Đi qua ngày nắng đẹp

Dưới tán cây phượng vĩ, người đàn ông đang chải tóc cho người phụ nữ, từng sợi tóc len lỏi qua ngón tay người đàn ông. Một làn gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa đỏ rực bay là đà theo gió, đưa tay đón lấy rồi nở nụ cười, người phụ nữ cất giọng hát ngọt ngào:

- Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu.

Người đàn ông mỉm cười, ánh mắt tràn ngập tình yêu, thủ thỉ:

- Hay tôi nói thằng Kiệt chở bà ra huyện thu âm bài này nhé!

- Ông khéo đùa, tôi có phải ca sĩ đâu mà bày đặt thu âm, tôi chỉ hát vui ấy mà. Hát cho một mình ông nghe.

Người đàn ông chưng hửng rồi cũng cười tủm tỉm. Ông lại tiếp tục chải tóc cho bà, mái tóc đã ngả màu mây.

Ông bà cưới nhau đã hơn năm mươi năm, có với nhau ba mặt con; cháu nội, cháu ngoại cũng vài đứa. Tình cảm của ông bà không còn là tình yêu nam nữ đơn thuần mà đã là chữ thương, chữ nghĩa. Ai trong xóm cũng ngưỡng mộ tình cảm vợ chồng của ông dành cho bà, cả những đứa con cũng đều lấy đó làm tấm gương, là niềm kiêu hãnh về một gia đình hạnh phúc, đầm ấm.

Bà đang hát thì bỗng nhiên im bặt rồi nhẹ giọng bâng quơ hỏi ông:

- Tại sao lúc đó ông không chịu bỏ tôi mà đi cưới vợ khác? Gồng gánh người phụ nữ tật nguyền, thêm ba đứa con thơ dại cực khổ chi vậy?

Bà thả nhẹ cánh hoa phượng trong tay xuống đất, thả hồn vào những ngày quá khứ đầy chênh vênh, giông bão.

*

Từ lúc bình minh còn chưa ló dạng, mặt trời vẫn còn ngủ say, con gà vẫn gật gù trên cây bưởi sau hè, gian bếp nhà chị Hưởng đã lập lòe ánh lửa. Mùi thơm của hành, tỏi phi, của cá lóc kho tiêu hòa lẫn vào không khí tinh sương buổi sớm mai. Anh Phước nhấp ngụm trà, hít hà cánh mũi. Anh làm thợ hồ xa nhà, buổi trưa không về nhà ăn cơm kịp giờ nên chị Hưởng thức sớm nấu cơm cho anh mang theo.

- Bữa nay có cá lóc kho tiêu với canh khoai mỡ em đào trong vườn, em để cơm nhiều hơn mọi ngày, anh gắng ăn nhiều cho có sức làm việc nghen.

- Để ít cá kho thôi, để lại ở nhà cho ba mẹ con ăn đi.

Anh Phước nhắc chị Hưởng vậy nhưng lần nào chị cũng dành phần ngon cho anh. Gia đình hai bên đều nghèo, khi cưới nhau, cả hai đều phải bươn chải, dành dụm. Cha anh cho được miếng đất nhỏ cạnh bờ sông, ngày đầu ra ở riêng, anh dựng căn nhà lá cho vợ chồng ở tạm. Rồi vợ chồng cùng nhau làm thuê kiếm tiền, dành dụm để xây nhà. Anh Phước có nghề thợ hồ học được từ ba anh nên có công việc ổn định và cũng nhờ anh là thợ giỏi, được các ông thầu săn đón. Hầu như ngày nào anh cũng có việc để làm. Chị Hưởng cũng giỏi giang không kém, ai thuê làm cỏ sân vườn, cấy lúa hay dọn dẹp nhà, chị cũng làm hết. Đến khi có bầu đứa con đầu lòng, chị cũng làm quần quật cả ngày. Gần đến ngày sinh, chị mới chịu ở nhà ít hôm chờ sinh con. Thời gian thấm thoát trôi qua, sau khi sinh đứa con gái lớn, chị và anh dùng tiền tích cóp được xây căn nhà nhỏ kiên cố hơn. Mưa bão, gió giông không phải để con nhỏ sợ hãi.

