Herzogenaurach - Nơi bắt đầu câu chuyện huyền thoại về Adidas và Puma

Chuyến xe buýt số 200 khởi hành từ ga Erlangen có vẻ giống như bất cứ một chuyến xe buýt nào khác trên toàn nước Đức. Chỉ có một điều thú vị làm nó trở nên khác biệt, đó là bạn có thể biết rõ những hành khách trên xe sẽ xuống điểm dừng nào sau khoảng 11km hành trình. Tất nhiên không cần phải là thầy bói hay nhà ngoại cảm để đoán ra, thay vào đó, bạn chỉ cần nhìn vào… đôi giày mà mỗi người đang đi.

Thị trấn nhỏ của những kẻ khổng lồ

Herzogenaurach là một địa danh hơi khó để phát âm ngay cả với những người bản địa. Thị trấn nhỏ bé với 24.000 dân nằm ở Franconia, tiểu khu phía Bắc xứ Bavaria có cái tên mang gốc gác từ vùng Balkan đã chứng kiến sự ra đời của hai thương hiệu thể thao khổng lồ đã lừng danh trên khắp thế giới và là niềm tự hào của nước Đức: Adidas và Puma.

Một góc phố của thị trấn Herzogenaurach - nơi Adidas và Puma ra đời

Một góc phố của thị trấn Herzogenaurach - nơi Adidas và Puma ra đời

Tại Herzogenaurach, sự cạnh tranh giữa hai thương hiệu dường như vẫn không có gì thay đổi suốt từ năm 1948 tới nay. Năm ấy, hai anh em Adolf và Rudolf Dassler kết thúc sự hợp tác kéo dài hơn 2 thập kỷ Trong suốt thời gian đó, họ đã biến nhà máy sản xuất giày quy mô gia đình thành hãng giày thể thao hàng đầu thế giới.

Câu chuyện của anh em nhà Dassler bắt đầu từ khi họ may thủ công những đôi giày đầu tiên trong căn phòng giặt chật hẹp ở nhà của họ tại Herzogenaurach. Năm 1919, họ thành lập xưởng may thể thao Gebruder Dassler (gọi tắt là Geda) và cho ra đời thương hiệu giày thể thao được nhận diện bởi họa tiết hai kẻ sọc. Adolf (thường gọi là Adi) là người phụ trách việc thiết kế và sản xuất. Trong khi Rudolf (Rudi) là người hướng ngoại hơn trong số 2 anh em, lo việc kinh doanh và marketting.

Thế vận hội Olympic năm 1936 tổ chức tại Berlin là bước ngoặt của Geda khi những vận động viên sử dụng đôi giày 2 sọc của họ thi đấu ấn tượng, đem về tổng cộng 7 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và đồng. Nổi bật nhất phải kể đến Jesse Owens, huyền thoại điền kinh người Mỹ đã giành đến 4 huy chương vàng với đôi Geda dưới chân. Không có hình thức marketting nào hiệu quả hơn cho thương hiệu của anh em Dassler. Trước khi Thế chiến 2 nổ ra, Geda bán được khoảng 200.000 đôi giày thể thao/ năm.

Nhưng cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử nhân loại nổ ra và hai anh em nhà Dassler cũng bước vào một cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" mà cho tới nay, những câu chuyện được lưu truyền giải thích lý do vì sao anh em họ tách ra vẫn còn rất nhiều dị bản mang hơi hướng "drama".

Robert, người đàn ông đã gần 70 tuổi nhưng có vóc dáng của một lực sỹ với chiều cao 2m và nặng tầm cỡ 120kg, sẵn lòng kể cho bất cứ ai đến Herzoenaurach những câu chuyện có lẽ còn hơn cả tuổi đời ông về hai anh em Adi và Rudi. Robert vẫn làm khoảng chục vại bia mỗi ngày và hào sảng nói về những huyền thoại ở thị trấn nhỏ bé nơi ông sinh ra và chưa bao giờ rời xa.

