Di sản để khai thác du lịch hay du lịch để bảo tồn di sản?
Tại sao phải 'bắt' di sản phục vụ du lịch mà không phải ngược lại?
Tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” được tổ chức gần đây tại Hà Nội, Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Trường đại học RMIT Việt Nam cho biết: Đa phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đánh giá về một đất nước tươi đẹp, nhưng rồi số lượng người quay trở lại vẫn ít. Điều này thể hiện qua con số tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam chỉ từ 25 - 30%. Trong khi đó, tỷ lệ ở Thái Lan là hơn 70%.
Thực ra, với những người quan tâm tới ngành du lịch, dịch vụ, các con số và thống kê này không mới. Bên cạnh các tiêu chi đánh giá ngành công nghiệp du lịch như du khách nội địa, du khách quốc tế, số ngày lưu trú hay số tiền chi tiêu thì lượng số người quay lại rất quan trọng. Nó biểu hiện được sức hấp dẫn, độ hứng thú khám phá, trải nghiệm của du khách với vùng đất họ đặt chân tới.
Nói tới du lịch là nói tới trải nghiệm – thứ trải nghiệm mà du khách không thể có khi không xê dịch. Người ta đi, tiêu tiền để phục vụ mục tiêu thỏa mãn tinh thần, trải nghiệm về vùng đất, văn hóa, tập quán mà không thể bắt gặp ở nơi nào khác. Một trong những điều thu hút mà nơi khác không có chính là di sản bản địa.
Hầu hết các chuyên gia về du lịch ở ta đều thống nhất một điểm sau: Du lịch chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Có rất nhiều kiến giải về vấn đề này. Một luận điểm thường xuyên được nhắc tới trong các nghiên cứu, phát biểu của chuyên gia về văn hóa, lịch sử, du lịch khi nói đến di sản văn hóa đều có một câu là: Di sản phải trở thành một sản phẩm văn hóa – du lịch để có thể khai thác, phục vụ du lịch...
Từ trước tới nay, các đặt vấn đề như vậy không sai. Nhưng tôi luôn có cảm giác ngờ ngợ về điều gì đó rất không ổn. Điều này đặt ra một câu hỏi ngược: Tại sao di sản phải trở thành một sản phẩm để có thể khai thác, phục vụ du lịch? Tại sao?
Tại sao phải “bắt” di sản phục vụ du lịch mà không phải ngược lại? Lẽ ra, du lịch hay bất cứ một hoạt động nào khác phải phục vụ cho sự bảo tồn giá trị của di sản mới là đúng.
Trên thực tế, khi chúng ta biến di sản phải trở thành một sản phẩm du lịch, thì cũng có nghĩa rằng dù muốn hay không thì di sản và những người sở hữu, thực hành nó sẽ “vô tình” phải thay đổi, mỗi ngày một chút, đến mức người ta không thể nhận ra được – Để chiều lòng du khách. Điều này không chỉ xảy ra với những người trực tiếp cung cấp dịch vụ, mà còn âm thầm len lỏi trong suy nghĩ của các “chuyên gia” và thậm chí các nhà quản lý khi đưa ra các quyết sách thúc đẩy du lịch.
Một ví dụ (dù có thể chưa điển hình) là tại nhiều khu vực có những trầm tích dày dặn về lịch sử, văn hóa đang dần biến đổi theo hướng “làm hài lòng du khách” Chúng ta hoàn toàn không khó khăn gì khi tới nhiều địa điểm ở Tây Bắc để nhìn thấy thiên nhiên bị bê tông hóa, không ít người lang thang mưu sinh đi khắp những nơi có khách du lịch để bán vài món đồ lưu niệm, đòi tiền khách khi chụp ảnh....
Nếu tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta sẽ còn thấy nhiều sự đau lòng khi văn hóa bản địa dần mai một, bị văn hóa của du khách phương xa xâm thực.
Những thứ “tiền tươi” đếm được từ du khách quan trọng thật, nhưng để ổn định, bền vững, gìn giữ chất được bản chất, bản địa, có lẽ chúng ta thật sự cần một cách tư duy mới khi dùng di sản để khai thác du lịch.