Có được căn nhà, hàng ngày, chị nhờ bà ngoại sang trông nom con gái nhỏ giùm chị một buổi. Chị tập tành mua gánh bán bưng trên chiếc xe đạp. Chị học làm bánh bò, bánh chuối rồi chạy xe vòng vòng khắp xã bán vào mỗi buổi sáng. Rồi chị sinh đứa thứ hai, đứa thứ ba. Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng anh chị đều muốn có hai, ba đứa con cho nhà cửa ấm áp. Ông bà nội, ngoại hai bên cũng muốn anh chị sinh nhiều con. Dù có nhiều người ác mồm ác miệng nói chị nhà nghèo sao nuôi con nổi mà sinh chi nhiều nhưng má chị bảo chị đừng để trong lòng, con cái là lộc trời ban, sinh được thì tự nhiên sẽ nuôi được hết, không phải lo lắng nhiều. Do thế mà hơn ba mươi tuổi, chị đã có ba mặt con, hai gái một trai, đủ nếp, đủ tẻ. Cuộc sống cứ ngỡ êm đềm trôi qua hạnh phúc trong căn nhà bé nhỏ đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Vậy mà...

Một ngày cuối tháng sáu, mưa nặng hạt kéo đến bất chợt vào buổi sớm mai làm người buôn bán phải lao đao khốn đốn. Nhìn mây mù gió giông mà anh Phước đứng ngồi không yên. Anh vừa chuẩn bị đi làm thì trời đổ mưa nên không đi làm nữa. Nhưng vợ anh từ khi gà chưa gáy đã dắt xe đạp cùng với sịa bánh ra khỏi nhà.

“Ba ơi! Mưa to quá! Mẹ có bị ướt không ba?”.

“Ba ơi! Sấm chớp kìa, con sợ quá!”.

Anh Phước ôm ba đứa con nhỏ vào lòng an ủi. Trong lòng anh cồn cào nỗi bất an, muốn lao ra khỏi nhà đi tìm vợ nhưng lại không thể bỏ ba đứa con nhỏ ở nhà trong thời tiết thế này. Bất chợt bên ngoài có người đội mưa chạy vào sân nhà anh, vừa chạy, vừa hốt hoảng la hét:

- Phước ơi, vợ mày bị cây đè Phước ơi!

*

Chị được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng nhưng nửa thân dưới không thể cứu chữa được, cả đời còn lại chỉ có thể ngồi xe lăn. Một người phụ nữ còn quá trẻ, cả phần đời còn lại phải chịu cảnh tật nguyền là một cú sốc quá lớn. Chị khóc rất nhiều trong tủi thân, bất lực. Nhiều lần, chị có suy nghĩ muốn tìm đến cái chết để không làm gánh nặng cho chồng nhưng nghĩ đến ba đứa con thơ phải mồ côi mẹ từ nhỏ, chị lại không nỡ.

Gia đình năm miệng ăn, ba đứa nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn lại cần rất nhiều tiền. Lúc trước có chị cùng gồng gánh, dù nhà nghèo nhưng cũng đủ ăn. Giờ thì chỉ còn mình anh phải lo cho cả gia đình, khó khăn chồng chất khó khăn.

Bỗng một buổi chiều tối muộn mãi không thấy anh về, mâm cơm đã nguội lạnh từ lâu. Mấy đứa nhỏ xoa bụng kêu đói mà lòng chị nóng như lửa đốt. Đồng hồ điểm sáu giờ, chị cho ba đứa nhỏ ăn cơm trước, còn mình lặng lẽ điều khiển xe lăn ra trước cửa nhà ngóng trông anh. Từ lúc chị ở bệnh viện trở về, ngày nào anh cũng đi sớm, về muộn. Về đến nhà tắm gội qua loa, lùa vội chén cơm rồi lên giường đi ngủ mà chẳng nói năng gì. Chị biết anh đi làm vất vả nên cũng không dám nói nhiều, chỉ âm thầm quan tâm anh từ miếng cơm, chiếc áo. Nhưng hàng xóm lại bàn tán xôn xao. Có người nói anh còn đẹp trai, phong độ, sao phải sống khốn khổ vì người vợ tàn tật và những đứa con nheo nhóc. Bỏ đi thì cũng chẳng ai oán trách gì nhiều, cánh đàn ông âm thầm đồng cảm. Chỉ có đàn bà, phụ nữ chê trách anh phụ nghĩa, quên tình nhưng rồi cũng phải thương cho hoàn cảnh của anh thôi.

