Dị nhân Bằng râu và 'Tâm Bồ đề'

Nắm trong tay công nghệ độc quyền mạ vàng lá bồ đề, nếu ở địa vị người khác, có lẽ họ nghĩ ngay đến chuyện làm giàu. Thế nhưng chàng trai trẻ 8X Nguyễn Đức Bằng không nghĩ vậy. Anh luôn đau đáu, trăn trở với suy nghĩ rằng, phải làm gì đó để cho người Việt được hưởng lợi.

Vàng thật không sợ lửa

Bồ đề được phiên âm từ tiếng Phạn “Bodhi”, có nghĩa là sự tỉnh thức, sáng suốt và giác ngộ đạo lý. Hình ảnh lá bồ đề từ xưa đã là hiện thân của Đức Phật từ bi và mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng chia sẻ: “Lá bồ đề có hình dạng giống trái tim ấm áp, mãnh liệt và dạt dào tình cảm nên tượng trưng cho tình thương, sự từ bi của Đức Phật. Nhiều lúc nhìn vào những chiếc lá bồ đề tôi bị cuốn hút một cách kỳ lạ, như lạc vào một mê cung cổ xưa. Càng ngắm càng thấy nhân sinh hiện lên rõ ràng”.

Nguyễn Đức Bằng và sản phẩm Tâm Bồ đề tâm huyết của anh.

Nguyên cớ đưa đẩy đến nghề mạ vàng này cũng rất tình cờ, tự nhiên mà Bằng gọi là “duyên”. Hơn chục năm trước, khi đang khá nổi trong ngành decor nội thất với biệt danh “Bằng râu”, Bằng bị ốm một trận thập tử nhất sinh mà khám mãi không ra bệnh. Nằm trên giường bệnh nhiều tháng, suy nghĩ mông lung, Bằng ngộ ra nhiều điều về đạo, về Phật pháp. Chẳng nói với ai, nhưng khi bệnh tạm lắng, anh lại mày mò với việc làm mới, phủ vàng lên các sản phẩm tượng Phật, tứ linh, đồ quốc bảo xưa. Kỳ lạ thay, từ đó bệnh cũng tự lui.

Khoảng năm 2015, có người đưa cho Bằng một lá bồ đề, nói rằng nó được phủ vàng 24K và hỏi anh có làm được không. Cầm lá bồ đề trên tay xoay đi xoay lại rồi mang kính lúp ra soi. Anh vô cùng kinh ngạc khi nhận ra rằng đây là lá bồ đề thật, còn nguyên cả xương lá, gân lá và hàng nghìn lỗ nhỏ li ti. Làm sao họ có thể làm được vậy nhỉ? Sao có thể phủ vàng lên những thứ nhỏ và tinh xảo mà vẫn giữ được nguyên cốt lá? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu chàng trai trẻ và anh quyết đi tìm câu trả lời.

Mặc dù đã có kinh nghiệm, làm ra hàng nghìn sản phẩm tinh xảo nhưng bắt tay vào làm lá bồ đề, Bằng gặp vô vàn khó khăn. Ngay cả việc tẩy diệp lục để cho ra cốt lá thô, bây giờ đối với anh là quá đơn giản nhưng ngày đó cũng vô cùng trầy trật. Riêng việc mạ vàng lên lá, anh thất bại hằng năm trời vì cốt của lá là gỗ, không bắt được vàng. May thay, trong một lần tầm sư học đạo, một “cao nhân” đã vạch ra cho anh nguyên lý của việc phủ vàng, từ đó Bằng mới tìm ra điểm mấu chốt nhất của công nghệ.

Tuy nhiên, có được nguyên lý không phải đã thành công. Sản phẩm làm ra ban đầu khi thì vàng phủ không đều, khi thì bị quăn mép lá, khi thì cháy cả mẻ, phải bỏ đi. Lại phải hằng năm nghiên cứu, mày mò, điều chỉnh, cho đến gần đây, Bằng đã thành thục và làm chủ công nghệ mạ vàng trên chất liệu phi kim.

“Để có được cái này, em phải đi mất mấy cái nhà đấy. Nhà này em xác định để chỗ ở cho vợ con, nếu không cũng bay rồi” - chỉ vào những lá bồ đề bày trong tủ kính, Bằng nói.

Bằng chia sẻ, để mạ vàng một lá đề đòi hỏi người nghệ nhân phải có tay nghề cực cao cùng với những “bí kíp” độc quyền. Đầu tiên là tẩy diệp lục cho lá. Người nghệ nhân đem những chiếc lá bồ đề đã được tuyển chọn kỹ càng, ngâm trong xút vài chục tiếng đồng hồ. Sau đó từng mảng lá sẽ nát ra, chỉ còn lại những cọng xương cực mảnh. Tiếp tục dùng bàn chải, chà nhẹ nhàng để đánh bật những mảng lá còn bám lại. Khi lá đã sạch, bộ khung xương lá vẫn được giữ nguyên từng đường nét thì đem lá là phẳng, sấy khô.

Một sản phẩm Tâm Bồ đề hoàn chỉnh.

Bước tiếp theo, đưa những chiếc xương lá vào một bể riêng, tẩm ướp một thứ kim loại hiếm để lá có thể dẫn điện được. Sau đó cho vào bể đồng để mạ đồng lớp lót. Tiếp theo, đem những chiếc lá đồng đi mạ crom và lại tiếp tục sấy khô. Sau công đoạn này, từng chiếc lá sẽ được kiểm tra kỹ càng để loại bỏ những lá thủng, rách, gãy hoặc dính vào nhau.

