Di sản danh nhân Nguyễn Đình Chiểu: Sống mãi cùng dòng chảy nhân loại
Cùng với sự vinh danh của UNESCO, cuộc đời của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu là một nguồn cảm hứng không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại.
Những ngày qua, chuỗi hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1/7/1822-1/7/2022) đã diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Đây là những hoạt động quan trọng thể hiện niềm tự hào cũng như cam kết của Việt Nam với UNESCO về việc vinh danh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa.
Có thể khẳng định dù trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, nhưng hình tượng Nguyễn Đình Chiểu cùng di sản mà ông để lại vẫn luôn in đậm trong lòng người dân cả nước.
Niềm tự hào của quê hương cụ đồ Chiểu
Sự kiện Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa và cùng tổ chức kỷ niệm 200 ngày sinh của ông là vinh dự lớn cho tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Bến Tre cho biết, Nguyễn Đình Chiểu trở thành thần tượng trong lòng dân Ba Tri, Bến Tre.
Ở khắp nơi huyện Ba Tri, trong những thập niên từ đầu đến giữa thế kỷ 20, phong trào đọc thơ, ngâm thơ, nói thơ Lục Vân Tiên, hát tuồng Lục Vân Tiên, đờn ca tài tử, ca ra bộ có nội dung Vân Tiên-Nguyệt Nga diễn ra trên thực tế xã hội như một trào lưu áp đảo.
Chính những hình thức sinh hoạt mang tính dân gian này đã làm cho Lục Vân Tiên ngấm dần vào tiềm thức của nhân dân, khiến cho những người dù không biết chữ Nôm và chữ quốc ngữ vẫn diễn đạt, kể chuyện, nói thơ Lục Văn Tiên, nói tuồng Lục Vân Tiên một cách rạch ròi, hấp dẫn, duyên dáng, hào hứng.
Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu là vô cùng to lớn, sâu rộng trong nhân dân, từ tư tưởng đến đạo đức, phẩm cách, từ nhận thức đến hành vi, phương châm, phương pháp, tổ chức, hành động một cách triệt để, nhất quán, trong sáng, rõ ràng.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ khẳng định, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức.
Tài năng và địa vị của ông trên văn đàn, y thuật và nền giáo dục nước nhà đã được ghi nhận, tôn vinh từ rất sớm, ngay cả lúc ông còn sinh thời và trong giai đoạn hiện nay.
Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ 19, ông đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà.
Ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.
Ông Lê Đức Thọ cho rằng, Nguyễn Đình Chiểu sống hòa mình vào nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và đưa hình tượng người nông dân vào trong các tác phẩm của mình như những người tiêu biểu nhất của tinh thần yêu nước, với ý chí quật cường của dân tộc trong cơn khói lửa.
Trong giai đoạn hiện nay, tấm gương yêu nước, sống gắn bó mật thiết với nhân dân, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, đem tài năng và trí tuệ của mình tận tâm, tận lực phục vụ cho dân, cho nước của ông trở thành là mạch nguồn truyền thống tốt đẹp ở quê hương Đồng Khởi anh hùng.
Bởi vậy, việc vận dụng, phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống ấy vào việc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ở hiện tại cũng như trong tương lai là trách nhiệm của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bến Tre.
Được cộng đồng quốc tế ghi nhận
Mới đây, khi về Bến Tre trao Nghị quyết của UNESCO, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho biết Đại hội đồng UNESCO đưa ra quyết định này do Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật xuất chúng, là một trong những nhà thơ Việt Nam được tôn vinh nhiều nhất và có các tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Ông Christian Manhart cũng khẳng định cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nguồn cảm hứng không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại. Bởi ông còn là một thầy thuốc vĩ đại, là niềm hy vọng cho những người khuyết tật khi đã đạt được những thành công ngay cả khi bị mù.
Ông nói: “Những triết lý về hòa bình, về tình yêu của con người cũng như về lòng khoan dung hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO. Hơn nữa, ông cũng là một nhà giáo xuất sắc, đã cống hiến cả cuộc đời mình để lan tỏa kiến thức và đây cũng chính là một sứ mệnh của UNESCO: Sứ mệnh giáo dục".
Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” được tổ chức tại Bến Tre, nhiều nghiên cứu chuyên luận, tiểu luận của các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước đã khẳng định tầm ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu - một nhà thơ lớn, thầy giáo giỏi, thầy thuốc tâm đức.
TS. Bùi Long - Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc nhận định, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ có vai trò quan trọng trong việc thừa kế tiền nhân, tiếp truyền hậu thế trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam từ cổ đại đến cận đại.
