Đi làm vẫn vui dù nhận 0 đồng thưởng Tết

Biết công ty không thể chi trả khoản thưởng Tết, nhiều nhân sự đồng cảm với tình cảnh khó khăn chung. Thay vì buồn bực, họ giữ tinh thần lạc quan, đón chờ năm mới khởi sắc hơn.

 Nhiều người trẻ sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn, chấp nhận không có thưởng Tết. Ảnh minh họa: Linh Huỳnh.

Nhiều người trẻ sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn, chấp nhận không có thưởng Tết. Ảnh minh họa: Linh Huỳnh.

Những ngày gần Tết, Diệu Nhi (26 tuổi, quận 5, TP.HCM) tranh thủ rủ bạn bè đi mua sắm trước khi về quê. Năm nay, công ty không có thưởng Tết, nhưng điều này không làm nhân viên văn phòng giảm đi sự hào hứng dành cho năm mới.

“Công ty tôi năm nay khó khăn, làm ăn thua lỗ, giờ chúng tôi còn việc đã may, làm gì nghĩ đến chuyện thưởng Tết", cô nói với Tri Thức - ZNews.

3 tháng cuối năm là giai đoạn khó khăn nhất khi Diệu Nhi và đồng nghiệp bị cắt giảm tiền lương 20-30%. Nhân viên trẻ cố gắng gói ghém, thắt chặt chi tiêu để không phải sử dụng khoản tiết kiệm. Cuối năm, cô mới dám trích một khoản tiền dành dụm để mua sắm cho bản thân, gia đình.

“Có thưởng Tết thì vui, không có thì cũng không sao, tôi hiểu đó là tình hình khó khăn chung. Tôi có chút tiền tiết kiệm để mua sắm lúc này, đã đỡ hơn rất nhiều bạn bè đang chật vật kiếm việc ngoài kia", cô nói thêm.

 Nhiều nhân sự trẻ vẫn giữ tinh thần lạc quan để bước sang năm mới. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều nhân sự trẻ vẫn giữ tinh thần lạc quan để bước sang năm mới. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn chung, nhiều nhân viên cho biết công ty không thể chi trả mức thưởng Tết như trước đó, nhưng họ không quá buồn bực hay lo lắng.

Thay vào đó, họ bày tỏ sự đồng cảm với tình hình khó khăn của doanh nghiệp, giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ đón năm mới. Một số người cảm thấy may mắn vì vẫn còn việc làm sau một năm "kinh tế buồn".

Theo báo cáo chung về tình hình lương thưởng dịp Tết Nguyên đán 2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố cuối tháng 12/2023, nhiều doanh nghiệp nỗ lực để có một khoản thưởng cho người lao động.

Tuy nhiên, báo cáo nhanh chỉ có tổng hợp của 62/63 tỉnh thành, khảo sát trên 47.000 doanh nghiệp, tương ứng 4,79 triệu lao động, chiếm khoảng 17% tổng số lao động làm công hưởng lương cả nước.

Những người lạc quan

“Tôi chuẩn bị trước tinh thần nên không sốc”, Thảo Nguyên (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Trước khi thông báo chính thức được đưa ra, cô và các đồng nghiệp đã xác định 90% "nhận 0 đồng thưởng Tết". Tình hình kinh doanh khó khăn khiến doanh nghiệp phải tiến hành cắt giảm thu nhập nhân sự của một số bộ phận trong năm qua.

 Thảo Nguyên không bất ngờ trước quyết định không thưởng Tết của doanh nghiệp.

Thảo Nguyên không bất ngờ trước quyết định không thưởng Tết của doanh nghiệp.

Thảo Nguyên cũng nằm trong danh sách đó. Đến lương tháng còn bị ảnh hưởng, cô không mong chờ phúc lợi tài chính cuối năm.

Vì xác định tâm lý trước, Nguyên không hụt hẫng, thất vọng nhiều. Trái lại, cô cảm thấy bản thân vẫn còn may mắn khi giữ được việc làm. Cô cho biết nhiều bạn bè của mình mất việc trong năm qua, thậm chí bị sa thải ngày trước Tết Nguyên đán.

“Ít nhất tôi không phải ăn Tết trong nỗi lo lắng không tìm được việc sau kỳ nghỉ lễ”, nhân viên văn phòng chia sẻ.

Trung Trần (28 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), làm việc tại bộ phận truyền thông của một công ty F&B, và nhóm của mình đã hoàn thành KPI được giao hồi đầu năm.

