Di Linh: Phòng, chống đuối nước từ mô hình ao, hồ an toàn

Là địa phương có số lượng ao, hồ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất tỉnh, huyện Di Linh cũng đồng thời phải đối mặt với nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước, đặc biệt là ở trẻ em. Trước tình trạng đó, Mô hình Ao, hồ an toàn được triển khai từ năm 2021 đến nay đã có những tác động tích cực, qua đó số trường hợp đuối nước trên địa bàn huyện giảm đi đáng kể.

Đoàn viên, thanh niên huyện Di Linh tiến hành thả phao cảnh báo phòng, chống đuối nước ở các hồ, đập công cộng

Đoàn viên, thanh niên huyện Di Linh tiến hành thả phao cảnh báo phòng, chống đuối nước ở các hồ, đập công cộng

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Di Linh hiện có 5 hồ thủy điện, 38 hồ thủy lợi, trên 7.000 ao, hồ nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều sông, suối. Việc trẻ em thường theo ba mẹ đi làm tại các vườn, rẫy cà phê, hoặc cùng bạn bè tắm ở các ao, hồ, sông, suối gây nên nguy cơ đuối nước rất lớn vào mùa hè và mùa mưa lũ.

Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: Với quyết tâm không để tình trạng đuối nước xảy ra, UBND huyện thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và các ngành thuộc huyện tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, từ năm 2021, UBND huyện Di Linh đã triển khai cho các xã, thị trấn triển khai Mô hình Ao, hồ an toàn.

Theo đó, 1 ao/hồ được tạm xem là an toàn khi có 4 điều kiện, gồm: có biển cảnh báo; có rào chắn toàn bộ, hoặc nếu hồ có diện tích tiếp giáp lớn thì phải rào chắn khu vực hay có người qua lại; trên bờ cứ cách 2 m có một cột cứng, chắc để buộc dây, đầu dây thả xuống hồ có thể buộc chai nhựa lớn, phao, lốp xe đạp,... các vật thả xuống ao đều có buộc/kết nối với nhau với mục đích để dễ bám vào khi ở dưới nước; có sẵn 2-3 cây (tre, tầm vông, nứa...) dài 3-5 m để sẵn trên bờ, phục vụ cho người trên bờ trợ giúp cứu người dưới nước.

UBND huyện Di Linh cũng như các xã, thị trấn tiến hành rà soát cụ thể tại từng thôn, tổ dân phố. Đồng thời thành lập các Tổ công tác tuyên truyền, vận động, theo dõi, yêu cầu 100% các chủ ao, hồ tư nhân trên địa bàn phải có cam kết; hướng dẫn các hộ đặt biển cảnh báo, tổ chức rào chắn, thả cây - dây - phao - can, để sào cứu đuối trên bờ... đối với các ao, hồ chứa nước tưới để sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đều đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Hơn một nửa ao hồ trong dân được triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

Đối với các hồ, đập công cộng trên địa bàn, Huyện Đoàn Di Linh huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia cắm bảng cảnh báo, thả phao cứu sinh,... Chị Lê Thị Đào Loan - Bí thư Huyện Đoàn Di Linh cho biết, việc cắm biển cảnh báo là một trong những giải pháp cần thiết giúp các bậc phụ huynh và trẻ em, học sinh nhận biết được sự nguy hiểm để phòng, chống đuối nước có hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện đã ra mắt Câu lạc bộ Bơi lội và phòng, chống đuối nước, tổ chức nhiều lớp học bơi và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho đoàn viên, thanh niên và thiếu nhi.

Trong những năm qua, toàn huyện Di Linh đã tổ chức 44 lớp dạy bơi cho 1.682 trẻ; hơn 800 lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho gần 19.000 trẻ. Các đơn vị, trường học, địa phương cũng tổ chức cho các gia đình ký cam kết quản lý con em, không để xảy ra tình trạng đuối nước; xây dựng mô hình học sinh tập bơi phòng, chống đuối nước;...

Bên cạnh đó, trong những tháng cao điểm vào mùa hè, UBND huyện Di Linh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống xâm hại; phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em. Đồng thời tổ chức giải bơi thanh, thiếu niên nhi đồng, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn huyện.

Tháng 7 mới đây, HĐND huyện Di Linh đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2024 về Thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn huyện. Trong đó, một trong những mục tiêu cụ thể là tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. Nghị quyết yêu cầu 100% hồ đập, thủy lợi công cộng được cắm biển cảnh báo và quản lý hồ, đập; 100% hộ gia đình có ao, hồ ký cam kết quản lý an toàn ao, hồ và thực hiện cắm biển cảnh báo, rào chắn ao, hồ, triển khai các biện pháp an toàn để phòng, chống đuối nước cho trẻ em; 100% gia đình có trẻ em ký cam kết quản lý và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Phấn đấu số trẻ em trên địa bàn huyện biết bơi đến năm 2025 đạt trên 50% và đến năm 2030 đạt trên 80%; 100% trẻ em, học sinh các trường học được trang bị hồ bơi được dạy các kỹ năng về phòng, chống đuối nước và biết bơi.

Đặc biệt, tăng cường công tác dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh, trẻ em. Đối với các trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, các xã, thị trấn cần vận động các nguồn tài trợ để hỗ trợ dạy bơi miễn phí, vì đây là nhóm ít được quản lý vào dịp hè, kỳ nghỉ lễ, nên nguy cơ đuối nước rất cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Đức Nhuần, việc cụ thể hóa các nội dung thực hiện Mô hình Ao, hồ an toàn vào Nghị quyết của HĐND huyện sẽ giúp các xã, thị trấn, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em nghiêm túc, hiệu quả hơn. Từ đó, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, giúp giảm mạnh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202409/di-linh-phong-chong-duoi-nuoc-tu-mo-hinh-ao-ho-an-toan-05227a5/