'Đi đến nơi có gió' để tìm lại chính mình…

'Đi đến nơi có gió' là tên một phim dài tập gây thương nhớ suốt dịp Tết vừa qua. Họ là những người trẻ đã từng 'mắc kẹt' trong guồng quay của cuộc sống hiện đại: học cật lực để có một công việc tốt nơi đô thị phồn hoa. Nhưng đến một ngày, họ chợt nhận ra, những khoảng trống, những tổn thương, sự đơn độc chẳng thể khỏa lấp trên hành trình đầy áp lực ấy…

 Những hình ảnh xinh đẹp và rung động trong phim “Đi đến nơi có gió”.

Những hình ảnh xinh đẹp và rung động trong phim “Đi đến nơi có gió”.

Thời gian mang đi tất cả và cũng chữa lành tất cả

Cựu Giám đốc bộ phận lễ tân khách sạn 5 sao Hứa Hồng Đậu 30 tuổi, người Sơn Đông sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cô là người có lòng tự trọng cao, không chịu thua trước mọi áp lực. Mãi cho đến khi người bạn thân của cô là Trần Nam Tinh, người cùng cô phấn đấu trong một thời gian dài ở Bắc Kinh bị ung thư, cô bỗng đột nhiên nhận ra rằng, họ chỉ làm việc ngày này qua ngày khác, không kịp yêu, không kịp “đi đâu thì đi, ăn gì thì ăn”…

Trong guồng quay gấp gáp ấy, trong thành phố rộng lớn ấy, “cả thế giới chỉ bé lại bằng một người bạn tri kỷ”. Nhưng rồi, người bạn gái xinh đẹp ấy đã để Hồng Đậu lại một mình… Thế rồi, Hứa Hồng Đậu đã từ bỏ công việc bận rộn, nhiều cơ hội thăng tiến của mình và đến với Đại Lý để điều chỉnh lại bản thân, muốn tìm lại phương hướng và ý nghĩa của cuộc đời mình.

Tại thôn Vân Miêu, Hồng Đậu đã gặp gỡ và kết giao với những người bạn mới, những người giúp cô chữa lành tổn thương trong quá khứ, giúp cô có thể một lần nữa được sống thật trọn vẹn. Họ cũng giống như cô, những người chạy trốn khỏi lối sống đô thị nhịp độ nhanh để tìm kiếm sự yên tĩnh ở chốn thôn quê yên bình. Thái độ làm việc chăm chỉ và khả năng phục hồi của họ đã tiếp cho cô sức mạnh để có thể bắt đầu lại.

Lúc còn sống, Nam Tinh, người bạn thân nhất của cô ao ước được cùng cô đến Vân Nam thưởng thức hết đặc sản của vùng này. Nhưng Hồng Đậu đã luôn thất hứa chỉ vì mải mê với công việc. Có lẽ vì thế mà Hồng Đậu đã chọn Vân Nam là điểm dừng chân của mình, cô muốn đến đây để bù đắp cái hẹn vĩnh viễn không thể thực hiện cùng tri kỷ. Và đây cũng là cơ hội để cô tìm kiếm cuộc sống mà mình thực sự mong muốn.

Ngày trước, mặc dù hai người cùng sống trong một thành phố, nhưng số lần gặp nhau chỉ được đôi ba lần. Lần gặp mặt nào, họ cũng than thở làm mãi không hết việc, nhưng tiền kiếm lại chẳng được bao nhiêu, bao dự định mua nhà, mua xe đều chưa thực hiện được. Ngay cả tình yêu cũng để bỏ lỡ hết mối này đến mối khác.

Hồng Đậu bận rộn đến nỗi không có cả thời gian nấu cho mình một bữa cơm tử tế. Đồ ăn, thức uống được ba mẹ, bạn bè gửi lên cô đều cho hết vào tủ lạnh rồi như bị xóa ký ức, đến lúc lục lại mới phát hiện ra đã quá date nửa năm.

