Di sản của 'ông Khai Trí'

Đầu tháng 9.2020, tôi nhận lời dự buổi giao lưu với văn phòng luật sư đồng nghiệp trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM). Tôi được xếp ngồi cạnh người đàn ông trung niên tóc húi cua như kiểu học trò ngày xưa. Chào hỏi vài câu xã giao, tôi mới biết anh bạn trẻ này là láng giềng thân thiết của đồng nghiệp tôi. Giao lưu được một lúc, gia chủ giới thiệu: 'Người ngồi cạnh anh là cháu nội của ông Khai Trí đó'.

Anh Nguyễn Hùng Thiện, cháu nội ông Nguyễn Hùng Trương - chủ Nhà sách Khai Trí lừng danh một thời ở Sài Gòn.

Anh Nguyễn Hùng Thiện, cháu nội ông Nguyễn Hùng Trương - chủ Nhà sách Khai Trí lừng danh một thời ở Sài Gòn.

Một lúc sau, anh bạn trẻ quay sang hỏi tôi: “Anh có gặp ông nội em rồi à?”. Tôi đáp: “Thật sự tôi không chắc có gặp ông nội em chưa. Lúc còn bé khoảng 10 - 12 tuổi, hàng tuần tôi được bố hoặc anh trai dắt ra Nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi (quận 1). Vào nhà sách, người đến nhộn nhịp, đàn ông, phụ nữ áo quần thanh lịch; thanh niên nam nữ, trẻ con như tôi rất đông nên tôi không biết đã gặp ông chưa”.

Anh bạn nói tiếp: “Anh hạnh phúc hơn em. Khi em sinh ra, nơi đó không còn của ông em nữa”.

Trò chuyện với anh bạn trẻ dắt tôi nhớ về ngày còn bé thơ. Trước mỗi lần được đến Nhà sách Khai Trí, tôi phải suy nghĩ thứ tự việc mình sẽ làm, đọc gì trước, đọc gì sau và cuối cùng xin bố, xin anh mua quyển gì. Trong ký ức trẻ thơ, Nhà sách Khai Trí lúc đó giống như tôi bước vào các “thành phố sách” của hôm nay. Sách bày thật nhiều, hàng hàng lớp lớp các kệ kê sát nhau, người qua lại liên tục nhưng vẫn có chỗ cho các cậu nhóc tuổi tôi ngồi hẳn xuống “đọc ké”, nghĩa là đọc thôi, không mua.

Lúc đó tôi đang học lớp Nhất (năm cuối bậc tiểu học) nhưng thấy truyện tranh là không cưỡng lại được. Tôi vẫn đọc Lucky Luke - gã cao bồi rút súng nhanh hơn cả bóng mình, hai chàng hiệp sĩ Lữ Hân - Phi Lục (Johan và Pirlouit), Xì Trum, Tintin, hai chàng thám tử Phan Tân - Sĩ Phú (Spirou và Fantasio), Astérix và Obélix - hai chàng Gaulois dám chống lại cả đạo quân của Caesar Đại đế. Thích xem tranh bìa báo do các họa sĩ Vi Vi (Võ Hùng Kiệt), Đinh Tiến Luyện vẽ. Đọc tủ sách Tuổi Hoa, sách Hoa đỏ, thám hiểm trinh thám, Pho tượng rồng vàng của Hoàng Đăng Cấp, Ngục thất giữa rừng già của Minh Quân - Mỹ Lan… Những quyển này hợp lứa tuổi và vừa kịp đọc xong trong một buổi.

Mãi sau này tôi mới biết chủ Nhà sách Khai Trí là ông Nguyễn Hùng Trương (1926 - 2005) nhưng mọi người quen gọi là “ông Khai Trí”. Và ông cũng là chủ tờ báo Thiếu nhi mà tôi mua hàng tuần khi đó. Ông đã mời nhà văn Nhật Tiến, tác giả tiểu thuyết Chim hót trong lồng làm chủ bút.

Một góc căn phòng, nơi ông Nguyễn Hùng Trương thường ngồi đọc sách những ngày cuối đời. Các bức tranh sơn dầu, tranh lụa, sơn mài đều do ông sưu tầm.

Một góc căn phòng, nơi ông Nguyễn Hùng Trương thường ngồi đọc sách những ngày cuối đời. Các bức tranh sơn dầu, tranh lụa, sơn mài đều do ông sưu tầm.

Thời trẻ ông Nguyễn Hùng Trương đi bán từng quyển sách trước cổng trường trung học. Qua nhiều năm tháng, ông trở thành chủ hiệu sách lớn nhất nhì Sài Gòn. Không dừng lại ở vị trí người bán sách, ông bước tiếp và trở thành nhà xuất bản với ước muốn đem những tác phẩm hay đến với bạn đọc.

Nhà sách Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương đã cho xuất bản loạt sách riêng - loại sách “Học làm người” mà tác giả là các học giả uy tín đương thời như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng. Trong tủ sách của gia đình tôi có khá nhiều quyển sách “Học làm người” này, do bố tôi và người anh cả mua.

Câu chuyện giữa tôi và anh bạn trẻ dần trở nên thân mật hơn, tôi hỏi: “Hôm nào anh đến chơi nhà em có thuận tiện không?”. Anh bạn trẻ đồng ý ngay và nói: “Để em sắp xếp một buổi thật rảnh rỗi anh em nói chuyện nhiều hơn”.

