Di sản chính trị dài và phức tạp của vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9

Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã tạm gác lại những mâu thuẫn chính trị để cùng tưởng nhớ những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001.

Cờ và hoa được đặt tại Viện Bảo tàng và Đài tưởng niệm quốc gia ở New York (Mỹ), tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11/9, ngày 11/9/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Cờ và hoa được đặt tại Viện Bảo tàng và Đài tưởng niệm quốc gia ở New York (Mỹ), tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11/9, ngày 11/9/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Theo kênh CNN, vào ngày 11/9, tại Ground Zero ở Manhattan, Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã tạm gác lại những mâu thuẫn chính trị để cùng tham dự lễ tưởng niệm 23 năm vụ tấn công khủng bố năm 2001. Khoảnh khắc này là biểu tượng của sự đoàn kết hiếm hoi giữa những nhà lãnh đạo đối lập, khi họ đứng bên nhau để tưởng nhớ những nạn nhân của một trong những sự kiện tàn khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong buổi lễ, ông Trump và bà Harris – những đối thủ chính trị trong cuộc đua bầu cử tổng thống – thậm chí đã bắt tay nhau lần thứ hai trong vòng chưa đầy 24 giờ. Hành động này được dàn xếp bởi cựu Thị trưởng Thành phố New York Michael Bloomberg, như một dấu ấn của sự hòa hợp tạm thời giữa các phe phái chính trị. Lễ tưởng niệm đã khơi gợi lại ký ức về một nước Mỹ đoàn kết trong những ngày kinh hoàng sau các cuộc tấn công khủng bố năm 2001.

Giờ đây, ngày 11/9 đã trở thành một dấu mốc lịch sử, nhưng đối với những người đã sống qua ngày đó, nỗi đau vẫn còn sâu đậm. Hàng nghìn gia đình vẫn còn ám ảnh bởi sự mất mát của những người thân yêu trong Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc và trên những chiếc máy bay bị biến thành vũ khí. Đối với họ, mỗi lần nhìn thấy chiếc đồng hồ chỉ đúng 8 giờ 46 sáng – thời điểm chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Tòa tháp phía Bắc – là một lần ký ức kinh hoàng tràn về, gợi lại một ngày không bao giờ bị lãng quên.

Cuộc gặp mặt của những nhà lãnh đạo Mỹ vào ngày 11/9 năm nay là lời nhắc nhở về những dư chấn chính trị kéo dài từ cuộc tấn công khủng bố đó. Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do chính quyền George W. Bush khởi xướng đã khiến công chúng Mỹ mệt mỏi và hoài nghi về các thể chế chính phủ, tạo điều kiện cho ông Donald Trump khai thác sự bất mãn này trong hành trình lên nắm quyền. Nhiều binh lính Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu là những người từ các thị trấn nhỏ, và chính họ đã trở thành một phần cốt lõi trong nền tảng chính trị của ông Trump.

Hai thập kỷ sau, cuộc xâm lược Afghanistan của Mỹ đã trở thành trung tâm của một chiến dịch tranh cử khác khi bà Harris và ông Trump đổ lỗi cho nhau về cuộc rút quân hỗn loạn vào năm 2021, làm gia tăng căng thẳng chính trị. Các hậu quả chính trị không ngờ tới từ ngày 11/9 cũng góp phần vào sự trỗi dậy của nhiều nhà lãnh đạo khác.

Ông Barack Obama, với lập trường phản đối chiến tranh Iraq, đã trở thành tổng thống trong bối cảnh sự ủng hộ dành cho ông Bush sụt giảm. Tương tự, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump cũng xuất phát từ sự phản đối mạnh mẽ đối với vị tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ. Và nếu không có ông Trump, có lẽ ông Joe Biden đã không thể trở thành tổng thống trong hoàn cảnh đầy biến động của nước Mỹ.

Gần một phần tư thế kỷ sau sự kiện 11/9, mối đe dọa địa chính trị nổi bật nhất đã chuyển từ chủ nghĩa khủng bố sang cuộc cạnh tranh quyền lực mới giữa các cường quốc. Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất lịch sử vẫn để lại hậu quả sâu sắc, không chỉ về mặt tâm lý mà còn ăn sâu vào nền chính trị Mỹ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/di-san-chinh-tri-dai-va-phuc-tap-cua-vu-tan-cong-khung-bo-nuoc-my-ngay-119-20240912172946763.htm