Cả cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là sự kết hợp giữa tinh thần lao động không mệt mỏi và lòng yêu nước bất khuất. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói, bệnh tật, ông đã đem toàn bộ tâm huyết, sức lực và tinh thần hiến dâng cho sự nghiệp giáo dục, làm thuốc và sáng tác văn học.
Qua nghiên cứu, PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chỉ rõ những ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu từ phương diện cuộc đời và tác phẩm tới đời sống văn hóa, nghệ thuật, ảnh hưởng tới lối sống của người dân Bến Tre nói riêng, người dân Nam Bộ nói chung gần 200 năm qua.
Với góc nhìn phân tích vị thế, đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử - văn hóa Nam Bộ và lịch sử - văn hóa Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, PGS.TS Phạm Lan Oanh đề xuất giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Theo bà, cần đưa lăng mộ và nhà lưu niệm trở thành điểm đến trong tour du lịch danh nhân văn hóa và di tích lịch sử quốc gia; tiếp tục triển khai nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiều để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của danh nhân.
Theo nghiên cứu của GS.TS Venkat Reddy Konatham (Đại học Tiếng Anh và Ngoại ngữ, Ấn Độ), hình tượng Lục Vân Tiên và lối sống Nam Bộ đã có những ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng người Ấn Độ sinh sống tại Việt Nam.
Cụ thể, cộng đồng Ấn kiều đến Việt Nam đã tiếp xúc và giao lưu với văn hóa, con người và lối sống Nam Bộ như tinh thần trượng nghĩa, tính đoàn kết cộng đồng có trước có sau, luôn luôn sẵn sàng đùm bọc cứu giúp nhau trong cơn hoạn nạn, lúc khó khăn, có hiếu với cha mẹ, có chí tiến thủ, trọng nghĩa khinh tài.
GS.TS Venkat Reddy Konatham cũng đề xuất một số kiến nghị như: dịch thuật, nghiên cứu và ứng dụng-thực hành-diễn xướng nói thơ Vân tiên và các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu dưới góc nhìn của văn hóa Ấn Độ; thiết kế các tour du lịch học tập danh nhân Nguyễn Đình Chiểu với điểm khởi đầu là từ các cộng đồng Ấn-Việt ở Ấn Độ và điểm kết thúc là khu mộ cụ Đồ Chiểu ở Bến Tre…
Di sản của những sáng tạo trẻ
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã chính thức xác lập kỷ lục Việt Nam và Liên minh Kỷ lục thế giới - Worldkings cũng xác lập kỷ lục thế giới đối với tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất.
Đây là một tập thơ được nghệ nhân thư pháp Vũ Đăng Học thực hiện, 209 trang, chế tác thủ công trên nền giấy xuyến chỉ, với kích thước 1,8m x 1,4m, trọng lượng khoảng 500kg. Tác phẩm được nghệ nhân trẻ thực hiện trong thời gian hơn 5 tháng và trao tặng lại cho tỉnh Bến Tre nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822-2022).
Được xem là một tác phẩm nghệ thuật có tầm quan trọng và rất có giá trị về văn hóa để thực hiện trưng bày, triển lãm, lưu giữ, quyển sách nhằm tôn vinh và ghi nhận về những thành tựu sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân.
Một sáng tạo thú vị từ di sản Nguyễn Đình Chiểu chính là bộ sưu tập áo dài Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga của nhà thiết kế trẻ Yến Nhi, lấy cảm hứng từ những bức tranh trong cuốn truyện Lục Vân Tiên mà Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) xuất bản.
Nhà thiết kế Yến Nhi cho hay tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm được nhân dân Nam Bộ yêu thích, truyền tụng rộng rãi nhất, còn trong phạm vi cả nước thì đó là truyện thơ lớn thứ hai sau Truyện Kiều.
Cô đã đưa từng bản tranh các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên lên tà áo dài truyền thống Việt Nam, trở thành một bộ sưu tập áo dài độc đáo.
Yến Nhi chia sẻ: “Nguyễn Đình Chiểu đã để lại một di sản lớn là tác phẩm Lục Vân Tiên đề cao tình nghĩa ở đời: Tình cha con, tình vợ chồng, tình bạn bè, tình thầy trò; tinh thần nghĩa hiệp, đó là tinh thần xả thân giúp cộng đồng mà xã hội nước ta hiện nay, cũng như UNESCO đang đề cao... Đây là nguồn cảm hứng và cũng là tinh thần mà tôi muốn hướng tới ở bộ sưu tập này”.