Di sản để đời của 3 giáo sư Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế 2021
Vào ngày hôm qua 11/10, 3 nhà kinh tế tại Mỹ là David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens chính thức được vinh danh tại lễ trao giải Nobel Kinh tế 2021.
Giải Nobel Kinh tế 2021 đã được trao cho David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens vì công trình nghiên cứu của họ về các thí nghiệm tự nhiên, đặc biệt là những đóng góp của họ trong việc hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của thị trường việc làm.
Vốn dĩ, ngành kinh tế học và các ngành khoa học xã hội khác có ít cơ hội để thực hiện các thí nghiệm ngẫu nhiên cho phép các nhà nghiên cứu trong khoa học vật lý kiểm tra các mối quan hệ nhân quả, vì lý do thực tế và đạo đức. Nhưng giờ đây, công trình của ba người chiến thắng này đã giúp các nhà kinh tế hiện đại sử dụng tốt hơn các thí nghiệm tự nhiên trong nghiên cứu lĩnh vực kinh tế học.
Peter Fredriksson, Chủ tịch hội đồng giải thưởng Nobel cho biết: “Đôi khi, bản chất hoặc chính sách thay đổi đưa ra các tình huống giống như các thí nghiệm ngẫu nhiên. Những người đoạt giải năm nay đã chỉ ra rằng, những thí nghiệm tự nhiên như vậy có thể giúp trả lời những câu hỏi quan trọng cho xã hội”.
Các quan chức ở Stockholm đã công bố những người đoạt Giải thưởng Nobel về Kinh tế năm 2021: David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens. Ảnh: @ Claudio Bresciani / TT News Agency.
Ông Card sinh năm 1956 tại Guelph, Canada và hiện là giáo sư tại Đại học California- Berkeley; Ông Angrist sinh năm 1960 tại Columbus, Ohio và hiện là giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts; và ông Imbens sinh ra ở Eindhoven, Hà Lan vào năm 1963 và là giáo sư tại Đại học Stanford (Mỹ). Thực tế, các giải Nobel Kinh tế trong quá khứ đã được thống trị bởi các cá nhân, tổ chức của Mỹ và kết quả lần này cũng không phải là ngoại lệ.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Kinh tế năm nay cho 3 nhà nghiên cứu trên, với 1/2 giải thuộc về ông David Card (Đại học California, Berkeley) vì những đóng góp thực tế của ông đối với chuyên ngành kinh tế học lao động.
Bằng thí nghiệm tự nhiên từ đầu những năm 1990, ông David Card đã phân tích các tác động của mức lương tối thiểu, nhập cư và giáo dục lên thị trường lao động.
Cụ thể, ông Card và các cộng sự đã xem xét mức tăng lương tối thiểu của New Jersey từ 4,25 đô la Mỹ lên 5,05 đô la một giờ. Sau đó, ông đã so sánh các nhà hàng trong tiểu bang và các nhà hàng lân cận phía đông Pennsylvania, và nhận thấy rằng không có sự sụt giảm việc làm tại các nhà hàng ở Pennsylvania dù New Jersey có mức lương tối thiểu cao hơn.
1/2 giải còn lại là phần thưởng chung của 2 chuyên gia kinh tế Joshua D. Angrist (Học viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge) và Guido W. Imbens (Đại học Stanford) vì công trình nghiên cứu khoa học liên quan tới phương pháp luận trong việc phân tích các mối tương quan giữa nguyên nhân và hệ quả trong lĩnh vực kinh tế.
Trong đó, cả hai đã phát triển khung lý thuyết giúp chỉ ra chính xác những kết luận về nguyên nhân và kết quả có thể được rút ra từ thí nghiệm tự nhiên. Bằng cách làm rõ các giả định cần thiết để thiết lập quan hệ nhân quả, khung lý thuyết này đã làm tăng tính minh bạch và độ tin cậy của nghiên cứu thực nghiệm. Khung lý thuyết đó đã được các nhà khoa học làm việc với dữ liệu quan sát áp dụng rộng rãi.
Guido W. Imbens nói trong cuộc gọi với các phóng viên ở Stockholm: “Tôi thực sự choáng váng khi nhận được một cuộc điện thoại, sau đó tôi vô cùng xúc động khi biết tin này, đồng thời cho biết thêm rằng ông rất xúc động khi được chia sẻ giải thưởng với người bạn tốt của mình là chuyên gia kinh tế Joshua D. Angrist.
David Card người Canada, Joshua Angrist người Mỹ gốc Israel và Guido Imbens người Mỹ gốc Hà Lan đã giành giải Nobel Kinh tế cho những hiểu biết sâu sắc về thị trường lao động và "các thí nghiệm tự nhiên”. Ảnh: @ Niklas Elmehed.
Peter Fredriksson, chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Kinh tế cho biết, David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens đã "hoàn toàn định hình lại việc thực nghiệm trong khoa học kinh tế; Ba người đoạt giải đã cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết mới về thị trường lao động, và chỉ ra những kết luận nào về nguyên nhân và kết quả có thể được rút ra từ các thí nghiệm tự nhiên; Phương pháp tiếp cận của họ đã được sử dụng trong các lĩnh vực khác và đã “cách mạng hóa nghiên cứu thực nghiệm”.
Peter Fredriksson còn nhận định, những người chiến thắng đã chỉ ra rằng các thí nghiệm tự nhiên trong khoa học kinh tế là một “nguồn kiến thức phong phú”.
Năm ngoái, các nhà kinh tế học của Đại học Stanford Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson đã được trao giải thưởng vì “những cải tiến đối với lý thuyết đấu giá và phát minh ra các hình thức đấu giá mới”.
Được biết, giải Nobel Kinh tế 2021 đi kèm với giải thưởng tiền mặt trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (1,1 triệu USD) và một huy chương vàng. Và Nobel Kinh tế 2021 là giải thứ 6 và cũng là giải cuối cùng được công bố trong mùa giải Nobel 2021. Chủ nhân của các giải thưởng Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình đã được công bố trong tuần trước.