Quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ ra sao nếu ông Trump hoặc bà Harris thắng cử?
Vào ngày 5/11 tới, khoảng 244 triệu cử tri Mỹ sẽ quyết định ai sẽ là vị tổng thống thứ 47 của xứ cờ hoa. Quan điểm và tầm nhìn của ai sẽ làm chủ Nhà Trắng luôn có vai trò quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có chính sách với Trung Quốc.
Ai sẽ chiến thắng?
Hiện nay, cuộc đua đang đi vào giai đoạn nước rút và quyết liệt khi tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump và bà Harris không quá chênh lệch. Dựa trên kết quả của các cuộc thăm dò toàn quốc, không ứng cử viên nào áp đảo người còn lại. Tuy nhiên, dường như bà Harris đang được các cử tri trung dung chú ý hơn và bản thân ứng cử viên này nỗ lực giành phiếu từ giới trẻ, phụ nữ, người da màu và gốc nhập cư.
Bà Harris cũng đang có lợi thế khi kêu gọi các nhà tài trợ mới quyên góp cho chiến dịch của mình. Sau khi được chọn là ứng cử viên thay thế ông Biden, số nhà tài trợ mới ủng hộ bà tăng vọt. Trong 10 ngày đầu tiên của chiến dịch, bà Harris đã có số người quyên góp nhiều hơn ông Biden có trong 15 tháng tranh cử. Theo New York Times, trong vòng 11 ngày đầu tiên của tháng 7, chiến dịch của bà có thêm hơn 1,5 triệu người quyên góp. Điều này giúp bà Harris huy động được hơn 310 triệu USD, nhiều gấp đôi so với ông Trump.
Đặc biệt, sau cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ vào tối 10/9 tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, nhiều cử tri đánh giá bà Harris "tốt" hơn ông Trump. Các cuộc thăm dò nhanh trên toàn nước Mỹ đa phần đều nhận xét rằng bà Harris là người chiến thắng. Kết quả khảo sát của Five Thirty Eight ngày 11/9 cũng thể hiện điều đó. Ngay sau buổi tranh luận, bà Harris tiếp tục dẫn trước ông Trump khoảng 2,6 điểm và đang duy trì tốt lợi thế dẫn đầu của mình.
Nếu duy trì được đà này, bà Harris rất có thể sẽ thắng cử khi nước Mỹ đang trông đợi những điều mới mẻ từ tân Tổng thống và chính quyền Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Trung nếu bà Harris lên nắm quyền
Là ứng cử viên của đảng Dân chủ, qua bốn năm làm "phó tướng" dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden, bà Kamala Harris sẽ tiếp nối chính sách của ông Biden. Với tư cách là nhân tố mới trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bà Harris sẽ có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới và phải thực hiện cam kết trong cương lĩnh tranh cử của mình.
Về chính trị - đối ngoại, bà Harris nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi hệ tư tưởng Dân chủ truyền thống và tăng cường thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Khu vực này sẽ được chú trọng hơn trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược tại đây gia tăng.
Cho đến nay, bà Harris đã có bốn chuyến thăm chính thức tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm khẳng định vai trò của Mỹ cũng như cho thấy sự quan tâm của bà đối với khu vực. Bà cũng khẳng định rằng “Nước Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự vệ của Đài Loan, đây cũng là chính sách xuyên suốt (của Mỹ)”. Điều này thể hiện Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Về nhân sự, ông Philip Gordon, cố vấn an ninh quốc gia của bà Harris theo đuổi chính sách đối ngoại truyền thống và có quan điểm rõ ràng về Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, ông Philip Gordon nhận xét rằng nước Mỹ “đang đối mặt với một quốc gia có ý định và khả năng thách thức trật tự quốc tế của Mỹ, đó là một vấn đề lớn, vượt xa những gì Liên Xô có thể làm”.
Ông Gordon khẳng định nước Mỹ đang thực hiện các biện pháp nhằm “đảm bảo Trung Quốc không có công nghệ tiên tiến, tình báo và khả năng quân sự có thể thách thức nước Mỹ”. Một trong những biện pháp đó là việc thiết lập liên minh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ứng cử viên Phó Tổng thống của bà Harris, ông Tim Walz cũng được coi là ứng cử viên có nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc nhất trong một vài thập kỷ qua.
Về kinh tế - xã hội, bà Harris tiếp tục chính sách vừa hợp tác, vừa kiềm tỏa Trung Quốc. Chính quyền của bà Harris sẽ phát triển các chính sách của ông Biden thông qua cách tiếp cận có hệ thống và mang tính đa phương cao. Hay nói cách khác, Mỹ sẽ “đầu tư, phối hợp và cạnh tranh” với Trung Quốc. Bà Harris cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để xây dựng các chính sách công nghiệp quan trọng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ và giảm độ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chính sách “giảm rủi ro” với Trung Quốc cũng có thể sẽ được chính quyền bà Harris áp dụng. Việc quản lý quan hệ Mỹ - Trung “không phải là việc chúng ta tách khỏi và hạn chế hợp tác với Trung Quốc, mà là việc giảm thiểu rủi ro với nước này”, bà Harris từng phát biểu sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào năm ngoái.
