Di sản của Tổng thống Joe Biden

Sau 4 năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã để lại di sản đáng nhớ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lãnh đạo nước Mỹ thoát khỏi đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tranh cử với lời hứa trở thành nhà lãnh đạo chuyển giao. Sau khi vào Nhà Trắng, ông tiếp tục hy vọng mình có thể trở thành người tạo ra sự thay đổi lớn.

Tuy nhiên, sau 4 năm đầy biến động trong nhiệm kỳ, hóa ra ông không hoàn toàn là cả hai, theo New York Times.

Thay vào đó, ông Biden có thể được ghi nhận trong lịch sử như giai đoạn chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ của ông Donald Trump - khoảng dừng trong một thời kỳ hỗn loạn với những thay đổi lớn.

“4 năm trước, chúng ta đối mặt với một mùa đông đầy nguy hiểm”, ông viết trong bức thư gửi công chúng được công bố sáng 16/1.

“Chúng ta đã trải qua đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ, khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại Suy Thoái, và cuộc tấn công vào nền dân chủ nghiêm trọng nhất kể từ Nội chiến. Nhưng chúng ta đã đoàn kết, vượt qua thử thách. Chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và an toàn hơn”, ông nhấn mạnh.

Thoát khỏi lệnh phong tỏa

Ông Biden lên nắm quyền khi Mỹ đang phải vật lộn sau một năm đại dịch Covid-19, với con số tử vong lên đến 400.000 người.

Nhiều doanh nghiệp, trường học và cơ quan chính phủ phải đóng cửa. Đời sống hàng ngày của người dân trên khắp nước Mỹ bị xáo trộn.

Trong bối cảnh đó, cuối năm đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Biden đã thiết lập quy trình đưa loại vaccine được phát triển vào những ngày cuối cùng dưới thời chính quyền Trump đến với 250 triệu người dân Mỹ.

 Tổng thống Biden tổ chức lễ cầu nguyện tại Nhà Trắng để tưởng nhớ những người đã mất vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Biden tổ chức lễ cầu nguyện tại Nhà Trắng để tưởng nhớ những người đã mất vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

Đất nước mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp cao, vốn đã giảm khi ông Biden lên nắm quyền, tiếp tục được cắt giảm gần một nửa. Hàng triệu việc làm bị mất trước đó được khôi phục.

Số ca tử vong do Covid-19 giảm từ hơn 23.000 ca/tuần xuống còn dưới 400 ca/tuần.

Dù vậy, sự phẫn nộ của công chúng đối với việc đeo khẩu trang, bắt buộc tiêm vaccine và đóng cửa trường học, song song với sự lan truyền thuyết âm mưu đã làm phức tạp cuộc thảo luận về y tế cộng đồng và suy yếu niềm tin vào hệ thống này.

Rút quân khỏi Afghanistan

New York Times đánh giá chương đen tối nhất trong nhiệm kỳ của ông Biden có lẽ là việc rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021.

Ông Biden đã thực hiện thỏa thuận mà chính quyền Trump ký với Taliban, nhằm rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến dài nhất lịch sử nước này sau 20 năm.

Tuy nhiên, quá trình diễn ra đầy hỗn loạn khi Taliban nhanh chóng chiếm thủ đô Kabul và kiểm soát toàn bộ Afghanistan.

Vụ đánh bom tự sát tại sân bay Kabul đã khiến 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Trong khi đó, hình ảnh người Afghanistan tuyệt vọng bám vào máy bay Mỹ trên đường băng làm nhiều người ám ảnh.

 Không quân Mỹ di tản người dân khỏi Afghanistan. Ảnh: Senior Airman Taylor Crul/U.S. Air Force.

Không quân Mỹ di tản người dân khỏi Afghanistan. Ảnh: Senior Airman Taylor Crul/U.S. Air Force.

Xây dựng hạ tầng quốc gia

Tổng thống Biden đã thúc đẩy chương trình trị giá 1.000 tỷ USD để xây dựng lại đường xá, cầu cống, sân bay, hệ thống cấp nước, băng thông rộng và các cơ sở hạ tầng khác trên khắp nước Mỹ.