Nếu như các năm trước, anh và các đồng nghiệp có thể nhận được một khoản thưởng hậu hĩnh, nhưng năm nay thì không.

Ban lãnh đạo đưa ra lý do rằng tuy chỉ số truyền thông đạt tương đối cao, lượng chuyển đổi ra đơn hàng thực tế lại thấp.

Ban đầu, Trung Trần tiếc nuối công sức “cày cuốc” suốt một năm, nhưng sớm tìm được góc nhìn tích cực hơn, đặc biệt về những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

“Dù công ty cắt giảm ngân sách marketing năm qua, tôi vẫn đạt KPI. Đây là thành tích đủ để doanh nghiệp muốn giữ chân mình, trong khi các đơn vị tuyển dụng khác quan tâm chiêu mộ”, Trung Trần chia sẻ.

Thắt lưng buộc bụng

Đây là năm đầu tiên Giang Thanh (26 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) không có thưởng Tết, lương tháng 13 kể từ khi gia nhập thị trường lao động.

Trước đó, khoản tiền cuối năm này của cô khá "rủng rỉnh", khiến cô chi tiêu cho bản thân và gia đình không phải lo nghĩ. Cô thường mua sắm những giỏ quà, đồ trang trí ấn tượng mang về nhà mỗi dịp xuân sang.

 Giang Thanh yên tâm về một cái Tết không thưởng khi có gia đình động viên tinh thần.

Giang Thanh yên tâm về một cái Tết không thưởng khi có gia đình động viên tinh thần.

Năm nay, biết chuyện năm nay con gái không có thưởng, gia đình khuyên cô đừng nản chí, nên giữ lấy việc trong giai đoạn khó khăn.

"Mỗi lần gọi điện, mẹ tôi luôn nhắc đừng mua sắm gì bởi 'có con về là nhà vui rồi'", cô kể lại.

Tuy nhiên, Giang Thanh vẫn "phóng tay" sắm quà cho người thân.

Thay vì gửi 50% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm như hàng tháng, cô sẽ sử dụng khoản tiền này để mua sắm, bao gồm 2 bộ áo dài cho mình và mẹ, khoản lì xì cho các cháu nhỏ, cùng ít hoa quả, bánh mứt.

“Có tiền ít thì mua sắm kiểu tiền ít. Nói chung, hiện tôi thấy tinh thần rất thoải mái”, cô nói thêm.

Trong khi đó, Thảo Nguyên không dám “vung tay quá trán”, xây dựng kế hoạch chi tiêu chi tiết cho dịp này. Cụ thể, cô chia ra 2 danh mục, bao gồm “Cần” và “Muốn”.

Nhân viên văn phòng cắt giảm phần lớn khoản chi cho danh mục “Muốn”, như sắm váy áo, mua mỹ phẩm mới, tham gia tiệc tùng tất niên, tân niên. Cô dần từ bỏ thói quen “săn” các sản phẩm thời trang giảm giá trên sàn thương mại điện tử dịp trước Tết.

“Trước Tết Âm lịch, các thương hiệu đồng loạt sale xả hàng tồn kho. Nghĩ rằng ‘săn’ được deal hời là tiết kiệm, nhưng tôi nhận ra hành động ấn ‘mua’ liên tục khiến tài khoản bị trừ đi khá nhiều”, Thảo Nguyên chia sẻ.

Nguồn tài chính không dư dả cuối năm nay trở thành động lực giúp cô quản lý tài chính, chi tiêu hiệu quả hơn.

 Nhiều người trẻ thắt chặt chi tiêu dựa vào tình hình tài chính trước Tết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều người trẻ thắt chặt chi tiêu dựa vào tình hình tài chính trước Tết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trong khi đó, Trung Trần tạm gác kế hoạch mua ôtô. Trước đó, anh từng dự định sử dụng thưởng cuối năm để trả trước 50% phí mua xe, phần còn lại trả góp theo tháng.

Ngoài ra, chi phí “nuôi” phương tiện này hàng tháng, bao gồm tiền xăng xe, phí bảo dưỡng, gửi xe, cũng ngốn của người dùng không ít. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhân viên truyền thông không muốn mạo hiểm gánh thêm những khoản này.

“Trong cái rủi có cái may, không mua ô tô, tôi sẽ không ‘ôm’ thêm khoản nợ khi bước vào năm mới”, Trung Trần chia sẻ với Tri thức - ZNews.

Mỹ Trinh - Linh Vũ

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://znews.vn/di-lam-van-vui-du-nhan-0-dong-thuong-tet-post1455640.html