Trời tối dần, gió bắt đầu nổi lên, con gái lớn của chị chạy ra, muốn đẩy chị vào phòng nghỉ nhưng chị không chịu. Chị muốn ngồi ở đây cho đến khi anh về. Từng giây, từng phút trôi qua, nỗi đau xót trong lòng chị càng dâng lên, nước mắt lặng lẽ rơi từ lúc nào. Thằng út bốn tuổi chạy đến ôm lấy chị, nói:

- Có phải ba bỏ mẹ con mình rồi phải không mẹ? Có phải ba đi luôn rồi không? Có phải ba không về nữa đúng không?

Từng lời nói ngây ngô của con như cứa vào tim gan chị. Chị cố dặn lòng phải mạnh mẽ đối diện dù có xảy ra chuyện gì. Bên cạnh chị còn có ba đứa con thơ, nếu chị ngã quỵ thì còn ai chăm lo cho ba đứa nhỏ nữa. Chị hỏi sao út lại hỏi những lời này. Thằng út nói bạn của nó ở trường, mẹ bị xe tông nằm liệt giường nên ba nó bỏ mẹ con nó đi luôn. Chị vòng tay ôm lấy thằng út, vỗ về trấn an mãi thằng nhỏ mới chịu vào nhà đi ngủ với anh chị. Chị chờ đến hơn nửa đêm, cuối cùng cũng đành bất lực buông bỏ. Nước mắt chị cũng đã khô dần. Chị điều khiển xe lăn quay vào nhà, thế nhưng đúng lúc này, trong màn đêm tĩnh mịch, có tiếng bước chân người. Chị quay phắt lại nhìn ra sân, nước mắt lần nữa tuôn trào như suối chảy. Người đàn ông cả người lấm lem bùn đất, đầu tóc rối bù, gương mặt lem luốc xuất hiện trước mặt chị.

- Sao em không đi ngủ mà ngồi đây? Ban đêm ban hôm gió sương lỡ bệnh thì sao?

- Em cứ ngỡ anh sẽ không về với mẹ con em nữa.

Chị nấc lên từng hồi, không có từ ngữ nào diễn tả được hết sự vui mừng trong chị.

Anh mặc kệ bản thân dơ bẩn khom người ôm lấy chị vào lòng dỗ dành như một đứa trẻ.

*

Ông đặt cây lược trên tay lên bàn rồi thành thạo cột gọn tóc cho bà thành một búi. Ông đứng dậy đi đến trước mặt bà, ngồi xuống nhìn thẳng vào mắt bà.

- Những gì tôi từng nói với bà chẳng lẽ bà lại quên rồi sao?

- Ừ, tôi quên rồi.

Ông cười nhẹ. Ông biết bà chỉ đang muốn ông nhắc lại lần nữa, muốn chắc chắn rằng tất cả những gì đang diễn ra ở hiện tại là sự thật, không phải chỉ là giấc mơ của bà. Bà như thế này đã nhiều lần, ông cũng không còn lạ lẫm. Ông nắm lấy tay bà, bàn tay gầy guộc, làn da nhăn nhúm. Ông chậm rãi nói lại từng câu, từng chữ mà khi xưa ông từng nói và sau này ông cũng đã nhắc lại không biết bao nhiêu lần.

- Bà đã dành hết thanh xuân cho người đàn ông nghèo như tôi, chấp nhận cùng tôi đi qua gian khó, sinh cho tôi những đứa con ngoan ngoãn. Vậy thì hà cớ gì lúc bà cần tôi nhất, tôi lại có thể ra đi.

Mắt bà đỏ hoe, năm xưa bà dứt khoát chọn ông mà không phải người đàn ông giàu có nào khác vì bà nhìn thấy trong ánh mắt ông luôn có hình bóng của bà, bà cảm nhận được tình cảm chân thành của ông và đến bây giờ ánh mắt ấy chưa bao giờ thay đổi.

Có đứa nhỏ chạy từ trong nhà đến chỗ hai ông bà, bập bẹ ngọng nghịu gọi ông bà ngoại vào nhà ăn cơm. Ông mỉm cười xoa đầu đứa cháu ngoại. Bà cũng cười hiền, hôn lên má đứa cháu đáng yêu. Bà nhìn ông ánh mắt ngập tràn hạnh phúc.

- Giông bão qua rồi, giờ là lúc chúng ta cùng nhau đi qua những ngày nắng đẹp phải không ông?

Tuyết Luôn Võ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/di-qua-ngay-nang-dep-a179138.html