Đi qua những cổng làng

Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của một ngôi làng. Thuở sơ khai, cổng làng có vai trò là cột mốc phân chia vùng đất thổ cư và vùng đất canh tác. Trải qua thời gian, cổng làng dần chiếm một vị trí quan trọng, là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng được thừa nhận trong tiềm thức của người dân Việt. Ở tỉnh Quảng Trị, cổng làng không chỉ đơn thuần là nét văn hóa, nếp làng, thể hiện sự đoàn kết, ấm no mà còn là bộ mặt nông thôn mới...

 Cổng làng Duy Phiên, xã Triệu Phước, biểu tượng cho sự giàu có, ấm no của người dân nơi đây. Ảnh: T.N.B

Cổng làng Duy Phiên, xã Triệu Phước, biểu tượng cho sự giàu có, ấm no của người dân nơi đây. Ảnh: T.N.B

Những ngôi làng truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỉ XX, cổng làng thường có một lối vào chính gọi là cổng tiền và một lối nhỏ hơn gọi là cổng hậu. Cổng tiền tức cổng trước thường trổ về hướng Đông Nam, hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc với ước mong đón những điều tốt đẹp nhất. Cổng hậu tức cổng sau thường trổ ra hướng Tây, hướng mặt trời lặn dành để tiễn người đã khuất ra nghĩa trang, tống khứ kẻ xấu ra khỏi làng. Cổng làng là ranh giới ước lệ, biểu hiện quyền uy của làng xã, có làng còn dựng cả bia với hai chữ Nho “hạ mã” ở bên cổng để nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những người quyền quý cũng phải xuống ngựa để tỏ ý tôn trọng lệ làng.

Cổng làng từ xưa thường có dạng cổng tam quan hay còn gọi là tam môn, tức là ba lối đi gồm một lối chính và hai lối ngách. Lối ngách dùng hằng ngày, chỉ khi có nghi lễ trang nghiêm mới mở lối chính. Thông thường thì cổng làng chỉ làm theo lối xây vòm (cuốn tò vò) hoặc vuông góc. Cổng trước xây to lớn hơn, trên cửa ghi tên làng hoặc một câu liên quan đến địa phương đó, như kiểu bức hoành phi.

Trải qua một thời gian dài và tùy theo nét văn hóa vùng miền đặc trưng, cổng làng đã có nhiều cách tân phù hợp với sự phát triển của xã hội. Những ngày đầu mới lập lại tỉnh Quảng Trị, đời sống còn khó khăn nên hầu hết các cổng làng được xây dựng khá thô sơ từ những vỏ đạn tên lửa, tre nứa, gỗ, gạch, đá vôi và thiết kế khá đơn giản, rất ít nơi sử dụng bê tông, cốt thép. Những năm đầu thế kỉ XXI, hưởng ứng phong trào xây dựng làng văn hóa nên cổng làng cũng được chăm chút hơn. Đặc biệt, khoảng 10 năm trở lại đây, khi tỉnh Quảng Trị bắt tay vào xây dựng nông thôn mới thì các cổng làng được đầu tư quy mô và kiến trúc đẹp mắt. Có lẽ khi cuộc sống ngày một sung túc hơn thì việc chung tay xây dựng cổng làng bề thế để tỏ tấm chân tình với quê hương xứ sở cũng là điều nên làm.

 Cổng làng Tân Xuyên, xã Tân Hợp biểu tượng cho sự phát triển vươn lên mạnh mẽ của một ngôi làng vùng miền núi. Ảnh: T.N.B

Cổng làng Tân Xuyên, xã Tân Hợp biểu tượng cho sự phát triển vươn lên mạnh mẽ của một ngôi làng vùng miền núi. Ảnh: T.N.B

Làng Duy Phiên, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong có lịch sử hình thành từ lâu đời. Những ngày đầu mới thành lập, làng đã có cổng nhưng không mấy bề thế bởi dân làng nhiều người vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc. Đầu năm 2017, làng Duy Phiên bắt đầu hiến đất làm đường, chỉnh trang nông thôn mới, các trục đường chính của làng rộng từ 5-7 m, có nơi trên 10 m. Sau nhiều lần họp bàn, làng quyết định chọn vị trí khoảng đất rộng nằm ở trên trục đường chính dẫn vào làng để xây cổng làng thay cho cổng làng đã cũ. Với hơn 450 triệu đồng do dân làng đóng góp và sự ủng hộ của con em xa quê, làng Duy Phiên đã xây dựng cổng làng cao, rộng với thiết kế vừa hiện đại vừa truyền thống khiến ai cũng trầm trồ. Tháng 8/2017, cổng làng Duy Phiên được khánh thành đưa vào sử dụng và trở thành niềm tự hào của con dân trong làng. Hơn nữa, cổng làng Duy Phiên được xây dựng gắn kết với các trục đường rộng đã khiến bộ mặt nông thôn mới nơi đây thêm khởi sắc.

Làng Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa khiến nhiều người ấn tượng mỗi khi đi qua đây bởi chiếc cổng làng bề thế. Những ngày đầu định cư, lập nghiệp (năm 1975) cái nghèo còn đeo bám nên chẳng mấy ai mặn mà với việc đóng góp xây dựng cổng làng. Đến nay, khi đời sống đã ấm êm, người dân làng Tân Xuyên mới cùng nhau đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cổng làng bề thế trị giá gần 250 triệu đồng. Cổng làng được thiết kế 3 gian, thoáng rộng đủ cho xe ô tô, xe tải lớn lưu thông. Từ cổng làng, những tuyến đường nhựa thẳng tắp kéo dài đến tận từng xóm nhỏ. Hiếm thấy nơi nào đường làng được nhựa hóa nhiều như nơi đây.

 Cổng làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Ảnh: T.N.B

Cổng làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Ảnh: T.N.B

Dẫu xây dựng hơn 16 năm qua nhưng đến nay cổng làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh vẫn không lạc điệu với thực trạng nông thôn mới. Ngày ấy, dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, sự nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp, người dân làng Đơn Duệ đã xây dựng được cổng làng vào loại bề thế trong vùng. Bây giờ, đằng sau cổng làng ấy có 320 hộ dân với 1.220 nhân khẩu và là một trong những khu dân cư đi đầu của xã Vĩnh Hòa về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước.

Đi qua nhiều cổng làng, chúng tôi chứng kiến rất nhiều câu đối, khẩu ngữ khắc trên cổng mang tính giáo dục nhân văn cao đẹp; thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trong nhịp sống mới, cổng làng dù to dù nhỏ, cổ xưa hay hiện đại đều mang những nét văn hóa đặc trưng, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân trong làng. Và trong thời kì xây dựng nông thôn mới, cổng làng còn là minh chứng cho sự đổi mới, vươn lên mạnh mẽ của những làng quê...

Nhơn Bốn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=145625