Đảo Đài Loan có diện tích hơn 35.000 km vuông. Khoảng cách từ Đài Loan đến Trung Quốc đại lục, nơi gần nhất là 130 km. Tuy chỉ là một hòn đảo nhỏ nhưng Đài Loan có một nền công nghiệp quốc phòng đáng ngưỡng mộ.
Hòn đảo này đã phát triển thành công cả tên lửa và máy bay chiến đấu, trong đó nổi tiếng nhất là máy bay F-CK-1 Ching-kuo được đánh giá là có sức chiến đấu ngang ngửa với các máy bay tiêm kích J-10 của Trung Quốc đại lục.
F-CK-1 Ching-kuo là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết do Đài Loan nghiên cứu và chế tạo với sự giúp đỡ của Mỹ. Chúng được phát triển trên cơ sở máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Cho đến nay, đã có 130 chiếc đã được sản xuất.
Bắt đầu từ đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, Đài Loan muốn thay thế các phi đội F-5 và F-104 đã lỗi thời, nhưng vấp phải rào cản vô cùng khó khăn khi chính phủ Mỹ cấm xuất khẩu F-16 và F-20 sang Đài Loan.
Mặc dù tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan, miễn cưỡng chấp nhận kế hoạch của các cố vấn về việc xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc nhằm kiềm chế Liên Xô, Reagan quyết định giữ cân bằng thông cáo chung Mỹ - Trung Quốc năm 1982 bằng một thỏa thuận "6 điều bảo đảm" với đảo Đài Loan.
Thỏa thuận này đã mở cửa cho các công ty quốc phòng của Mỹ chuyển giao và hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Đài Loan một cách lén lút, bao gồm cả dự án IDF, với quyết tâm sản xuất một loại máy bay chiến đấu nội địa hiện đại lúc bấy giờ, dựa trên công nghệ F-20 và F-16 của Mỹ ngay trên đất Đài Loan.
Chiếc Tiêm kích F-CK-1 ra đời, được đặt theo tên của cố lãnh đạo Đài Loan Chiang Ching-Kuo (Tưởng Kinh Quốc), dưới sự thiết kế của tập đoàn AIDC Đài Loan và sự giúp đỡ của các công ty Mỹ. Trong đó bao gồm các thành phần quan trọng của máy bay chiến đấu như khung máy bay của General Dynamics, động cơ Garrett, radar và hệ thống điện tử hàng không.
Thân máy bay của F-CK-1 gần giống F-16 và F/A-18, buồng lái rất giống F-16, với bộ điều khiển thanh bên ở bên phải, bộ điều chỉnh ở bên trái và ghế phóng số không Martin-Baker Mk 12 nghiêng ba mươi độ.
Sức mạnh của F-CK-1 được cung cấp bởi 2 động cơ Honeywell F125-70 Turbofan, tạo ra lực đẩy 27 kN cho mỗi động cơ và lực đẩy lên tới 42,1 kN với bộ đốt sau. Điều này giúp khung máy bay có tốc độ tối đa Mach 1,8 và phạm vi hoạt động 1.100 km với trần bay 16.800 m.
F-CK-1 Ching Kuo được trang bị radar Doppler xung đa chế độ Golden Dragon GD-53 dựa trên radar AN/APG-67 được phát triển cho F-20, nhưng tích hợp một số công nghệ từ radar AN/APG-66 chuyên được sử dụng bởi F-16A.
Máy bay được tích hợp hệ thống điều khiển vũ khí và điện tử hàng không. Một khẩu pháo Gatling 20mm M61A1 6 nòng được lắp ở phía bên phải của thân máy bay cùng với một camera của súng Photo-Sonics.
M61 20mm Vulcan là một khẩu pháo quay 6 nòng, được trang bị động cơ bên ngoài, có tốc độ bắn lên đến 7.200 vòng/phút. Súng bắn loại đạn 20mm mồi điện tiêu chuẩn. M61A1 được điều khiển bằng thủy lực hoặc không khí, điều khiển bằng điện và sử dụng hệ thống nạp đạn không liên kết.
Máy bay có sáu điểm cứng để vận chuyển các thiết bị khác bên ngoài, với hai điểm dưới thân, một dưới mỗi cánh và một ở mỗi đầu cánh. Máy bay có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn Skysword I và tầm trung Skysword II. Để tấn công mặt đất, máy bay có thể được trang bị tên lửa, bom, bom chùm hoặc tên lửa đất đối không như Maverick.
Máy bay chiến đấu cũng có thể được điều chỉnh để mang tên lửa chống bức xạ đất đối không TC-2A, sử dụng cả dẫn đường bằng radar chủ động và thụ động. Vào năm 2013, có tin rằng 71 chiếc Ching Kuo của Đài Loan trong tổng số 120 chiếc đang hoạt động sẽ được nâng cấp. Các tên lửa này có tầm bắn 200 km và mang theo 100 quả bom, đạn con.
Với nhiệm vụ đối hạm, máy bay mang được ba tên lửa diệt hạm Hsiung Feng II có tầm bắn 80km, dẫn đường bằng radar chủ động. Hiện nay vùng lãnh thổ Đài Loan tiếp tục nâng cấp dòng chiến đấu cơ này để đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong môi trường hiện tại. Nguồn ảnh: Pinterest.
Thái Hòa