Di Linh và mục tiêu phát triển rừng bền vững
Bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới là mục tiêu xuyên suốt của huyện Di Linh trong thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững.

Phát triển rừng bền vững góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai
Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ phê duyệt với tổng nguồn vốn thực hiện dự kiến 78.585 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát của chương trình là phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp…
Tại huyện Di Linh, địa phương có diện tích rừng khá lớn trong tỉnh Lâm Đồng (hơn 90.000 ha), chương trình này đã được triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) và đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành Nông nghiệp, được lãnh đạo huyện Di Linh đặc biệt quan tâm lãnh chỉ đạo thực hiện. Địa phương đã bám sát các chỉ thị của cấp trên, nhất là Chỉ thị số 30, ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định.
Thống kê của UBND huyện Di Linh, từ năm 2021 đến tháng 3/2025, trên địa bàn huyện xảy ra 49 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó có 36 vụ đã xác định đối tượng vi phạm (chiếm 73%) và 13 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm (chiếm 27%); diện tích thiệt hại do phá rừng là 2,078 ha, lâm sản thiệt hại là 144,716 m3. Các điểm nóng về vi phạm tại vùng giáp ranh đã cơ bản được kiểm soát, không phát sinh điểm nóng, hạn chế được vụ vi phạm nổi cộm và hạn chế thiệt hại về tài nguyên rừng. Dù số vụ vi phạm giảm dần theo từng năm (22 vụ năm 2021 giảm xuống còn 5 vụ năm 2024, từ đầu năm 2025 đến hết tháng 3 chưa xảy ra vụ vi phạm nào) song nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, đặt ra những thách thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các ngành có liên quan phải tiếp tục quan tâm, sát sao, nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), mùa khô từ năm 2021 - 2025, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Di Linh đã xây dựng và triển khai thực hiện các phương án PCCCR hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là giải pháp rà soát xác định các vùng trọng điểm dễ cháy rừng để có biện pháp tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, giảm thiểu thiệt hại xảy ra. Đồng thời, thường xuyên tăng cường lực lượng trực PCCCR, không để bị động, bất ngờ.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng được huyện Di Linh thực hiện hiệu quả. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh, trên địa bàn có 72 trại và 1 doanh nghiệp nuôi nhốt động vật hoang dã với tổng số loài nuôi nhốt là 12 loài, 2.174 cá thể. Từ đầu năm 2021 đến nay, Hạt Kiểm lâm thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét ngăn chặn việc săn bắt, đặt bẫy thú rừng, thực hiện việc kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã và theo dõi việc cập nhật sổ sách về nguồn gốc động vật nuôi nhốt theo quy định, qua kiểm tra không có trại nuôi vi phạm.
Công tác trồng rừng tiếp tục được đẩy mạnh, từ năm 2021 đến nay đã trồng được 264,62 ha rừng tập trung. Trồng xen hơn 1.999 ha (trồng trên diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp ổn định), đạt 99,97% so với kế hoạch được giao. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân hiểu rõ được lợi ích của công tác quản lý, bảo vệ rừng, không vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được quan tâm thường xuyên và đúng mức.
Với những kết quả trên, liên tục nhiều năm liền Di Linh là địa phương có kết quả tốt trong thực hiện công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, Di Linh vẫn chưa ngăn chặn triệt để hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép. Tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, các đơn vị chủ rừng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, vẫn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp. Các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng dù đã triển khai thực hiện phương án đầu tư, nhưng tiến độ còn chậm.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, huyện Di Linh xác định tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng tại cơ sở trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh; hỗ trợ UBND các xã khó khăn, vùng sâu vùng xa, diện tích rừng lớn như: Bảo Thuận, Gia Bắc, Sơn Điền và Tam Bố trong việc tổ chức quản lý, bảo rừng; xây dựng phương án PCCCR đảm bảo hiệu quả; cập nhật thường xuyên diễn biến rừng in thành bản đồ để quản lý, lưu trữ theo quy định; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng; tuần tra, truy quét các điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép và xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp...