Dĩ đức an dân, bình minh trở lại
Mùa hè 2021, tại cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thay mặt Giáo hội, hòa thượng Thích Thiện Nhơn tặng Chủ tịch nước 4 chữ 'Dĩ đức an dân'. Năm 2021, năm của những cơn biến động chưa từng có kể từ sau chiến tranh, có 'dĩ đức', có bình minh trở lại.
Điều tưởng như rất giản dị
Nhận món quà từ tay hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thấy “đây chính là lời căn dặn lãnh đạo cấp cao luôn phải lấy chữ “đức” làm đầu để quy tụ được lòng người, thu phục được nhân tâm, hiệu triệu được sức mạnh tổng hợp cùng chung sức xây dựng đất nước. Có làm được như vậy, thì mới thực sự an dân”.
Theo người đứng đầu Nhà nước, chỉ một chữ “an”, là điều tưởng như rất giản dị trong cuộc sống, nhưng lại là thách thức to lớn với những người làm lãnh đạo. Bởi chữ “an” mà những người lãnh đạo đất nước phải lo được cho dân, là chữ “an” có trong đó vừa là sự thịnh vượng, no đủ, vừa là niềm vui, niềm tin, vừa là sự bình yên cả trong đời sống vật chất, cả trong đời sống tinh thần.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, ngày 20/7/2021.
Chữ “an” mà những người lãnh đạo đất nước phải lo được cho dân là “luôn sát cánh cùng nhân dân vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc, để mùa màng thêm bội thu, để sản xuất, kinh doanh luôn thành công, để những dòng sông luôn tuôn chảy mát lành, để những trẻ em luôn có những giấc mơ và hoài bão vươn xa, để những cụ già sống trọn phần đời thật ý nghĩa, hạnh phúc”…
Thực tế năm 2021 đã chứng minh. Trong làn sóng thứ 4, chữ “an” trở thành một thách thức to lớn khi hàng vạn người vội vã hồi hương trong khoảng thời gian ròng rà từ tháng 7 đến tháng 10 vì chạy dịch; khi hàng triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp, thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng tồi tệ, số người thất nghiệp và thiếu việc làm cho đến quý III/2021 đã tăng cao chưa từng thấy với khoảng 28,2 triệu người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
2021 là năm ghi dấu sự xuất hiện cùng lúc của 4 lãnh đạo chủ chốt của đất nước với tần suất dầy đặc nhất từ trước đến nay. Hình ảnh đã trở nên quen thuộc với người dân trong năm này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng nắm tay nhau...
Chữ “an” cũng trở thành điều rất mong manh khi những gương mặt người phải kín mít sau những chiếc khẩu trang; những ngôi trường vắng lặng không còn tiếng học trò ríu rít. Những công viên chỉ còn lá rơi xao xác thay vì rộn rã tiếng nói, tiếng cười, tiếng bước chân của tấp nập người già, người trẻ…
Điều tưởng như rất giản dị đã trở nên đầy xa xỉ, khiến cho điều vốn dĩ là bình thường như bình minh đã trở thành thời khắc được đặc biệt chờ mong. “Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng, bình minh của cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại”- Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trong buổi Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức tại Phủ Chủ tịch chiều 28/7/2021.
Có phong ba, rõ ý chí
Bởi một chữ “an” cho dân trong cuộc chiến với đại dịch, năm 2021 là năm ghi dấu sự xuất hiện cùng lúc của 4 lãnh đạo chủ chốt của đất nước với tần suất dầy đặc nhất từ trước đến nay. Hình ảnh đã trở nên quen thuộc với người dân trong năm này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ cùng nắm tay nhau.
Cuộc sống của người dân TP. Hồ Chí Minh đã ổn định sau đại dịch.
Phát biểu tại Kỳ họp đầu tiên của QH khóa XV, ngày 20/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi tất cả các vị đại biểu QH tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ Nhân dân giao phó.
