Di sản định cư - nguồn lực phát triển đô thị đặc thù ở Việt Nam

Trong phát triển kinh tế, di sản định cư được coi là 'món mới hấp dẫn'. Vậy nên từ nhà quản lý đô thị đến nhà tư bản trong ngành du lịch hay kinh doanh bất động sản… cần chia sẻ lợi quyền với cư dân bản địa vì đời sống của họ chính là nguồn lực rất lớn của chính quyền và các nhà đầu tư. Bàn về di sản định cư cần bắt đầu bằng sự định cư của con người.

Thôi đi lang thang

Các nhà khoa học cho rằng con người ngừng sống du mục vào khoảng 12.000 năm trước khi nông nghiệp thay thế hoàn toàn săn bắt hái lượm, vì quá trình chuyển đổi lối sống phải diễn ra hàng ngàn năm để họ học được cách trồng các loại cây khác nhau. Nông nghiệp ra đời cho nguồn thức ăn ổn định, dân số tăng, lao động chuyên môn hóa và hình thành các cộng đồng định cư đầu tiên.

Nhưng con người nguyên thủy đi lang thang trong rừng hay người hiện đại hôm nay trú tại tòa building cao chọc trời vẫn chưa bao giờ ngừng lấy của thiên nhiên từ thức ăn đến các nguyên liệu chế tạo súng đạn để giết nhau. Tình trạng biết ơn hay vô ơn của nó với bên cung cấp tài nguyên thường được gọi là “mối quan hệ với môi trường tự nhiên”. Và vốn không thể sống một mình, con người kết thành từng bầy: thị tộc, bộ lạc, bộ tộc, quốc gia... đối xử bình đẳng hay áp bức nhau, cũng gọi chung là “mối quan hệ giữa người với người”.

Tóm lại sự định cư gắn với sự ra đời của nông nghiệp, gồm nhiều thành viên chung sống trên một lãnh thổ được xác định, vận hành trong hai mối quan hệ căn bản: với thế giới tự nhiên và giữa họ với nhau. Nhưng nếu chỉ thế thì con người ngoài khả năng biết trồng trọt còn các tập tính kết bầy, lấy thức ăn từ tự nhiên, cắn xé hay hòa thuận với nhau chẳng “tiến hóa" nhiều lắm so với các loài khác ư? Nên sự định cư cần được xác lập toàn diện hơn để “con người được trở thành con người”.

Di sản thế giới thị trấn Rothenburg ob der Tauber (Đức). Nguồn: Getty Images

Di sản thế giới thị trấn Rothenburg ob der Tauber (Đức). Nguồn: Getty Images

Năm 1976 có định nghĩa:“Khu định cư con người là tổng thể của cộng đồng con người, dù là thành phố, thị trấn hay làng mạc - với tất cả các yếu tố xã hội, vật chất, tinh thần và văn hóa duy trì nó” (Tuyên bố Vancouver, Canada. Liên Hiệp Quốc). Không gian bao chứa tổng thể những hoạt động sống của con người với tất cả các vật liệu, các thành tố thiết chế tổ chức, tinh thần, văn hóa xã hội làm nên và duy trì nó, gồm:

a) Các thành phần vật chất: Nhà ở được xây dựng từ các vật liệu, kích thước khác nhau, để bảo vệ quyền sống riêng tư và cá tính của con người trong cộng đồng.

b) Cơ sở hạ tầng: Mạng lưới vật chất (đường sá, cầu cống, ga, cảng...) được thiết kế để cung cấp hàng hóa, năng luợng, thông tin, nơi trú ẩn… cho con người.

c) Các dịch vụ: Mọi sự cung ứng cho nhu cầu của cộng đồng để con người hoàn thiện các phẩm chất của nó, như: giáo dục, y tế, văn hóa, phúc lợi, giải trí và dinh dưỡng.

Nếu cứ tiếp tục lang thang thì loài người không có làng, không có phố. Nhưng dừng lại cùng nhau xây thành phố, sự định cư tạo ra các thành quả to lớn chứa rất nhiều nội dung mà không một ngành riêng lẻ nào có thể nghiên cứu nổi. Bởi vậy việc nghiên cứu định cư ngay từ đầu đã buộc phải liên ngành, trước hết từ nhận thức về những gì làm nên sự định cư của con người.

