Di dời máy bay, xe tăng khỏi nơi 'đồn trú' tạm tại di tích Quốc Tử Giám
Cùng với tháo rời một số bộ phận, lực lượng quân sự TT-Huế huy động các xe cẩu lớn hỗ trợ việc tháo rời cánh quạt 'khủng' của máy bay UH-1...
Máy bay trực thăng UH-1 cùng với các máy bay MIG-21, A-37, AD-6 và 6 chiếc xe tăng, 6 khẩu pháo tự hành… là những hiện vật chiến tranh đang được trưng bày ngoài trời tại Quốc Tử Giám triều Nguyễn. Đây là một công trình thuộc Quần thể di tích cố đô Huế, nằm trong kinh thành Huế.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên-Huế cho biết, đã tổ chức nhiều buổi họp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để bàn phương án di dời các hiện vật có kích thước và trọng lượng lớn, nặng hàng tấn này qua các cửa ra vào kinh thành bị giới hạn chiều rộng, chiều cao...
Để hoàn thành việc di dời các hiện vật trưng bày ngoài trời trên về địa điểm mới trước ngày 19/5, hiện nay, các cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự Thừa Thiên-Huế đang tiến hành tháo rời các bộ phận của những chiếc máy bay.
Đặc biệt, để tháo dỡ cánh quạt “khủng” trên chiếc máy bay trực thăng UH-1 xuống, chiếc xe cẩu cỡ lớn đã được huy động đến để hỗ trợ.
Việc tháo dỡ cánh và một số bộ phận của những máy bay A-6, A37… được lực lượng quân sự thực hiện chi tiết, cẩn trọng cùng với các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ; đảm bảo sau khi xe tải cẩu di chuyển về địa điểm mới, các hiện vật được lắp ráp lại vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Thời gian di chuyển dự kiến vào ban đêm, tránh ảnh hưởng việc đi lại của người dân.
Việc di dời các hiện vật máy bay, xe tăng trên là một phần trong kế hoạch di dời toàn bộ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế từ địa điểm hiện tại ở Di tích Quốc Tử Giám (Số 01 đường 23 tháng 8, phường Thuận Thành) lên địa điểm mới (268 đường Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP Huế).
Như Báo Giao thông đã đưa tin, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên – Huế, sau đó đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (năm 2015) và nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên- Huế được bố trí tạm tại Quốc Tử Giám triều Nguyễn. Việc lựa chọn, tìm vị trí để xây dựng Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế đã được đề ra trong nghị quyết của Tỉnh ủy.
Ngày 17/4/2013, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó phấn đấu giai đoạn 2013- 2020 đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên- Huế.
Sau khi làm việc với Bộ Quốc phòng, ngày 13/9/2016 UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị bàn giao cho tỉnh phần khu đất tại địa chỉ 268 đường Điện Biên Phủ (Tiểu đoàn 19 thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh quản lý) để làm Bảo tàng lịch sử. Sau đó, Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi Chính phủ và thống nhất bàn giao khu đất này cho tỉnh.
Ngày 28/3/2017, Chính phủ đã có văn bản do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký gửi Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế về việc đồng ý điều chuyển tài sản khu nhà và đất ở trên mảnh đất 268 Điện Biên Phủ sang cho UBND tỉnh quản lý và sử dụng. Ngày 25/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao đất với tổng diện tích 7.500 m2 cho Sở Văn hóa và Thể thao để hình thành Bảo tàng lịch sử tỉnh.