Vào thời điểm cao trào của dịch bệnh, mùa thu năm 2021, 5 ngày sau khi cùng đến dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới 2021-2026, ngày 16/8/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ tiếp tục cùng đến Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
“Chính phủ sẽ bằng mọi giải pháp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội đã đề ra, bảo đảm đời sống cho đồng bào; xứng đáng với niềm tin, hy vọng và khát vọng phát triển đất nước của nhân dân”. Thủ tướng Phạm Minh Chính quả quyết tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, ngày 11/8/2021.
Còn vào đúng ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, ngày 29/7/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Gọi nơi này là “vùng biển bão tố”, người đứng đầu Nhà nước động viên: “nếu bình yên thì không biết được đâu là thủy thủ giỏi, có thử thách, có phong ba mới rõ được bản lĩnh, rõ được ý chí”.
Linh hồn của “dĩ đức”
Tháng 5/2021, giữa bầu không khí “đặc quánh” nỗi âu lo về dịch bệnh kéo theo sản xuất kinh doanh đình trệ, công ăn việc làm mất và thêm nhiều người hơn nữa rơi vào cảnh cơ hàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc họp bàn triển khai việc thực hiện tốt hơn Luật Đặc xá năm 2018. Đây là một trong những công việc đầu tiên ông làm trên cương vị mới của Chủ tịch nước.
Từ khi thực hiện Luật Đặc xá năm 2018 đến tháng 5/2021, chưa có quyết định đặc xá nào được ban hành. Ngay sau cuộc họp đó, ngày 30/6/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định 1161 về đặc xá năm 2021, tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/2021).
Ngày 7/7/2021, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn số 63 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1161 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021. Ngày 10/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra Công điện về việc triển khai công tác đặc xá năm 2021. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Thông tin truyền thông… khẩn trương thực hiện.
Ngày 19/8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đi kiểm tra công tác đặc xá tại tỉnh Bắc Giang và có nhiều chỉ đạo quan trọng về ý nghĩa, mục đích, định hướng và nội dung triển khai đặc xá này. Các thành viên trong Hội đồng tư vấn đặc xá cũng dẫn đầu một số đoàn đi kiểm tra tại các địa phương. Đúng ngày Tết Độc lập, ngày 2/9/2021, theo Quyết định của Chủ tịch nước, lần đầu tiên sau 4 năm, có 3035 người được đặc xá tha tù trước thời hạn, được trao cho một cơ hội để sửa sai, để lại được tận hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân, trở về nhà đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng làm lại cuộc đời.
Đây không chỉ là đợt đặc xá đầu tiên theo Luật Đặc xá năm 2018, mà còn là đợt đặc xá đầu tiên diễn ra ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu QH khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đáng chú ý hơn, đợt đặc xá lần này còn diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 - thảm họa dữ dội nhất trong 100 năm qua.
Lịch sử nhiều triều đại tại nhiều quốc gia đều đã chứng kiến, mỗi khi dịch bệnh, thiên tai đều tiến hành đại xá thiên hạ. Và điều đó thường được gọi là linh hồn của “dĩ đức”.
Nhận xét nếu các lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh thiếu quyết liệt, thiếu kịp thời, thiếu linh hoạt thì tình hình ở TP. Hồ Chí Minh còn xấu hơn nhiều, Chủ tịch nước cũng cho rằng không chỉ cả hệ thống chính quyền ở TP. Hồ Chí Minh kiên cường mà tất cả người dân của thành phố cũng đều như vậy. Trò chuyện với người dân Hóc Môn qua “hàng rào” phong tỏa, Chủ tịch nước thấy dẫu có mệt mỏi vì phải sống trong những ngày bất thường vì đại dịch, thì trong ánh mắt từng người vẫn toát lên vẻ rắn rỏi, tự tin về những ngày phía trước, sau vần vũ, trời lại sáng.
Hiện thân của “dĩ đức”
Năm 2021, gần như mọi thời điểm đều phải dồn lực cho chống dịch, dù vậy, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn được các lãnh đạo chủ chốt của đất nước triển khai ráo riết theo đúng tinh thần của Đại hội XIII. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính là hiện thân của “dĩ đức” khi yếu tố Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân luôn được khẳng định trong từng thiết chế hợp thành. Từ yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng nền hành chính, nền tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức... đều nhấn mạnh các giá trị: thực sự của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, được nhân dân tín nhiệm; lấy quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân làm trung tâm; bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đại hội Đảng XIII đánh giá, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nội dung, phương thức xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, công việc này có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới.
