Đi lại bằng máy bay thời hậu COVID-19
Phi hành đoàn mặc đồ bảo hộ, hành khách phải có giấy chứng nhận sức khỏe, bắt buộc đeo khẩu trang, thời gian làm thủ tục lâu hơn chính là trạng thái bình thường mới khi đi lại bằng máy bay vào thời điểm hiện tại.
Công dân Indonesia Suyanto nói về chuyến bay quốc nội của ông vào cuối tháng 5: “Trước lúc bùng phát đại dịch chúng tôi được yêu cầu đến sớm hai tiếng trước lúc bay. Lần này lại phải đến sớm ít nhất bốn tiếng”. Tại sân bay có hàng dài người chờ đi qua nhiều vòng kiểm tra an ninh lẫn kiểm tra sức khỏe.
Tại Indonesia, hành khách phải khai báo lý do đi lại, cung cấp giấy tờ chứng minh họ không nhiễm vi rút, cung cấp lịch trình dự kiến rồi trải qua hàng loạt bước kiểm tra.
Giá vé cho chuyến bay ngắn của Suyanto tăng gấp đôi khi một số ghế trên máy bay bỏ trống nhằm đảm bảo giãn cách. Ông than phiền: “Mệt mỏi hơn và đắt đỏ hơn. Với quy định nghiêm ngặt như vậy thì tôi nghĩ mọi người sẽ đắn đo nếu muốn đi du lịch”.
Khó thực hiện quy định
Ngành hàng không hiện đang tìm cách phục hồi, tuy nhiên giới chuyên gia cảnh báo tác động của dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài. Nhà sáng lập công ty phân tích thị trường Endau Analytics Shukor Yusof xem đại dịch lần này là sự kiện toàn cầu nghiêm trọng hơn cả vụ khủng bố 11.9.2001 (khiến các sân bay lẫn hãng bay phải siết chặt kiểm tra an ninh).
Vì dịch COVID-19, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ban hành bộ hướng dẫn an toàn với hàng loạt quy định như bắt buộc đeo khẩu trang hay khử trùng mọi khu vực mà mọi người thường tiếp xúc nhau.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đề nghị chính phủ các nước thu thập thêm thông tin hành khách kể cả thông tin sức khỏe, giới hạn người được phép vào sân bay mỗi ngày, thiết kế lại khu vực cửa ra phòng chờ để giảm tắc nghẽn, đơn giản hóa thủ tục lên máy bay lẫn thủ tục lấy hành lý, thậm chí cấm xếp hàng đi vệ sinh nhằm hạn chế tiếp xúc.
“COVID-19 là sự gián đoạn lớn nhất từng xảy đến với ngành hàng không. Quá trình hồi phục sẽ chậm chạp”, theo IATA.
Công tác thực hiện quy định đảm bảo an toàn y tế chẳng dễ dàng. Một số hãng hàng không Mỹ rất khó bắt buộc đeo khẩu trang nếu hành khách không chịu hợp tác.
Tại Ấn Độ - quốc gia vừa mở lại chuyến bay nội địa, phi hành đoàn mặc đủ đồ bảo hộ nhưng không biết họ có phải cách ly sau chuyến bay hay không. Những quy định giãn cách xã hội ở sân bay Mumbai nhanh chóng sụp đổ khi hành khách bị hủy chuyến tức giận và xúc phạm nhân viên sân bay.
Quy định gây tranh cãi nhất chính là có nên để trống ghế hay không. Japan Airlines, Delta Airlines cùng nhiều hãng sẵn lòng thực hiện, nhưng giám đốc điều hành hãng Ryanair Michael O’Leary xem đây là ý tưởng ngu ngốc ngăn công ty ông kiếm tiền.
Tiếp viên kiểm tra thân nhiệt hành khách ở sân bay Thiên Hà (Vũ Hán, Trung Quốc) - Ảnh: SCMP
Nỗ lực phục hồi
IATA dự báo các hãng hàng không quốc tế phải chịu khoản lỗ ròng hơn 84 tỷ USD năm nay. Giám đốc điều hành Singapore Airlines Goh Choon Phong cảm thấy mơ hồ về quá trình hồi phục.
Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phục hồi chẳng hạn như số chuyến bay trong hai tháng 4 - 5 tăng lên, tuy vậy rất khó trở lại mức trước lúc dịch bệnh bùng phát.
Một số quốc gia vẫn duy trì lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 hoặc yêu cầu khách nhập cảnh cách ly 14 ngày. Vài nước kiểm soát tốt dịch lại cố gắng đạt thỏa thuận nối lại chuyến bay với nước có tình hình tương tự, kèm theo quy định khắt khe.
Ví dụ tiêu biểu là Singapore thiết lập “làn nhanh” (fast lane) với sáu tỉnh thành Trung Quốc (Trùng Khánh, Quảng Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Thiên Tân, Chiết Giang) tạo điều kiện cho doanh nhân hoặc quan chức đi lại. Đối tượng đi công tác/ công vụ phải được công ty hoặc cơ quan hợp pháp bảo lãnh, xét nghiệm COVID-19 trước lúc khởi hành và sau khi đến nơi.
Quy định rắc rối làm “chùn chân” nhiều người. Giám đốc điều hành công ty du lịch HalalTrip Fazal Bahardeen chia sẻ: “Tôi thà không đi trừ phi thực sự cần thiết”.
Cẩm Bình (theo SCMP)