Quyết định rời bỏ công việc vốn trở thành thói quen và đang trên đà thăng tiến của Hồng Đậu vốn là điều không dễ dàng. Những ngày đầu ở Vân Nam, hễ ai hỏi cô đến đây làm gì, sao không đi làm, cô chỉ mỉm cười và bảo mình đang muốn nghỉ ngơi. Mỗi ngày, cô đều thảnh thơi tản bộ, ghé tiệm cafe này, thử món ở quán kia, ngắm nghía mọi thắng cảnh ở thôn và quan sát người dân nơi đây. Có lẽ chính Hồng Đậu cũng không ngờ sẽ có những khoảnh khắc lặng im, tựa vào gốc cây cũng đủ khiến cô rơi nước mắt, giải tỏa những nỗi buồn dồn nén bấy lâu nay.

Theo chân Hứa Hồng Đậu đến miền đất Vân Nam, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Nơi mà tình cảm xuất phát từ tận đáy lòng đó là tình cảm làng xóm, tình cảm gia đình, sự lo âu của mẹ dành cho con và những ước mơ rất đỗi chân thành. Ở đó, trong những ngày đầu đến các quán ăn, cô đã được tiếp đón như người thân trong nhà. Bà thím đầu bếp dọn cơm cho cô ăn, còn chờ để hỏi xem cô ăn có thấy vừa miệng không? Thậm chí cô chưa có tiền mặt để trả, bà sẵn sang mời cô…

Ở đó, sáng sáng, chiều chiều, trong căn bếp chung, những người bạn mới có thể mời cô những món “tủ” của mình…

Cũng tại nơi đây, gặp gỡ bà nội của Chi Dao, Hứa Hồng Đậu tìm về được những kí ức ngọt ngào. Cô nhớ về tuổi thơ với sự bao bọc của ngoại. Có lẽ, thời gian đã mang đi những người mà cô yêu thương nhưng đồng thời cũng mang đến những người để cô có thể trân trọng. Thời gian có vô tình hay không phụ thuộc vào bạn có trân trọng miền kí ức trong khoảng thời gian ấy hay không. Từ bà nội Chi Dao, cô thấy “mùi ấu thơ” mà theo cô, đó là mùi hạnh phúc… Cô nhớ về người chị gái và ba mẹ hết mực yêu thương cô. Chỉ cần cô trở về, là họ luôn ở đó, chăm sóc cô như những ngày thơ bé. Nơi ấy, những chồng sách vở cao ngất, những ước mơ trẻ con cô ghi trên tường dường như còn nguyên vết dấu của “Hồng Đậu nhà ta”…

Và những người yêu nhau rồi sẽ ở bên nhau

Có thể nhận thấy, trước đó, Hứa Hồng Đậu chỉ sống trong khoảng lặp đi làm rồi về nhà, bỏ quên tất cả những lời mời, lời đề nghị, bỏ quên tình cảm gia đình, bạn bè để cố gắng được thăng tiến. Đây cũng chính là lối sống của giới trẻ ngày nay. Thời gian trôi qua mãi chỉ là vòng lặp vô hạn, thói quen con người vẫn vậy, không phải cố mà thay đổi được. Nó chỉ đổi thay khi cuộc đời xảy ra biến cố.

 Những người yêu nhau rồi sẽ ở bên nhau.

Những người yêu nhau rồi sẽ ở bên nhau.

Không chỉ câu chuyện của Hồng Đậu, mà câu chuyện lập nghiệp của Tạ Chi Dao, câu chuyện khó khăn khi theo đuổi nghề mà mình yêu thích của nhà văn mạng Đại Mạch…

Tạ Chi Dao là ông chủ ở trấn Đại Lý, có bằng thạc sĩ kinh tế, từng là giám đốc của một công ty vốn mạo hiểm ở Bắc Kinh. Vốn thông minh, đẹp trai, quyết đoán, anh luôn là người nổi bật nhất so với các bạn bè cùng lứa. Anh có nội tâm nhiệt tình, ấm áp và tràn đầy năng lượng. Ngoài thích sống một cuộc tự do, không muốn trở thành kiểu mẫu tài giỏi điển hình trong thành phố. Lý tưởng của Chi Dao muốn xây dựng quê hương mang cơ hội việc làm tới người dân. Trước lý tưởng của Chi Dao, Hồng Đậu tự hỏi lý tưởng của mình là gì, khi ngày bé chỉ biết học và học. Sau đó là một công việc ngày ngày lặp đi lặp lại như vòng quay của kim đồng hồ…

Đó là Lâm Na (Na Na), khách du lịch dài hạn kiêm nhân viên pha chế bán thời gian tại quán coffee ở trấn. Cô từng là một ca sỹ cover khá nổi tiếng, rồi phải chịu nhiều tổn thương vì bị bạo lực mạng.