Bởi vậy, Đại hội Đảng XIII khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Từ việc xác định vị trí của nhiệm vụ này đến các nội dung, biện pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Đại hội XIII đề ra đều thể hiện tư duy mới và những bước phát triển mới về chất so với các kỳ Đại hội trước. Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) cũng dành dung lượng đáng kể đề cập đến nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảng dành sự quan tâm đặc biệt đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời gian tới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tháng 5/2021, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gồm 21 thành viên, trong đó có 9 ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng Ban chỉ đạo, 3 Phó Trưởng ban là Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Nhà nước pháp quyền là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hàng trăm năm. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, cũng là nguyện vọng, sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam”.
Lời xin lỗi, nỗi thương dân
“Dĩ đức”, điều còn có thể nhìn thấy ở những lời xin lỗi Nhân dân. Tại TPHCM, hồi tháng 2/2021, khi dịch Covid-19 bắt đầu tấn công Việt Nam, TP. HCM xây dựng các kịch bản, mà kịch bản xấu nhất là số ca nhiễm lên đến con số hàng trăm nghìn thì TP. HCM sẽ “vỡ trận”. Và rồi thực tế là trong suốt nhiều tháng của năm 2021, số ca nhiễm tại TP này đã lên đến con số hàng nghìn ca mỗi ngày, thì với sự nỗ lực ở mức phi thường, tình hình ở TP. HCM vẫn được kiểm soát. Cho đến cuối năm 2021, TP. HCM trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về mức giảm người dân bị nhiễm bệnh.
Dẫu vậy, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên thấy: “Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được” và nhìn nhận: “đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Mong được nhân dân lượng thứ”. Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cảm thán: “Nỗi đau to lớn nhất của TP. HCM năm 2021 không phải là sự suy thoái kinh tế mà là sự mất mát những con người. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách suy giảm chúng ta có thể tìm cách vực dậy; tiền của mất đi chúng ta có thể đem sức lao động tạo dựng lại; nhưng những người đã ngã xuống chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy nữa trên cuộc đời này. Trong những người ngã xuống có đồng bào trên mọi miền đất nước. Đây là nỗi đau chung của tất cả chúng ta”.
Tại Khánh Hòa, hồi tháng 7/2021, chỉ vì phút “nóng nảy”của Tổ công tác của UBND phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang trong kiểm tra, tạm giữ giấy tờ và phương tiện xe máy của công dân Trần Văn Em khi địa bàn này đang phải thực hiện quy định giãn cách mà anh này dám “cả gan” ra đường mua bánh mì cho một người bạn đang bị ốm nằm nhà, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang gửi thư cho công dân Trần Văn Em để xin lỗi và nhận khuyết điểm vì để xảy ra vụ việc này.
“Dĩ đức”, điều còn có thể nhìn thấy ở nỗi thương dân. Thương dân, chính quyền Thừa Thiên Huế đã không chút do dự khi giúp đến nơi đến chốn cho 2 người phụ nữ cùng 3 con nhỏ bị 2 người chồng “bỏ quên” tại chốt kiểm soát dịch Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) trên đường chạy xe máy từ Bình Dương về quê nhà tại Nghệ An hồi tháng 7/2021. Cũng hồi tháng 7, chính quyền các tỉnh, thành đã đồng loạt lên phương án đón người dân về quê. Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai bố trí xe chuyên dụng dẫn đầu đưa đoàn hàng ngàn phương tiện ôtô, xe gắn máy từ TP. HCM để về Tây Nguyên. Tại các chốt kiểm dịch ở Gia Lai, người dân ngoài khai báo y tế, đo thân nhiệt còn được phát nước và đồ ăn nhẹ… “Dĩ đức”, chính quyền các cấp đã nỗ lực thể hiện cam kết trong mọi hoàn cảnh không bao giờ bỏ rơi dân.