Điều này giúp ông đạt được những gì nhiều tổng thống Mỹ đã hứa nhưng không thực hiện được, bao gồm cả ông Trump.

Gói chi tiêu được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2021 là khoản đầu tư lớn nhất vào công trình công cộng kể từ khi cựu Tổng thống Dwight D. Eisenhower triển khai chương trình xây dựng đường cao tốc liên bang.

Trên hết, ông Biden đã đạt được điều đó với phiếu bầu của đảng Cộng hòa, tạo nên một thỏa thuận lưỡng đảng trong thời kỳ đầy chia rẽ chính trị.

Tuy nhiên, việc phát triển kế hoạch, xin cấp phép và bắt đầu triển khai các dự án cần nhiều thời gian. Vì vậy, nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ của ông Biden.

Chương trình nghị sự tham vọng

So với ông Biden, có lẽ chưa có vị tổng thống nào thúc đẩy chương trình nghị sự lập pháp tham vọng hơn kể từ thời kỳ Chính sách Đại Xã hội của ông Lyndon B. Johnson.

Khi còn là ứng cử viên, ông Biden đã định vị mình là người ôn hòa, chủ yếu quan tâm đến việc phục hồi trạng thái bình thường sau nhiệm kỳ đầy xáo trộn của ông Trump.

Ngoài cứu trợ Covid-19 và phát triển cơ sở hạ tầng, ông còn đảm bảo thông qua đạo luật nhằm giảm giá thuốc kê đơn cho người cao tuổi, bao gồm mức trần 35 USD/tháng cho insulin.

 Đạo luật về cơ sở hạ tầng của ông Biden giúp cung cấp kinh phí để cải thiện cầu Brent Spence giữa Ohio và Kentucky. Ảnh: New York Times.

Đạo luật về cơ sở hạ tầng của ông Biden giúp cung cấp kinh phí để cải thiện cầu Brent Spence giữa Ohio và Kentucky. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ cũng mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cựu chiến binh bị phơi nhiễm với chất độc từ hố đốt, phục hồi ngành công nghiệp bán dẫn và tăng thuế đối với các tập đoàn.

Ông Biden đã thúc đẩy việc thông qua các đạo luật này dù đảng Dân chủ giữ thế đa số mong manh tại Hạ viện. Tại Thượng viện, tỷ lệ này là 50-50 và lá phiếu của Phó tổng thống Kamala Harris giữ tính chất quyết định.

Dù vậy, tỷ lệ sít sao này đồng nghĩa ông Biden phải hy sinh những ưu tiên khác như mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em và trường cao đẳng cộng đồng miễn phí. Thậm chí sau đó, nợ quốc gia đã tăng lên mức cao kỷ lục.

Tập trung vào vấn đề khí hậu

New York Times nhận định không có tổng thống Mỹ nào hành động nhiều để chống lại biến đổi khí hậu như ông Biden.

Vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, ông đã ký văn kiện để đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris về khí hậu, đảo ngược động thái rút lui của ông Trump.

Trong suốt 4 năm tiếp theo, ông Biden thúc đẩy các sáng kiến thông qua hành động hành pháp và lập pháp. Ông đã đảm bảo được 370 tỷ USD từ Quốc hội để đầu tư vào năng lượng sạch - số tiền lớn nhất từ trước đến nay dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông cũng nỗ lực bảo tồn hàng triệu mẫu đất và nước, nhiều hơn bất cứ người tiền nhiệm nào.

Trong những ngày cuối cùng tại nhiệm, ông Biden đã ra lệnh ngừng khoan dầu khí mới ở vùng biển ven bờ và xây dựng 2 di tích quốc gia ở California để bảo vệ hơn 800.000 mẫu Anh.

Những người chỉ trích cho rằng ông Biden đang kìm hãm sản xuất năng lượng, mặc dù sản lượng dầu và khí đốt tăng lên mức kỷ lục trong thời gian ông lãnh đạo.