Sau cuộc tranh luận với ông Trump, bà Harris nhấn mạnh rằng nước Mỹ cần phải giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong thế kỷ 21. Để làm được điều này, bà cho rằng cần phải tập trung vào đầu tư và phát triển công nghệ, đặc biệt là về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử. Đây đều là những yếu tố quan trọng giúp nước Mỹ duy trì vị trí lãnh đạo toàn cầu. Dựa vào lời phát biểu và quan điểm của bà Harris, có thể thấy bà là người kiên định với cương lĩnh của bản thân.
Quan hệ Mỹ - Trung với kịch bản Trump 2.0
Với kinh nghiệm sau một nhiệm kỳ cầm quyền, ông Trump được cho rằng sẽ có những hành động kiềm chế hơn. Nếu thắng cử, chính quyền Trump 2.0 có khả năng sẽ là ‘bản nâng cấp’ của Trump 1.0: vẫn có những chính sách cứng rắn, thực dụng nhưng khéo léo, thận trọng và nhất quán hơn trong đối ngoại với Trung Quốc.
Về chính trị - đối ngoại, ông Trump khẳng định sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc trong chính sách đối ngoại và an ninh. Ông có xu hướng lựa chọn những chính trị gia có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc để xây dựng nội các. Những thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa như ông Bill Hagerty, ông Tom Cotton hay ông Marco Rubio đều được cho rằng sẽ ở các vị trí cố vấn an ninh quốc gia quan trọng, nếu ông Trump tái đắc cử.
Ứng cử viên Phó Tổng thống của ông Trump, ông JD Vance có xu hướng ưu tiên chuyển hướng chú ý của nước Mỹ từ Ukraine sang Trung Quốc. Chính trị gia này muốn tái xoay trục nước Mỹ sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông cũng là một trong nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa ủng hộ chính sách “châu Á trước tiên”.
Về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), Ông Trump từng đề xuất Đài Loan trả Mỹ chi phí bảo vệ hòn đảo này. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ trước của mình, chính quyền Trump đã có những hành động thể hiện sự nâng cấp trong mối quan hệ với hòn đảo này, chẳng hạn như việc ngoại trưởng Mỹ xóa hạn chế trong quan hệ với Đài Loan. Các diễn biến này báo hiệu những biến động mới tại eo biển Đài Loan (Trung Quốc) dưới chính quyền Trump 2.0.
Về kinh tế - xã hội, từ nhiệm kỳ trước, ông Trump đã có những hành động quyết liệt đối với Trung Quốc. Cụ thể, ông phát động chiến tranh thương mại với nước này, áp đặt lệnh trừng phạt lên các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Nếu tái đắc cử, ông Trump cho biết sẽ cân nhắc áp thuế 60% với tất cả các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời, ông có thể tiếp tục mạnh tay với các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc vì cho rằng Trung Quốc đã giành được lợi thế không công bằng so với các đối thủ cạnh tranh.
Chính quyền Trump 2.0 nhiều khả năng sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế - thương mại của chính quyền Biden như: áp đặt thuế quan nặng lên hàng hóa và ngăn cản chuyển giao công nghệ cốt lõi cho Trung Quốc, định hướng cho doanh nghiệp Mỹ tách ra khỏi Trung Quốc và hạn chế hợp tác sâu với doanh nghiệp nước này.
Sau cuộc tranh luận với bà Harris tại Philadelphia, ông Trump thể hiện sẽ tiếp tục giữ vững lập trường cứng rắn của mình đối với Trung Quốc. Ông vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế quan trọng và bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này đối với nền kinh tế Mỹ và thị trường toàn cầu. Thêm nữa, xu hướng tiếp cận của ông vẫn luôn được duy trì xuyên suốt kể từ nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, đó là đặt “nước Mỹ trên hết”.
Tóm lại, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ quyết định và định hình tương lai của mối quan hệ Mỹ - Trung. Nước Mỹ sẽ có nữ Tổng thống đầu tiên nếu bà Harris duy trì được lợi thế hiện nay và ông Trump không cho cử tri thấy được những cái “mới” của mình. Những gì đang diễn ra cho thấy hai ứng cử viên đều chủ trương theo sát và “chặt chẽ” hơn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, giới hạn nhất định của sự khác biệt, bất đồng và đấu tranh sẽ là hợp tác và thỏa hiệp. Điều này đặc biệt đúng khi cả hai cường quốc đang đan xen lợi ích cao và cần hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu.