Đi mua 'tóc dài tóc rối', người đàn ông bị vây bắt, yêu cầu làm chuyện khó tin

Vào mua tóc ở một bản thuộc tỉnh Hòa Bình, người buôn đến từ xã Hồng Đà (huyện Tam Nông, Phú Thọ) bị dân bản vây lại, bắt đền vì một nguyên nhân bất ngờ.

Ông Phan Ngọc Cam, Chủ tịch xã Hồng Đà (huyện Tam Nông) cho biết, xã có gần 400 hộ (trên tổng 1.100 hộ) có người làm nghề buôn tóc.

Nghề buôn tóc dài, tóc rối đã khiến cho bộ mặt của xã có nhiều thay đổi. Điều kiện để làm nghề là người mua phải là phụ nữ và đã học cách cắt tóc. Họ cũng phải có sức khỏe tốt để cùng chồng rong ruổi trên các cung đường liên tục hàng tuần trời.

Dù cẩn thận và chịu khó nhưng không ít lần những người mua tóc ở xã Hồng Đà vẫn gặp phải tai nạn nghề nghiệp.

Chị Phương (xã Hồng Đà) làm tóc sau khi thu mua.

Chị Phương (xã Hồng Đà) làm tóc sau khi thu mua.

Chị Hán (xã Hồng Đà, một người có nhiều năm trong nghề) chia sẻ, những người thu mua tóc sợ nhất chính là bị khách hàng ‘ăn vạ’.

Trước mỗi giao dịch, người mua và người bán đều phải thỏa thuận độ dài tóc mà khách muốn bán, giá cả... sau đó mới tiến hành cắt tóc.

Tuy nhiên sau khi cắt, nhiều người bán lại tiếc rẻ hoặc hối hận, quay lại trách móc, bắt đền người mua. Những lúc này, người mua tóc phải tìm cách để thương lượng, tránh xô xát.

Chị Hán nhớ lại: ‘Ở xã Hồng Đà, cũng có người gặp phải sự cố như vậy. Đó là lần cặp vợ chồng anh N. đi mua tóc ở vùng miền núi tỉnh Hòa Bình.

Tóc sau khi thu mua, người dân xã Hồng Đà sẽ phân loại, là phẳng để bán được giá cao hơn.

Tóc sau khi thu mua, người dân xã Hồng Đà sẽ phân loại, là phẳng để bán được giá cao hơn.

Sau khi thỏa thuận, một người phụ nữ đồng ý bán nên vợ chồng anh N. tiến hành cắt và trả tiền. Tuy nhiên sau khi vợ chồng anh N đi khỏi, người phụ nữ kia mới thấy hối hận.

Lần sau, một người khác ở xã Hồng Đà đến rao: ‘Ai tóc dài, tóc rối bán đây’ thì gia đình nọ lao ra và chặn đường. Cả nhà quây người mua tóc lại và bắt đền.

Người đàn ông đã giải thích mình không phải là người mua tóc lần trước nhưng nhóm người trên không buông tha. Họ yêu cầu anh phải đền 1 con lợn để dân bản mổ ăn mới cho đi.

Trước sự kiên quyết, hung hãn của nhóm người địa phương, người buôn ở xã Hồng Đà đành phải rút tiền, mua một con lợn đền mới được cho đi.

Chị Huệ (SN 1981, xã Hồng Đà) cũng gặp phải một tình huống trớ trêu khi đi mua tóc.

‘Đó là lần tôi đến 1 tỉnh miền Trung, vào một gia đình nọ, người vợ bán tóc cho tôi với giá 500 nghìn đồng. Chúng tôi thỏa thuận sẽ cắt tóc đến 1 điểm nhất định. Tuy nhiên tóc chị này là tóc xoăn, sau khi cắt đến điểm thỏa thuận thì phần tóc còn lại bị co lên, ngắn hơn so với tưởng tượng ban đầu.

Chị này liền khóc lóc, bắt đền. Chúng tôi nói thế nào chị ta cũng không chịu. Không chỉ vậy, chồng và gia đình chị ta còn vây xe chúng tôi, mang dao ra đe dọa. Nếu tôi không đưa ra 3 triệu, họ sẽ không cho đi. Cuối cùng, sau khi thỏa thuận, chúng tôi phải đền cho họ 1 triệu đồng'.

Tuy nhiên bên cạnh những khách hàng khó tính, người buôn tóc ở Hồng Đà cũng thừa nhận, họ gặp được không ít gia đình nhiệt tình.

Ông Sơn (58 tuổi, xã Hồng Đà) cho biết: ‘Người buôn tóc thường vào các vùng dân tộc, miền núi khó khăn về kinh tế để hỏi mua tóc. Mặc dù thiếu thốn nhưng khi chúng tôi xin nước, xin chỗ nghỉ ngơi, họ đều vui vẻ chia sẻ.

Nhiều người còn chỉ đường chỉ lối, hướng dẫn chúng tôi gặp người có nhu cầu bán tóc trong làng, bản’.

Tóc rối, xấu được mua với giá 3 triệu đồng/kg trong khi tóc dài, đẹp có giá lên tới 6 - 7 triệu đồng/kg.

Nhưng thời hưng thịnh của nghề buôn tóc ở xã Hồng Đà nay đã không còn. Ông Sơn thông tin thêm: ‘Chúng tôi vẫn phải làm thêm ruộng, đi thu mua tóc chỉ là kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Hiện, việc thu mua tóc không dễ dàng do nhu cầu bán giảm hẳn so với trước đây. Có những lần, 2 vợ chồng tôi đi liên tục trong 2, 3 ngày nhưng phải về tay không. Nhiều chuyến mua được tóc nhưng sau khi trừ đi chi phí xăng xe, ăn uống… số tiền lời cũng không còn là bao’.

Tương tự, chị Huệ cũng khẳng định, vào thời kỳ đỉnh cao của nghề, có những đợt, chị đi 5 ngày đã thu mua được 15 kg tóc. Người bán tóc kéo đến nườm nượp, xếp hàng chờ đến lượt để chị cắt tóc. Nhưng ngày nay, người bán không còn nhiều.

Bên cạnh đó, hiện, một mái tóc được người bán hét giá rất cao. Người mua tóc nếu mua được cũng không có lời nhiều.

‘Mấy năm gần đây, các thanh niên hay các cặp vợ chồng trong độ tuổi quy định của xã đều chọn cách đi xuất khẩu lao động thay vì đi thu mua tóc. Bởi nghề này, công việc vất vả, nguy hiểm và không có điều kiện chăm sóc gia đình.

Nguy hiểm đến nỗi nhiều người buôn ở Hồng Đà nói, về nhà mới chắc chắc mình còn sống’, chị Huệ nói thêm.

Ngọc Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/chuyen-chua-ke-ve-su-co-cua-nong-dan-xuat-ngoai-buon-toc-600922.html