Thành phố cổ Bình Dao (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nguồn: Kienthuc.net.vn

Thành phố cổ Bình Dao (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nguồn: Kienthuc.net.vn

Nghiên cứu cái nó tạo ra

Năm 1976 Liên Hiệp Quốc tuyên bố: “Không có tiến bộ xã hội, không có tăng trưởng bền vững nếu không xây dựng được hệ thống mạng lưới các khu định cư hiệu quả” (Vancouver). Đúng thế, không thể có một quốc gia lành mạnh, no ấm, hạnh phúc... nếu không bao gồm những làng bản, thị trấn, thị xã, thành phố hạnh phúc.

Vậy để giúp các làng bản, thị trấn, thành phố... (gọi chung là các tổ chức định cư) phát triển lành mạnh, con người lại phải nghiên cứu những gì họ đã tạo nên để hiểu chúng đã hình thành, trải qua những gì, thành quả nào nổi bật, khó khăn nào đang chặn lối... Từ đó giúp nhìn rõ hiện trạng và xây dựng chiến lược phát triển, dẫn đường cho công tác quy hoạch sử dụng đất (đừng nhầm với các thuyết minh kinh tế, xã hội hời hợt ở ta thường làm phụ họa cho quy hoạch).

Tóm lại, công việc đó gọi là nghiên cứu định cư, một ngành khoa học phát triển ở nhiều quốc gia, châu lục, như Mỹ, châu Âu, châu Á (1)... đặc biệt nổi tiếng có Viện Nghiên cứu Định cư con người của Hàn Quốc (KRIHS) thành lập năm 1978, luôn đi đầu trong nghiên cứu, đề xuất tới 40% chính sách phát triển không gian lãnh thổ, quy hoạch đô thị, nông thôn cho nước này.

Thị trấn ở thung lũng Kathman (Nepal) thuộc loại di sản định cư của thế giới. Ảnh: nepalecoadventure.com

Thị trấn ở thung lũng Kathman (Nepal) thuộc loại di sản định cư của thế giới. Ảnh: nepalecoadventure.com

Người đầu tiên đặt nền móng cho ngành khoa học định cư là Constantinos A.Dioxiadis (1913 - 1975) một kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị người Hy Lạp. Ông đã đề xuất phương thức nghiên cứu có tên Ekistics (khái niệm ngụ ý về sự hiểu biết tương tác giữa và bên trong các nhóm người gắn với cơ sở hạ tầng, nghề nghiệp, nơi ở, các chức năng dịch vụ được kết hợp với môi trường tự nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng). Ông đưa ra 5 yếu tố như các thành phần cơ bản tạo ra tổ chức định cư con người, gồm:

1. Thiên nhiên: Bao gồm các tài nguyên thiên nhiên - môi trường cung cấp nền tảng và khuôn khổ cho các khu định cư của con người. Ví dụ: địa chất, địa hình, đất, nước, thực vật, động vật và khí hậu.

2. Nhân loại: Các nhu cầu sinh học, tâm lý và đạo đức của con người trong khu định cư. Ví dụ: các nhu cầu về thực phẩm, nơi ở, sức khỏe, giáo dục, văn hóa và đạo đức.

3. Xã hội: Bao gồm các khía cạnh xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa của các khu định cư. Ví dụ: dân số, cơ cấu xã hội, mô hình văn hóa, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, phúc lợi, luật pháp và hành chính.

4. Không gian vật chất bao chứa: Thể hiện môi trường xây dựng của các khu định cư. Ví dụ: các tòa nhà, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất (nhà ở, dịch vụ cộng đồng, trung tâm mua sắm, cơ sở giải trí, trung tâm dân sự kinh doanh, công nghiệp, giao thông...).

5. Mạng lưới: Các hệ thống kết nối các khu định cư của con người và cho phép trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thông tin và con người. Ví dụ: mạng lưới cấp nước, cấp điện, giao thông, thông tin liên lạc, thoát nước...

Các yếu tố này có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau. Mục đích của Ekistics là nghiên cứu và thiết kế các khu định cư của con người nhằm đạt được sự hài hòa giữa các yếu tố đó với cuộc sống của cư dân.

