Đi không được mà ở cũng không xong
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhận lấy thất bại nặng nề đầu tiên trong 'cuộc chiến' giành quyền quyết định việc nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Ngay khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè, ngày 4-9, các nghị sĩ Anh đã thông qua (với 328 phiếu thuận, 301 phiếu chống) quyết định ủng hộ Hạ viện Anh nắm quyền kiểm soát Brexit nhằm ngăn chặn Thủ tướng Johnson thực hiện vụ 'ly hôn' với EU vào 31-10 tới mà không có thỏa thuận. Đây là kết quả tương đối bất ngờ bởi có 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ quay sang ủng hộ phe đối lập, trong số này có những gương mặt nổi tiếng như cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và nghị sĩ kỳ cựu Kenneth Clarke.
Bị mất quyền quyết định Brexit, ông Johnson kêu gọi giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 14-10. Vị Thủ tướng mới tại vị hơn một tháng cho rằng bầu cử trước thời hạn là giải pháp duy nhất cho bế tắc chính trị hiện nay tại Anh. Tuy nhiên, để làm được điều này, Thủ tướng Anh cần có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 số phiếu tại Hạ viện, tức ít nhất là 434 nghị sĩ ủng hộ. Trong khi đó, các nghị sĩ đối lập yêu cầu phải thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận trước khi tiến hành bầu cử trước thời hạn.
Brexit tiếp tục gây chia rẽ sâu sắc đối với nước Anh. Cuộc chiến giữa Chính phủ và các nghị sĩ tại Hạ viện vẫn chưa có hồi kết. Và thời điểm Brexit nhiều khả năng sẽ phải lùi lại một lần nữa. Nhiều người dân Anh chắc không nghĩ rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 lại đẩy đất nước họ vào tình thế “đi không được mà ở cũng không xong” như hiện nay.