Như đã hẹn, một ngày đầu tháng 10.2020 tôi đến chơi nhà anh bạn trẻ Nguyễn Hùng Thiện. Anh tiếp tôi trong căn phòng lớn ở lầu 1, nơi ông nội anh thường ngồi đọc sách những ngày cuối đời. Được biết, ba anh là Nguyễn Hùng Trí, con thứ tư trong tám người con (bốn nam, bốn nữ) của ông Nguyễn Hùng Trương. Thiện còn hai em trai đang sinh sống ở nước ngoài.

Căn phòng rộng hơn 30m2, ba vách tường là những kệ sách cao 1,5m kê sát nhau. Trên cao treo nhiều tranh sơn dầu, tranh lụa, các bức sơn mài, tất cả đều do ông nội anh sưu tầm. Dưới sàn, trước các kệ sách đặt nhiều cặp loa, ampli, đầu tape, đầu đĩa các loại do Thiện sưu tầm.

Tôi chú ý đến hai kệ sách lớn kê ở góc nhà. Đó là kệ chứa những quyển được đóng bìa cứng bọc simili cẩn thận. Còn lại hầu như là sách mới xuất bản trong các thập niên 1980 - 1990, đầu những năm 2000, tôi thấy trong đó có cả những đầu sách mà chính ông Khai Trí đã mua bản quyền để xuất bản hồi đầu thập niên 1970.

Những quyển được đóng bìa cứng thực ra là tuyển tập đóng bộ các tạp chí xuất bản trước năm 1975. Tôi nhìn thấy có tạp chí Văn, tạp chí Phổ thông, tạp chí Quê hương, nguyệt san Văn hóa… Và đặc biệt tập san Sử Địa (số đầu tiên năm 1963) do chính Nhà sách Khai Trí bảo trợ xuất bản. Ban chủ biên gồm Nguyễn Thế Anh, Bửu Cầm, Phạm Cao Dương. Ban trị sự là Nguyễn Nhã, Nguyễn Nhựt Tấn, Nguyễn Ngọc Trác. Số 29, số cuối cùng là Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa phát hành tháng 3.1975. Nhìn qua tựa các quyển sách được gìn giữ cẩn thận, ta hiểu được tâm tình, tinh thần yêu nước, tình yêu quê hương của chủ nhân.

Số 29 (số cuối cùng): Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa phát hành tháng 3.1975.

Số 29 (số cuối cùng): Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa phát hành tháng 3.1975.

Tôi hỏi: “Vậy giờ em chỉ còn lưu giữ được hai kệ này thôi à?”, Thiện nói: “Còn mấy kệ sách tiếng Pháp ở kho trên lầu, em chưa mang xuống. Một số lớn nữa thì các chú, các bác em đang lưu giữ ở nước ngoài”.

Thiện để tôi thong thả tự nhiên xem sách. Một lúc sau, hai anh em mới ngồi xuống trò chuyện. Thiện tâm sự: “Lúc nhỏ gia đình em cũng gặp khó khăn, bản tính em lại ham chơi. Học xong phổ thông là em đi làm ngay nhưng làm tự do, lúc chỗ này lúc chỗ khác. Em ham thích tìm hiểu về máy móc âm thanh. Như anh thấy máy móc em để đó, giờ đây em mưu sinh bằng việc trao đổi mua bán các thiết bị này. Những lúc rảnh rỗi em cũng hay đọc sách nghiên cứu thêm”. Nghe đến đây tôi càng vui. Hai anh em lại có thêm một điểm chung là yêu thích âm thanh hay đẹp, chỉ khác là tôi không sưu tầm mà chỉ có một bộ để nghe thôi.

Những đầu đĩa, ampli, đầu tape, cặp loa… do Thiện sưu tầm.

Những đầu đĩa, ampli, đầu tape, cặp loa… do Thiện sưu tầm.

Gặp người cùng sở thích, Thiện chuẩn bị dàn máy mở nhạc. Album After Dark của Andy Gibb, cậu út trong mấy anh em ban nhạc Bee Gees nhưng chỉ thích hát riêng. Tiếng hát, tiếng nhạc đệm cộng với “tiếng nổ lụp bụp” nho nhỏ đặc trưng như để biết đây là âm thanh trung thực phát ra từ đầu đĩa LP cũ.

Tôi nói: “Em đừng ưu tư khi nghĩ mình không được học cao. Theo anh, em đã thực hiện đúng ước nguyện của ông nội. Đó là tinh thần tự học - học làm người. Có học vấn cao và có văn hóa là hai việc khác nhau, hai khái niệm không đồng nhất. Em đọc sách của ông nội và trở thành người thiện lương đúng như tên ba em đã đặt. Đó là sự thành công trong đời rồi”.

Thiện trầm tư nói: “Sau khi ông và ba em mất, em tiếp nối giữ gìn số sách này đến nay đã hơn 10 năm. Công việc của em giờ đã ổn, con cái lớn dần đã có nền nếp. Sắp tới em sẽ đóng thêm kệ, sắp xếp lại tủ sách, phân loại kỹ càng hơn”. Tôi nói thêm: “Em nhớ cho vẽ bảng hiệu Nhà sách Khai Trí nữa nha”. Thiện cười vui nói: “Chắc chắn rồi anh”.

Suốt cuộc đời, ông Khai Trí sống với niềm ham mê đọc sách, yêu sách và quý sách. Di sản ông để lại không đơn thuần là các quyển sách giá trị. Với tinh thần khai phóng, ông đã gieo niềm cảm hứng đọc sách cho nhiều thế hệ thị dân Sài Gòn, trong đó có ba thế hệ gia đình tôi.

Bài và ảnh: Hoàng Phương Anh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/di-san-cua-ong-khai-tri-26020.html