"Khi Thế chiến 2 nổ ra, Geda bị trưng dụng trở thành nhà máy sản xuất vũ khí. Rudi thì bị gọi đi lính trong khi Adi được ở nhà. Rồi Rudi bị quân Đồng minh bắt giữ vì tình nghi làm việc trong cơ quan tình báo của phát xít Đức Gestapo, ông tin rằng chính Adi đã chỉ điểm để ông bị bắt. Nghe đâu những người lính Mỹ bắt giữ Rudi đã nói với ông về việc có một người thân đã tố cáo mối liên hệ của ông với Đức Quốc xã!", Robert khề khà kể lại câu chuyện cũ đã mờ mịt trong lớp sương mù của thời gian.

"À còn một giả thiết nữa, nhưng các bạn phải mời tôi thêm cốc bia nhé!", người đàn ông vui tính có vẻ ngoài của một chú gấu hiền lành, nháy mắt, "Tôi còn được bố tôi kể rằng vợ của Adi, Kathe Dassler, có ngoại tình với Rudi nữa. Đó không phải là điều bất ngờ. Bố tôi bảo Rudi lúc đó là người sinh động và đào hoa hơn Adi nhiều".

Dù với bất cứ lý do gì, Adi và Rudi không còn muốn hợp tác làm ăn chung nữa. Họ tách ra để thành lập những thương hiệu riêng. Adi đơn giản là thêm một phần trong họ Dassler của mình để lập nên thương hiệu Adidas. Rudi ban đầu cũng chọn một cái tên liên quan đến họ tên của mình là Ruda, sau đó ông quyết định chọn biệt danh của mình - Puma - để xây dựng hãng giày của mình. Phần còn lại thuộc về lịch sử.

Sự phân chia giữa Adidas và Puma vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Herzogenaurach giống như "vùng đất thánh" được phân chia làm đôi với hai nửa đều là những "tín đồ" không chấp nhận phe còn lại. Adidas ở phía Bắc, Puma ở phía Nam với ranh giới là sông Aurach. Trong thời điểm cạnh tranh căng thẳng nhất, các nhân viên của Adidas và Puma thậm chí còn không được ngồi chung quán ăn. Họ cũng không được phép hẹn hò hay kết hôn với người của "phía bên kia". Robert chép miệng: "Hồi trẻ tôi từng yêu một cô gái mà cả gia đình làm trong nhà máy của Puma. Bạn biết kết quả rồi đấy!". Ông vừa cười vừa thò đôi chân từ gầm bàn ra… một đôi giày ba sọc của Adidas.

Cuộc cạnh tranh trong thời đại mới

Một buổi chiều thời tiết u ám vài ngày trước trận tứ kết EURO 2024 giữa Đức và Tây Ban Nha, Matthias Zenger vui lòng đón tiếp các phóng viên trên sân thượng của trụ sở CLB 1. FC Herzogenaurach mà ông là Phó chủ tịch. Matze năm nay khoảng 40 tuổi, cũng là một người sinh ra và lớn lên ở Herzogenaurach. Theo ông, cuộc chiến giữa Adidas - Puma ngày nay giống như một câu chuyện văn hóa dân gian địa phương để thu hút khách du lịch hơn là một thực tế đang diễn ra hàng ngày.

Trụ sở của Puma ở Herzogenaurach

Trụ sở của Puma ở Herzogenaurach

"Puma bắt đầu tài trợ cho chúng tôi vào năm 1966, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập CLB. Nhưng Adidas cũng làm điều tương tự với người hàng xóm ASV Herzogenaurach của chúng tôi. Do đó, sự cạnh tranh giữa hai thương hiệu thậm chí còn ảnh hưởng đến các đội bóng địa phương. Trong chiến lược hoạt động của CLB, chúng tôi cam kết thực hiện các dự án xã hội nhằm nêu bật sự đa dạng và khoan dung, do đó sẽ là vô lý nếu cấm những người mặc đồ Adidas đến với CLB!" - Matze chia sẻ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trong quá khứ không có một cuộc chiến thực sự. "Vào thời ông bà tôi, thành phố đã bị sông Aurach chia làm đôi. Một bên là nhà máy của Adidas, liền kề với nhà máy của Schaeffler, một công ty địa phương lớn khác chuyên về linh kiện ô tô và bên kia là nhà máy của Puma. Mọi người sống ở bên này hay bên kia, tùy thuộc vào việc họ làm việc cho ai", Matze nói.