Hồng Đậu sau thời gian ba tháng ở lại làm tình nguyện viên du lịch cho Vân Miêu, cô nhận thấy tình yêu của mình và Chi Dao chớm nở. Bên bờ biển, Chi Dao đã dũng cảm nói lên lòng mình, rằng anh thích cô, rằng giá như anh có thể gặp cô khi còn ở Bắc Kinh, khi ngày ngày anh vẫn đi qua khách sạn cô làm, mà chưa một lần bước chân vào. Anh muốn được tặng cô gió, hoàng hôn và bình minh, nhưng anh chẳng thể giữ cô lại. Anh chỉ dũng cảm nói lên lòng mình vậy thôi… Anh cũng nói, nhờ có cô mà anh thấy làm gì cũng vui, không làm gì cũng vui…

Thế rồi, khi cô rời đi, thu xếp những việc cô muốn làm, đó là về thăm bố mẹ Nam Nam rồi mới về thăm bố mẹ mình, Chi Dao đã vô cùng nhớ cô. Một người bạn nói, sao anh không giữ cô lại, Chi Dao nói: “Tại sao trong suy nghĩ của cậu là tôi giữ cô ấy ở lại, mà không phải là tôi đi theo cô ấy chứ? Nếu tôi đã không thể đi theo cô ấy, vậy tôi dựa vào cái gì để bắt người ta ở lại đây vì tôi? Tại sao đàn ông lại luôn cho rằng phụ nữ thì nhất định phải vì tình yêu mà hi sinh và thỏa hiệp nhiều hơn, là một chuyện đương nhiên. Còn đàn ông thì chỉ cần nói miệng một câu đảm bảo rằng, anh sẽ đối tốt với em cả đời”… Bà nội thương cháu đã đưa cho Chi Dao cả quyển sổ tiết kiệm, khá nhiều tiền để anh có tiền vé máy bay thoải mái đi thăm Hồng Đậu…

Cũng trong những ngày đó, Hồng Đậu nhận ra tình yêu của mình đủ lớn để quay lại Vân Miêu, cô tiếp quản một homestay vắng khách. Cô quyết tâm đưa chất lượng homestay theo chuẩn 5 sao, tỉ mỉ nhất có thể. Cô cũng tin rằng, từ Vân Miêu, cô sẽ mở rộng thêm homestay ở nhiều nơi khác…

Câu chuyện tình yêu của họ đã từ từ ngọt ngào và êm đềm như thế! Tất cả đều chân thực đến rung động…

Na Na và chàng trai đã đưa cô về Vân Miêu trong những ngày cô rời xa thành phố, lên xe và đi vô định đã bắt đầu bày tỏ tình yêu của mình. Chàng trai điêu khắc trẻ tuổi ấy, ngày ngày làm “chuột bạch” nếm hết những món cô thử nghiệm. Cô cũng trở lại với vai trò một bloger, kể về những người bạn của mình…

Trong khi Hồng Đậu và vài người bạn ở phương xa rời phố về làng, thì nhiều thanh niên trong thôn lại tìm đường bỏ quê lên thành phố. Xu hướng chuyển dịch của người trẻ trong phim hoàn toàn phù hợp với tình hình giới trẻ trong xã hội Trung Quốc đương đại nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng.

Có thể nói, những câu chuyện trong phim vô cùng mộng mơ và đẹp đẽ đến nao lòng. Nhưng những nỗi đau, sự khắc nghiệt mà không chỉ người trẻ đang đối diện là những thực tế đang diễn ra. Nếu mệt quá, chúng ta có thể dừng lại, chậm lại một chút, để bước tiếp…

Miên Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/di-den-noi-co-gio-va-nhung-nguoi-tre-tim-lai-chinh-minh-post466577.html