Khi đã có những chiếc lá hoàn hảo, sẽ đến một dây chuyền quan trọng nhất, đó là phủ vàng. Sau khi hoàn thành, lá bồ đề phủ vàng tiếp tục được đưa vào công đoạn điện di. Việc này giúp tạo một lớp trong suốt cực mỏng bao phủ bên ngoài vàng để bảo vệ, làm cho vàng có màu thật nhất và chống chịu được những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhất.

Sản phẩm làm ra Bằng lấy tên là Tâm Bồ đề, để nhấn mạnh cái tâm của người làm nghề. Điều đặc sắc của sản phẩm là tất cả những đường vân của xương lá được phủ một lớp vàng nhưng vẫn giữ được nguyên bản, mỏng manh như những sợi tơ, có thể nhìn xuyên qua được. Cũng theo anh, điểm khác biệt nhất của Tâm Bồ đề là được phủ bằng vàng thật 24K, không giống hầu hết các sản phẩm nhập ngoại bán ngoài thị trường, vốn chỉ được quét nước màu cho giống vàng mà thực chất là không có vàng.

“Không tin anh có thể mang hai sản phẩm đi kiểm định, bảo đảm rằng anh sẽ thấy em nói đúng. Riêng sản phẩm Tâm Bồ đề, khi bán cho người dùng đều kèm chứng chỉ kiểm định của bên thứ ba”, Bằng khẳng định.

Bằng cho biết thêm, với con mắt người làm nghề, chỉ cần cầm lên tay là anh biết sản phẩm có vàng hay không, không cần kiểm định. Còn đối với người bình thường, có thể thử bằng cách hơ dưới lửa. Theo Bằng, Tâm Bồ đề có thể thử bằng bật lửa gas, trong khi các sản phẩm cùng loại khác thường không cho người mua thử bằng cách này.

Lá bồ đề thô sau khi đã được tẩy diệp lục.

Hàng Việt vì người Việt

Tuy còn khá trẻ, nhưng Nguyễn Đức Bằng là tên tuổi khá nổi trong giới chơi đồ dát vàng. Anh được cho là nghệ nhân đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam làm được việc mạ vàng trên lá bồ đề. Năm 2021, anh được Viện Nghiên cứu Văn hóa Phương Đông trao Bảng vàng lưu danh “Nghệ nhân Văn hóa tiêu biểu Đông Nam Á - Việt Nam”.

Điểm đặc biệt, với Nguyễn Đức Bằng hình như lúc nào, ở đâu anh cũng đau đáu một cái tâm vì người Việt. Bằng không làm những sản phẩm có yếu tố ngoại lai hoặc nước ngoài. Hầu hết những sản phẩm anh đều tự tay tạo mẫu hoặc các hình tượng văn hóa Việt, như tượng Phật, hoa sen, trống đồng, rùa Văn Miếu…

Hiện nay, sản phẩm Tâm Bồ đề của Nguyễn Đức Bằng đã có bán trên thị trường nhưng còn ít người biết đến. Bằng bảo, khát vọng của anh là muốn nhiều người Việt được tiếp cận với hàng hóa chất lượng nhưng giá phải rẻ. Bởi vậy, anh cố gắng hạ thấp các chi phí để sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thấp nhất, nhưng đang khá khó vì phải qua nhiều khâu trung gian.

“Có thể anh không tin, nhưng đây là thật, mỗi lá bồ đề bán ra em chỉ lãi 30 nghìn đồng thôi, không bằng công người ship sản phẩm đi vài cây số”, Bằng chia sẻ.

Bằng cho biết, mới đây, có khách nước ngoài tìm đến đặt vấn đề đặt hàng để bán ra thị trường nước ngoài. Quan điểm của anh là bán cho người Việt giá rẻ nhưng bán cho người nước ngoài phải đúng giá. Theo thông tin anh nắm bắt được, sản phẩm Tâm Bồ đề họ nhập của anh xong, bán ra thị trường nước ngoài sẽ xấp xỉ 1.000 USD/lá. Tuy nhiên, do năng lực chưa thể đáp ứng và còn chưa thống nhất được một số điều khoản về thanh toán, nên anh chưa vội gì.

“Yêu cầu của em là thay vì thanh toán theo phương thức L/C thì bên đặt hàng họ phải tạm ứng ít nhất 70% giá trị đơn hàng. Họ cũng rất kinh ngạc vì chưa ai đặt ra điều kiện như vậy”, Bằng cho biết.

Một chiếc lá đã được phủ vàng bên cạnh chiếc lá thô .

Được biết, hiện nay nhu cầu mua sản phẩm lá bồ đề phủ vàng làm quà tặng khá lớn, nhưng Bằng cũng không có ý định mở rộng quy mô sản xuất mà chỉ nhẩn nha làm, như một trò chơi cho thỏa đam mê. Cũng có vài đại gia biết chuyện, đến gạ anh bán công nghệ với cái giá ngất ngưởng hàng chục tỷ đồng.

“Có thể là em sẽ bán cả công nghệ này, nhưng giá cả em không quá quan tâm. Quan trọng là tìm được người có tâm. Em không muốn bán cho người chỉ thiên về làm thương mại, sản phẩm bán ra ngang với giá bán cho người nước ngoài thì người Việt làm sao mua được?”, Bằng nói.

T. Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/di-nhan-bang-rau-va-tam-bo-de-post184799.html