Di dời nhà máy cần ưu tiên cho không gian công cộng

'Việc sử dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng nữa, đặc biệt là nhà máy đã được di dời cần ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần cho người dân Hà Nội', đó là đề xuất của PGS.TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia tại tọa đàm 'Hiện trạng di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng', sáng 23/7.

Thiếu không gian công cộng

Tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi, tìm hiểu thực trạng cũng như giải pháp cân bằng cho việc thay thế các nhà máy di dời góp phần làm Hà Nội đáng sống hơn.

Chia sẻ khảo sát về quan điểm của người dân về không gian công cộng và lối sống của người dân Hà Nội tại tọa đàm, chuyên gia Lê Quang Bình, Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) cho biết: Theo một khảo sát của PPWG năm 2020, có 98% người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư của thành phố Hà Nội.

Khảo sát của PPWG cũng cho thấy, đa số người dân được hỏi muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% người dân được hỏi cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Chuyên gia Lê Quang Bình, Chủ tịch PPWG phát biểu tại tọa đàm

Chuyên gia Lê Quang Bình, Chủ tịch PPWG phát biểu tại tọa đàm

Chuyên gia Lê Quang Bình chia sẻ thêm: "Theo một khảo sát thực địa khác của PPWG, trong số 39 nhà máy thuộc dạng di dời ghi trong danh sách kèm theo công văn số QHKT/8/2011 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân thì có 21 nhà máy đã di dời. Trong đó, có 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư thương mại hoặc biệt thự liền kề và chỉ có 2 nhà máy được thay thế bằng mục đích sử dụng khác là đường trên cao và đại học tư nhân".

Đánh giá về thực trạng không gian công cộng trên địa bàn Thủ đô, Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án Thành phố Sống tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho hay, hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3 m2 diện tích không gian công cộng/người, trong khi tiêu chuẩn tối thiểu là 5 m2/người. Thậm chí những người dân sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30 cm2/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố trên thế giới.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thúy Loan góp ý, thiết kế đô thị là lĩnh vực chủ yếu tập trung vào chất lượng môi trường không gian đô thị, phục vụ con người, và không gian công cộng là chủ đề trọng tâm của thiết kế đô thị. Trong đó, không gian công cộng phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, phục vụ cho đời sống của con người. Khi so sánh về không gian xanh của Hà Nội so với các thành phố trên thế giới hoặc tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị thì đều thấp hơn khá nhiều.

Nâng cao chất lượng sống

Để làm rõ hơn về thực trạng cũng như nhằm tìm ra các giải pháp cân bằng và phù hợp cho việc sử dụng không gian sau khi di chuyển nhà máy, các đại biểu, chuyên gia đã có những thảo luận, trao đổi và đưa ra nhiều giải pháp mang tính cấp bách và thiết thực.

Để tăng quỹ không gian xanh, PGS.TS Phạm Thúy Loan cho rằng, đối với công viên, mặt nước, cây xanh sẵn có, chúng ta cần phát huy tối đa, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu vào đó. Bên cạnh đó, sử dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng nữa, đặc biệt là nhà máy đã được di dời thì chúng ta cần ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường

Góp ý thêm về thực trạng một số dự án chậm triển khai so với quy hoạch, ông Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành hội kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, còn rất nhiều dự án dù đã 10 năm vẫn chưa thực hiện di dời được vì chưa có phương án tối ưu. Và vấn đề đặt ra ở đây ra, sau khi di dời đất đó phải sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Để trả lời được câu hỏi này nó nằm ngoài khả năng của các cơ quan quản lý nhà nước, của ngoài UBND TP, ngoài Sở Quy hoạch kiến trúc, mà nó là câu trả lời của toàn xã hội.

“Việc di dời là cần thiết, nhưng trước khi di dời, chúng ta nên có sự đồng thuận với nhau khi di dời chúng ta sẽ dùng vào việc gì, lợi ích các bên ra sao để tạo sự hài hòa và quan trọng nhất là tạo nên chất lượng sống xanh cho người dân đô thị”, ông Ánh nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia, việc thay thế các nhà máy sau khi di dời bằng các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, về ngắn hạn ở mặt tích cực sẽ mang lại GDP cho thành phố nhưng về dài hạn thì chúng ta cần đặt ra như vấn đề nóng lên của thành phố. Từ việc quá nhiều hạ tầng phản xạ sẽ làm cho nhiệt độ nóng lên, bên cạnh đó diện tích cây xanh, diện tích không gian công cộng trong nội đô ngày càng bị thu hẹp. Nó sẽ làm cho thành phố gia tăng áp lực khi nhiệt độ tăng cao.

"Về mặt lâu dài, chất lượng cuộc sống của người dân cũng cần được đảm bảo và nâng cao và nhờ nhiều vào yếu tố môi trường. Do đó, vai trò của các nhà hoạch định chính sách, vai trò của những người làm quy hoạch phải cân bằng được cả lợi ích lâu dài với cả người dân và các nhà đầu tư, cũng như nền kinh tế nói chung", Lê Quang Bình cho hay.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cũng cho thấy, để các công viên, không gian công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân, trước hết chính quyền các đô thị cần phải xây dựng được chiến lược phát triển không gian công cộng với những chính sách phát triển được đưa vào trong các quy hoạch tổng thể của thành phố. Đặc biệt, chính quyền cần huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc đóng góp ý kiến, cũng như giám sát quá trình thực hiện.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/di-doi-nha-may-can-uu-tien-cho-khong-gian-cong-cong-140862.html