Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khỏe, do có ít calo và chất béo bão hòa so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Việc vận chuyển, buôn bán gia cầm sống chưa được kiểm dịch có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cúm gia cầm trong cộng đồng.

Việc vận chuyển, buôn bán gia cầm sống chưa được kiểm dịch có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cúm gia cầm trong cộng đồng.

Ngoài ra, trong thịt gia cầm, nhất là thịt gà, còn có một lượng lớn vitamin B6 hỗ trợ cho cơ thể trao đổi chất nhanh, hấp thụ các chất dinh dưỡng thuận lợi và hiệu quả hơn. Các chất nêu trên có tác dụng hữu ích cho sự phát triển về thể trạng của trẻ nhỏ cả về chiều cao lẫn cân nặng. Đồng thời, ở những trường hợp người lớn tuổi khi mắc bệnh, cơ thể rất cần được bổ sung lượng vitamin B6, thì thịt gia cầm chính là nguồn bổ sung tốt nhất.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay, tình trạng buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn còn khá phổ biến. Việc vận chuyển gia cầm sống không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua nhiều địa bàn; thịt gia cầm được giết mổ không tập trung và chưa có dấu kiểm dịch sẽ là những nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Việc buôn bán thực phẩm từ gia cầm bằng phương pháp giết mổ thủ công, không qua kiểm dịch của ngành chức năng, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.

Việc buôn bán thực phẩm từ gia cầm bằng phương pháp giết mổ thủ công, không qua kiểm dịch của ngành chức năng, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.

Tại Thông tư số 09/2016 quy định việc kiểm tra giết mổ gia cầm, cụ thể như: Kiểm tra lâm sàng tình trạng sức khỏe của gia cầm thực hiện tại nơi có đủ ánh sáng và khi được treo lên dây chuyền giết mổ (đối với cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp), nhằm phát hiện gia cầm có dấu hiệu quá yếu, còi cọc hoặc gia cầm có các biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm để có các biện pháp xử lý thích hợp. Đồng thời, sau khi kiểm tra lâm sàng, nếu thấy gia cầm khỏe mạnh thì phải sớm được đưa vào giết mổ.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 2 lò giết mổ nhỏ, lẻ với quy mô công suất chỉ vài chục con/ngày tại xã An Xuyên và phường Tân Thành, TP Cà Mau.

Nguồn thực phẩm từ thịt gia cầm là nguồn bổ sung dinh dưỡng rất tốt, có thể thay thế cho các loại thịt đỏ, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Nguồn thực phẩm từ thịt gia cầm là nguồn bổ sung dinh dưỡng rất tốt, có thể thay thế cho các loại thịt đỏ, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Chung Hữu Nghị, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh gần như không có lò giết mổ gia cầm tập trung với quy mô công nghiệp nào. Trong khi người dân từ lâu vẫn giữ thói quen tự giết mổ gia cầm nuôi tại nhà để chế biến và sử dụng hoặc tự giết mổ gia cầm rồi mang ra chợ bán cho người tiêu dùng. Do vậy, đối với ngành chức năng, việc kiểm dịch thực phẩm từ nguồn thịt gia cầm là rất khó thực hiện có hiệu quả”.

Có thể nói, nguy cơ nguồn lây lan dịch bệnh - cúm A (H5N1) từ các loại thịt gia cầm khi chưa được kiểm dịch chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, bởi đây là nguồn thực phẩm quan trọng, bổ sung chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày của nhiều hộ gia đình, có thể thay thế rất tốt cho các loại thịt đỏ.

Nếu việc kiểm dịch không có cơ chế quản lý khép kín từ nguồn đầu vào cho đến khi cung ứng đến tay người tiêu dùng và một khi người tiêu dùng vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh thì khả năng mất an toàn vệ sinh thực phẩm là điều hiện hữu, không thể tránh khỏi.

Chị Đinh Ngọc Thu, Phường 8, TP Cà Mau, chia sẻ: “Nói thật, do nhà tôi ở gần chợ phường nên khi nào có nhu cầu tiêu dùng, tôi chỉ việc ra đó mua gà, vịt hoặc ngỗng đã được người bán hàng làm sẵn rồi về chế biến sử dụng, ít khi để ý đến dấu kiểm dịch của ngành Thú y”.

Bệnh cúm gia cầm (A/H5N1) chủ yếu lây nhiễm từ gia cầm sang cho người thông qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với những vật dụng đã bị nhiễm mầm bệnh trước đó hoặc với gia cầm bị ốm, chết do nhiễm vi rút, thậm chí là do ăn phải thịt gia cầm và các loại sản phẩm từ gia cầm khi chưa được nấu chín kỹ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, bệnh cúm gia cầm trên người hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa. Vì thế, việc chủ động phòng bệnh và tăng cường quản lý, kiểm dịch hiệu quả nguồn thực phẩm từ các loại thịt gia cầm là biện pháp rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng./.

Phương Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-trong-voi-nguon-thuc-pham-tu-gia-cam-chua-qua-kiem-dich-a34542.html