Di dời Bến xe Miền Đông, tắc nghẽn từ quy định
Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan về công tác chuẩn bị đưa Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới vào khai thác.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cần khẩn trương xem xét, thẩm định giá đất để Samco hoàn tất thủ tục thuê đất xây dựng bến xe BXMĐ mới, trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố xem xét.
Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở GTVT khẩn trương có ý kiến về giá dịch vụ xe ra vào BXMĐ mới, đảm bảo tiến độ đưa bến xe vào khai thác. Đối với Samco, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đã đồng ý chủ trương để đơn vị này tổ chức đấu thầu theo quy định nhằm lựa chọn đơn vị chuyên nghiệp, có đủ năng lực kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ tiện ích trong bến xe; phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách và đơn vị vận tải theo hướng dẫn của Bộ GTVT.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan còn giao cho quận 9, Sở KH& ĐT, Sở GTVT… phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hạ tầng, tổ chức giao thông khu vực bến xe để phục vụ việc đưa BXMĐ mới vào hoạt động.
Từ ngày 6-5-2018, ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Samco đã có quyết định thành lập tổ triển khai phương án khai thác bến xe mới. Tuy nhiên, đến nay việc khai thác BXMĐ mới đang bị ách tắc do quy định phải đấu thầu để lựa chọn khai thác bến. Bởi việc đầu tư BXMĐ mới được thành phố giao cho Samco làm chủ đầu tư, trong khi BXMĐ cũ do Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông - một công ty con của Samco trực tiếp quản lý, khai thác.
Do đó, nếu Samco phải đưa BXMĐ mới ra đấu thầu để lựa chọn đơn vị có đủ năng lực vào khai thác theo chỉ đạo của thành phố, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông sẽ không thể tham gia đấu thầu do là công ty con của Samco. Nếu như vậy, hơn 200 DN vận tải với vài ngàn đầu xe đang tham gia hoạt động ở BXMĐ cũ sẽ không được di dời ra bến mới.
Để buộc các đơn vị vận tải, nhà xe phải ra bến mới, TP Hồ Chí Minh chỉ còn cách giải tán DN đang quản lý BXMĐ cũ. Khi đó vài trăm con người đang làm việc tại BXMĐ cũ sẽ đi đâu, về đâu là vấn đề không đơn giản.
Vì vậy để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên trong điều kiện hiện nay, UBND TP Hồ Chí Minh cho phép Samco được quyền chọn đơn vị khai thác và chỉ định DN đang quản lý, khai thác BXMĐ cũ ra làm dịch vụ cho Samco. Về lâu dài, thành phố cần gỡ vướng về quyền sử dụng khu đất ở BXMĐ cũ để Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông có thể tiến hành cổ phần hóa, có vốn chuyển trả lại cho công ty mẹ để được làm chủ đầu tư BXMĐ mới.
Để chuẩn bị cho việc di dời các đơn vị vận tải, nhà xe từ BXMĐ cũ ra bến mới, giữa tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cũng đã tổ chức họp bàn với các bên liên quan.
Tại cuộc họp này, đại diện nhiều DN vận tải, nhà xe đang khai thác các tuyến từ BXMĐ cũ đi khu vực phía Bắc đã phản ánh rằng, tại BXMĐ hiện hữu, lượng hành khách vào bến mua vé rất ít. Khách đi xe chủ yếu tập trung chờ xe ven đường từ khu vực cầu Bình Triệu đến khu vực Suối Tiên và khu vực quận Gò Vấp, quận 12 cùng một số quận, huyện vùng ven.
Thực trạng này khiến các DN vận tải, nhà xe trong bến phải cạnh tranh, bán vé dưới giá thành nên để tồn tại, các DN vận tải phải tổ chức vận chuyển, giao nhận hàng hóa, hành lí cho hành khách. Việc di dời một số tuyến trong giai đoạn đầu từ BXMĐ cũ ra bến mới cũng sẽ khiến DN vận tải đang khai thác cùng lúc nhiều tuyến đi khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… gặp khó do phát sinh thêm bộ máy quản lý, bán vé, điều hành và chi phí thuê quầy vé, thuê vị trí giao nhận hàng hóa tại BXMĐ mới.
Trong lúc giá cước vận tải không thể tăng do phải cạnh tranh với xe “dù” trá hình, núp bóng đang tồn tại nhiều nơi trên địa bàn.
Đại diện các đơn vị vận tải cũng cho biết, cự li vận chuyển từ trung tâm thành phố ra BXMĐ mới cũng quá xa, nhưng hiện việc kết nối các loại hình vận tải công cộng như metro, xe buýt chưa được hoàn thiện. Nếu DN phải đầu tư thêm xe trung chuyển sẽ tốn thêm chi phí và để đủ khách cho một chuyến xe trung chuyển, đơn vị vận tải sẽ phải chờ gom khách của nhiều tài trong vòng ít nhất 6 giờ nên không chỉ DN vận tải phải chờ, mà khách đi xe cũng phải mất thêm thời gian chờ đợi để được trung chuyển ra bến mới.
Các đơn vị vận tải cũng cho rằng, việc di dời BXMĐ cũ ra bến mới nhằm mục đích giảm kẹt xe cho khu vực nội thành, nhưng ngay đối diện BXMĐ cũ, lâu nay có 2 bến “cóc” ở số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh thường xuyên có cả trăm chuyến xe khách chạy “dù” ra vào mỗi ngày.
Đây là nguyên nhân chính gây ùn tắc cho khu vực BXMĐ hiện hữu và trực tiếp giành khách một cách không công bằng với các DN vận tải, nhà xe trong bến. Để hỗ trợ các DN vận tải, nhà xe di dời từ BXMĐ cũ ra bến mới trong thời gian đầu, các đại diện DN vận tải, chủ xe và DN BXMĐ cũng đã kiến nghị một loạt vấn đề với Sở GTVT.
Do đó, để ổn định trật tự hoạt động vận tải khách trong quá trình di dời các đầu xe từ BXMĐ cũ ra bến mới, Sở GTVT thành phố cần khẩn trương hoàn thiện một loạt kiến nghị, đề xuất của DN vận tải, nhà xe trong bến. Trong đó quan trọng nhất là việc tập trung triệt xóa xe “dù” núp bóng, xe hợp đồng trá hình để đảm bảo quyền lợi cho các nhà xe chính thống trong bến và quyền lợi của khách đi xe.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/di-doi-ben-xe-mien-dong-tac-nghen-tu-quy-dinh-560313/