424fb8/