Ngày nay, đi bộ qua những con đường rải sỏi quyến rũ của Herzogenaurach, bạn có thể nghe thấy tiếng lạo xạo của hàng chục con cò trú ngụ trên nóc những ngôi nhà cổ và cũng đã là một phần của cảnh quan địa phương. Cuộc cạnh tranh huyền thoại của Adi - Rudi vẫn còn dấu tích bởi bức tượng được cho là đại diện cho sự tan vỡ giữa họ và một tấm bảng dán trên ngôi nhà thời thơ ấu của hai anh em. Mặc dù người ta ước tính rằng ngày nay, gần 30% dân số thị trấn vẫn làm việc cho bộ ba Adidas - Puma - Schaeffler, nhưng theo người dân, thị trấn của họ chẳng khác gì một thị trấn tỉnh lẻ yên tĩnh.

Tại EURO 2024, đội tuyển Đức chủ nhà cũng đóng quân tại Herzogenaurach. Tuy nhiên, không dễ để tiếp cận Julian Nagelsmann và các học trò. Nơi đóng quân của Die Mannschaft do Adidas tài trợ là một pháo đài bất khả xâm phạm, phía trước có tượng Adi Dassler đứng canh gác. Nhưng kỷ nguyên của Adidas ở Die Mannschaft sắp kết thúc. Liên đoàn Bóng đá Đức đã thông báo vài tháng trước rằng Nike sẽ trở thành nhà cung cấp thiết bị mới của họ từ năm 2027.

Ở vùng đất của mình cách trụ sở Adidas một quãng ngắn, trụ sở chính của Puma có kiến trúc gợi nhớ đến những chiếc hộp màu đỏ mang tính biểu tượng cho những đôi giày thể thao của họ. Câu chuyện về sự cạnh tranh đã lui dần vào dĩ vãng. Nhân dịp EURO 2024, cả hai thương hiệu đều tổ chức những chương trình khuyến mãi lớn ngay tại quê hương của họ. Và có lẽ không có kết luận nào chính xác như một anh bạn trẻ đến từ Dormund: "Adidas hay Puma à? Tôi chẳng quan tâm, ngon - bổ - rẻ là được!".

Bóng đá làm ấm quan hệ

Cầu thủ nổi tiếng nhất xuất thân tại Herzogenaurach là Lothar Matthaus, ngôi sao bóng đá Đức đã vô địch World Cup 1990 và giành danh hiệu Quả bóng Vàng thế giới cùng năm. Câu lạc bộ 1. FC Herzogenaurach chính là đội bóng đầu tiên trong sự nghiệp của Lothar Matthaus, người có cả cha và mẹ đều làm việc trong nhà máy của Puma. Đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên của Matthaus là Borussia M'Gladbach, cũng được tài trợ bởi Puma vào thời điểm ông ký hợp đồng với họ năm 1979.

Vào năm 2018, khi đó ở tuổi 57 và sau gần 20 năm thời điểm kết thúc sự nghiệp, Lothar Matthaus lại xỏ giày để ra sân cho đội bóng thuở thiếu thời của mình trong một trận đấu từ thiện. "Đó là bằng chứng cho thấy anh ấy vẫn gắn bó sâu sắc với Herzogenaurach. Kể cả hôm nay, anh ấy vẫn tiếp tục đến thăm chúng tôi thường xuyên và ủng hộ chúng tôi", Matthias Zenger nói.

Bóng đá cũng chính là "công cụ" giúp Adidas và Puma xích lại gần nhau sau nhiều thập kỷ đối chọi. Năm 2009, nhân dịp Ngày Hòa bình Thế giới của Liên hợp quốc, họ đã tổ chức trận giao hữu để "hòa giải" với sự tham gia của các lãnh đạo cao cấp hai bên. Thậm chí, ngài German Hacker, thị trưởng Herzogenaurach cũng tham dự trận đấu lịch sử này với một đôi giày đặc biệt với mỗi chiếc mang một thương hiệu khác nhau: Puma bên trái và Adidas bên phải.

An Khánh (từ CHLB Đức)

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/herzogenaurach-noi-bat-dau-cau-chuyen-huyen-thoai-ve-adidas-va-puma-i737442/