Đi học trở lại, học sinh sẽ giãn cách thế nào để phòng Covid-19?

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, năm 2022, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Hiện 105/134 quốc gia đã mở cửa trường học trở lại.

Chiều 8-11, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục.

Theo bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt dịch lần thứ 4, tổng số cán bộ giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên mắc Covid-19 là gần 47.500 trường hợp. Hiện dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, dịch đã xuất hiện ở một số trường học khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp, dẫn tới một số địa phương phải chuyển đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến, kế hoạch mở cửa trở lại ở các địa bàn vùng xanh phải điều chỉnh vì tỉnh, thành phát sinh nhiều ca nhiễm cộng đồng.

Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại trường học

Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại trường học

Bên cạnh đó, tỉ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%), hơn 10.000 cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế tại trường.

Đến nay, có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh. 35 tỉnh, thành với 337 quận/huyện đang học trực tuyến, học trên truyền hình. Số học sinh đang học trực tuyến khoảng 6.739.020 học sinh (tiểu học 42,5%, THCS 74,3%; THPT 55,2%; liên cấp 48,1%). Một số địa phương đã tăng cường tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục và triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh từ 12-17 tuổi (TP HCM, Bình Dương, Ninh Bình,..).

Trường học có F0 có bị phong tỏa?

Hiện một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp đảm bảo giãn cách trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học. Dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Y tế và UBND nhiều tỉnh, thành phố đặt các câu hỏi xung quanh việc tiêm vắc-xin Covid-19, thực hiện 5K trong lớp (khẩu trang và khoảng cách) và kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Giải đáp những băn khoăn này, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, đề nghị các trường cần rà soát, kiện toàn lại Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của các trường học. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tất cả các trường học từ tiểu học đến CĐ, ĐH trên địa bàn phải xây dựng kế hoạch phòng chống Covid-19 và phương án xử lý F0. Sau đó, Ban chỉ đạo chống dịch cấp huyện sẽ phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch của từng trường. "Kế hoạch phòng chống dịch ở một trường học ở Hà Nội sẽ khác ở Hà Giang và trường nội trú sẽ khác trường bình thường"- ông Tuyên nói.

Ông Tuyên cho rằng khi không may trong trường có ca bệnh F0 là học sinh hoặc giáo viên, trước mắt cần phong tỏa trường học, sau đó sàng lọc. Nếu có phong tỏa cũng chỉ cần phong tỏa lớp học, tầng hoặc tòa nhà, sau đó phun khử khuẩn và đưa F0, F1 đi cách ly. "Sau 24 tiếng vẫn học trở lại bình thường. Chúng ta đã thích ứng với dịch, do đó đừng quá hoang mang khi có F0 trong trường học"- ông Tuyên nói.

Cũng theo ông Tuyên, việc cho học sinh đi học trực tiếp hay trực tuyến sẽ căn cứ vào cấp độ dịch. Việc đánh giá cấp độ dịch được thực hiện đến tận cấp xã, do đó có thể trong huyện nhưng có xã học sinh sẽ được đi học, có xã học sinh sẽ học trực tuyến.

Có bắt buộc học sinh có đeo khẩu trang khi đến trường?

Về việc khi học sinh trở lại trường học sẽ thực hiện 5K thế nào, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 1583/BGDĐT-GDTC về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trường học.

Ông Tuyên cho biết theo văn bản này, không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học; không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà; Không áp dụng giãn cách trong lớp học; hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người.

Hội nghị trực tuyến kết nối tới 63 tỉnh, thành phố

Hội nghị trực tuyến kết nối tới 63 tỉnh, thành phố

Các trường học được sử dụng điều hòa trong lớp học; cuối mỗi buổi học phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng, tăng cường thực hiện lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng/lớp học, nhà vệ sinh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Ông Tuyên cũng cho biết hiện Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, do nguồn cung có hạn nên vắc-xin về đến đâu Bộ Y tế đều tính toán và ưu tiên cho các đối tượng phù hợp.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết năm 2022 dịch vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể kết thúc và chưa thể dự báo có xuất hiện các biến chủng hay không. Đến nay, thế giới đã xác định từ chỗ không có Covid-19 thành đáp ứng chống dịch trong tình hình mới. Hiện 105/134 quốc gia đã mở cửa trường học trở lại.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết việc học trực tuyến dài ngày ảnh hưởng tâm lý học sinh, sinh viên rất nhiều. Ngoài ra, chương trình đặt ra của năm học 2021-2022 có nhiều nguy cơ không hoàn thành, chất lượng giáo dục cũng ảnh hưởng nhất định. Vì thế, việc rà soát văn bản, quy định tiêu chí đảm bảo an toàn trường học, ký túc xá được đặt ra để đưa các em sớm trở lại trường học.

Nơi nào đã ở cấp độ dịch 1, 2 thì cần tạo mọi điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp, kể cả mầm non. Hiện nay, việc đưa học sinh vùng 1, vùng 2 trở lại trường gặp nhiều khó khăn. "Không phải là trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin thì không được đi học"- bà Minh nhấn mạnh.

Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) lưu ý khi có ca mắc thì phong tỏa tạm thời ngay toàn bộ trường học; rà soát tất cả những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc trong trường học và ở cộng đồng, được lấy mẫu xét nghiệm mẫu đơn. Tất cả học sinh, giáo viên cùng lớp học có F0 thì đều được coi là F1, lấy mẫu bệnh phẩm theo mẫu đơn. Đồng thời cũng cần rà soát F2, lấy mẫu xét nghiệm nếu tiên lượng thấy nguy cơ F1 có thể đã trở thành F0 và lây cho F2.

N.Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/di-hoc-tro-lai-hoc-sinh-se-gian-cach-the-nao-de-phong-covid-19-20211108175304321.htm