Kiểm soát nhập cư bất hợp pháp

Ông Biden muốn đảo ngược thái độ thù địch của người tiền nhiệm đối với vấn đề nhập cư và thay đổi một số chính sách hạn chế.

Tuy nhiên, khi làm vậy, số lượng người nhập cư trái phép ở biên giới phía nam đã tăng vọt lên mức kỷ lục. Tình trạng này gây áp lực lên các tiểu bang và thành phố - nơi không thể ứng phó với làn sóng người di cư.

 Hàng trăm người di cư chờ đợi tại một khu vực ở El Paso, Texas. Ảnh: New York Times.

Hàng trăm người di cư chờ đợi tại một khu vực ở El Paso, Texas. Ảnh: New York Times.

Trong khi ông Trump và những người phản đối gọi đây là “cuộc xâm lược", ông Biden hiếm khi đề cập đến vấn đề này một cách công khai.

Chỉ sau khi thành viên đảng Dân chủ phàn nàn, bao gồm các thị trưởng thành phố phía bắc, tổng thống Mỹ mới chú ý nhiều hơn đến vấn đề này và đạt được thỏa thuận lưỡng đảng với đảng Cộng hòa tại Thượng viện để áp đặt giới hạn cứng rắn.

Tuy nhiên, ông Trump thừa nhận ông không muốn để Tổng thống Biden giành chiến thắng chính trị. Ông đã gây áp lực buộc các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện ngăn cản thỏa thuận.

Dù vậy, vào mùa hè cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Biden đã sử dụng quyền hành pháp để thắt chặt quy định biên giới. Số lượng người vượt biên trái phép đã giảm xuống mức thấp hơn cả khi ông Trump rời nhiệm sở.

Lạm phát cao nhất trong 40 năm

Mặc dù nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19, lạm phát đã tăng mạnh dưới thời ông Biden, khiến người Mỹ bàng hoàng vì họ chưa từng trải qua tình trạng này kể từ đầu những năm 1980.

Lạm phát đạt đỉnh 9,1% vào mùa hè 2022 - mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Tổng cộng giá cả đã tăng khoảng 20% trong suốt nhiệm kỳ của ông Biden. Chi phí xăng dầu, hàng tạp hóa và nhà ở khiến nhiều người Mỹ cảm thấy túng thiếu.

Nhiều người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ông Biden trước tình trạng này. Trên thực tế, lạm phát cũng đã tấn công nhiều quốc gia sau đại dịch, do tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, ngay cả một số đảng viên Dân chủ cũng cho rằng gói cứu trợ đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden đã làm trầm trọng thêm lạm phát.

Đến cuối năm 2024, nhờ vào việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, lạm phát đã giảm xuống còn 2,9% - mức tương đối bình thường. Nhưng điều đó chỉ có nghĩa tốc độ lạm phát chậm lại. Giá cả đã tăng vẫn giữ nguyên mức cao.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Ngày 15/1, chính phủ Qatar thông báo về việc Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza. Ngay sau đó, cả ông Biden và ông Trump đều lên tiếng nhận công về vấn đề này.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Phó tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu hôm 15/1. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Phó tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu hôm 15/1. Ảnh: Reuters.

Trên mạng xã hội, ông Trump nhấn mạnh lệnh ngừng bắn trên chỉ đạt được sau chiến thắng của ông vào tháng 11/2024.

Trong khi đó, Tổng thống Biden khẳng định rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza là "kết quả của chính sách ngoại giao trong nhiệm kỳ của ông".

"Đây không chỉ là kết quả từ việc gây áp lực cực lớn lên Hamas, sự suy yếu của Iran, hay việc cán cân quyền lực ở khu vực thay đổi sau lệnh ngừng bắn ở Lebanon. Đây còn là kết quả từ chính sách đối ngoại kiên trì và tỉ mỉ của Mỹ", ông Biden nói.

Khi một phóng viên hỏi rằng liệu lịch sử sẽ ghi nhận thành tựu này cho tổng thống Mỹ đương nhiệm hay tổng thống sắp tới, ông Biden trả lời: "Tôi hy vọng bạn đang nói đùa".

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/di-san-cua-tong-thong-joe-biden-post1525400.html