Đi đến cùng các vấn đề dân sinh bức xúc

Hàng loạt chất vấn của đại biểu xoay quanh 3 nhóm vấn đề 'nóng' về rác thải sinh hoạt, nước sạch và ngập lụt đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các 'tư lệnh' ngành làm rõ nguyên nhân; đưa ra lộ trình, giải pháp tháo gỡ. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, luôn bám sát thực tế cuộc sống của HĐND tỉnh.

Vững bước trên chặng đường mới
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công

Gỡ khó cho các công trình cấp nước không hoạt động

Câu chuyện nước sạch một lần nữa lại nóng lên và thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, cử tri tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Đỗ Thị Thanh Hương (huyện Vĩnh Tường) nêu thực trạng về nguy cơ ô nhiễm từ các vùng chăn nuôi, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đặt câu hỏi về chất lượng các nhà máy sử dụng nước ngầm và UBND tỉnh đã có đánh giá chất lượng nước ngầm ở các vùng này chưa? Đại biểu Nguyễn Hồng Nhung (huyện Lập Thạch) thì đặt câu hỏi: Chất lượng nước được cấp từ 29 công trình cấp nước đơn giản tại các địa phương trong tỉnh đã đạt theo quy chuẩn quốc gia hay chỉ đạt cấp nước hợp vệ sinh?

Đại biểu Nguyễn Đăng Tạo (thành phố Vĩnh Yên) đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề rác thải

Đại biểu Nguyễn Đăng Tạo (thành phố Vĩnh Yên) đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề rác thải

Trước những băn khoăn của các đại biểu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: Toàn tỉnh hiện có 57 công trình cấp nước đang hoạt động. Việc quy hoạch các dự án cấp nước chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp nay sẽ điều chỉnh để cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng nước ngầm tự khai thác của người dân khiến tỷ lệ sử dụng nước sạch tại một số địa phương còn thấp. Một số địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa có đường ống nước, tỉnh đã có giải pháp trước mắt là cung cấp thiết bị lọc nước cho người dân khu vực này. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn đầu tư công trình nước sạch.

Khẳng định việc sử dụng nước ngầm của các nhà máy hiện nay đều bảo đảm, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Đối với câu hỏi người dân sử dụng nước ngầm có bảo đảm hay không, cần kiểm tra chất lượng mới khẳng định được. Chính quyền luôn khuyến khích người dân sử dụng nước sạch do các nhà máy cung cấp. Tỉnh sẽ cho kiểm tra 29 công trình cấp nước sinh hoạt đơn giản để trả lời đại biểu và cử tri bằng văn bản. Hàng năm, UBND tỉnh đều giao Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu nước ngầm để kiểm nghiệm. Đối với ô nhiễm chăn nuôi, làng nghề, giải pháp căn cơ vẫn là di dời các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư.

Bên cạnh chất lượng nước sạch, nhiều đại biểu cũng dành sự quan tâm đối với các công trình cung cấp nước sạch ở nông thôn do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư dù đã hoàn thiện từ rất lâu nhưng vẫn chưa thể hoạt động. Đại biểu Trương Thị Sinh (huyện Tam Đảo) phản ánh: Một số công trình nước sạch thuộc Chương trình 134 không được sử dụng, đề nghị UBND tỉnh làm rõ thực trạng và cơ chế để khai thác có hiệu quả các nhà máy cấp nước trên địa bàn?

Thừa nhận các công trình cấp nước theo Chương trình 134 đang là tồn tại lớn cả về quy hoạch và sử dụng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định: Tỉnh sẽ cho thanh tra nếu dự án nào còn khắc phục được sẽ cho khắc phục, công trình nào không khắc phục được sẽ phải thanh lý và có biện pháp xử lý sai phạm nếu có.

Tìm lời giải cho bài toán xử lý rác thải

Xoay quanh tình trạng quá tải xử lý rác thải ở hầu khắp các địa phương hiện nay, nhiều đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cần có giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để. Đại biểu Nguyễn Đăng Tạo (TP. Vĩnh Yên) cho biết: Dù đã dừng hoạt động nhưng bãi rác tạm (cũ) tại Khu công nghiệp Khai Quang vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy và gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đề nghị, UBND tỉnh cho biết trách nhiệm của đơn vị liên quan và giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Tiếp thu và giải trình làm rõ các câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong đó, cần nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi tường. Đối với bãi rác tạm cũ trên địa bàn TP. Vĩnh Yên, đến nay, tỉnh đã giao thành phố đóng cửa, xử lý. Tỉnh đã cấp đầy đủ kinh phí, việc chậm xử lý trước hết thuộc trách nhiệm của UBND thành phố.

Khẳng định việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao là giải pháp căn cơ xử lý dứt điểm tình trạng quá tải rác thải sinh hoạt như hiện nay, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác đang được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Lập Thạch. Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: Việc xây dựng nhà máy xử lý rác đều phải theo quy hoạch. Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương kiên quyết xử lý các đối tượng chống đối để xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung vì lợi ích lâu dài của địa phương…

Cũng tại kỳ họp, đại diện UBND tỉnh cũng làm sáng tỏ nhiều câu hỏi liên quan đến nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng ngập lụt trên địa bàn thời gian vừa qua. Theo đó, tỉnh đã triển khai nhiều dự án như: Nâng cấp, cải tạo sông Phan; cải tạo luồng tiêu, xây dựng các hồ điều tiết, điều hòa nước… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển người dân một số khu vực lấn chiếm lòng sông, thủy vực gây ngập úng cục bộ. UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương rà soát, đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để. Hiện, Vĩnh Phúc đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án quản lý nguồn nước và chống ngập lụt. Khi hoàn thành sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng ngập úng trên địa bàn. Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, rất cần người dân tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuyệt đối không lấn chiếm lòng sông, thủy vực gây ảnh hưởng đến dòng chảy.

HIẾU PHẠM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/di-den-cung-cac-van-de-dan-sinh-buc-xuc-i295660/