 Luxor, nằm ở phía Nam Ai Cập, là một “đô thị di sản” bởi hệ thống di tích lịch sử quý giá, mật độ dày đặc, quy mô hoành tráng... Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Luxor, nằm ở phía Nam Ai Cập, là một “đô thị di sản” bởi hệ thống di tích lịch sử quý giá, mật độ dày đặc, quy mô hoành tráng... Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Sự định cư nào cũng diễn ra tại một không gian lãnh thổ được xác định, đồng thời cũng diễn ra trong các khung thời gian cụ thể. Vì sự định cư yên ổn (giả định vậy) của con người có thể bị phá vỡ do:

1. Những biến cố thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng.

2. Chiến tranh, sự thay đổi thể chế chính trị, xã hội.

3. Cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi năng lượng. Với ý nghĩa rằng các sự kiện này đủ lớn để gây tác động đột biến cho tổ chức định cư.

Để mô tả, thể hiện các chức năng của một tổ chức định cư tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu khác nhau của mỗi ngành (quy hoạch, khảo cổ học...) các công cụ thường được sử dụng, gồm: Phân tích viễn thám và không gian địa lý (GIS) / Nghiên cứu dân tộc học có sự tham gia của các bên liên quan / Khảo sát bề mặt / Phân tích hiện vật và xác định niên đại… Những phương pháp này có thể được sử dụng kết hợp hoặc riêng biệt tùy thuộc vào mục tiêu truy vấn và nguồn lực nghiên cứu, tựu chung cung cấp những hiểu biết sâu sắc và bằng chứng có giá trị cho việc hoạch định, thực hiện các chiến lược, chính sách nhằm bảo tồn và quản lý phát triển các khu định cư hay khu di sản định cư.

Tóm lại, nghiên cứu định cư giúp hiểu cách con người thích nghi với môi trường tự nhiên, tạo nên các không gian chức năng và các mô hình kết nối cộng đồng con người, hiểu được sự phát triển của cấu trúc kinh tế, xã hội và chính trị cũng như sự tương tác của tổ chức định cư này với các nhóm và khu vực định cư khác. Đó là lĩnh vực nghiên cứu liên ngành địa lý, kiến trúc, lịch sử và xã hội học(2)

Sông Hương và Kinh thành Huế là giá trị cốt lõi của đô thị Huế. Ảnh: Nguyễn Phong

Sông Hương và Kinh thành Huế là giá trị cốt lõi của đô thị Huế. Ảnh: Nguyễn Phong

Sự định cư trở thành di sản

Sẽ có sự khác nhau giữa nghiên cứu định cư và di sản định cư, như: nghiên cứu định cư là nghiên cứu trạng thái/ thời gian thực của sự định cư nói chung, tình trạng hiện hữu của tổ chức định cư khi bắt đầu nghiên cứu nó. Còn nghiên cứu di sản định cư là nghiên cứu các yếu tố gốc, nền tảng chủ yếu hình thành từ thời kỳ tiền nông nghiệp, hoặc nông nghiệp đã làm nên sự tiếp tục định cư và sự thích nghi của tổ chức định cư đó trước những biến đổi lớn tác động trực tiếp vào nó.

Vậy sự định cư chỉ trở thành di sản khi người ta nhận ra các giá trị của nó qua các kết quả nghiên cứu. Ví dụ, để trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cần đạt được 1 trong 10 tiêu chí của UNESCO, trong đó tiêu chí (v) về di sản định cư: “Là một ví dụ nổi bật về một loại hình cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai, hay sử dụng biển, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường, đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ bị phá vỡ dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được”.

Hội An - Quảng Nam chẳng hạn, UNESCO đánh giá là “ví dụ nổi bật về một cảng thương mại truyền thống châu Á được bảo tồn tốt...” (tiêu chí v). Hoặc cũng UNESCO: “Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình là một thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú liên tục của người Việt cổ ở vùng karst đã nhiều lần bị biển xâm lấn và biến cải, thể hiện rõ rệt nhất quá trình tương tác và thích ứng của con người với môi trường tự nhiên đầy biến động...” (tiêu chí v).

Hội An được UNESCO đánh giá là “ví dụ nổi bật về một cảng thương mại truyền thống châu Á được bảo tồn tốt...”. Ảnh: Quý Hòa

Hội An được UNESCO đánh giá là “ví dụ nổi bật về một cảng thương mại truyền thống châu Á được bảo tồn tốt...”. Ảnh: Quý Hòa

Nói gọn, di sản định cư là thành quả đạt được của các mô hình cư trú nông thôn hay đô thị tại các vùng địa lý khác nhau, mà con người đã tạo dựng nên sự bền vững về vật chất, tinh thần để tổ chức cuộc sống của mình trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên và giữa họ với nhau qua thời gian.

Hội An và Tràng An đều có phần thuộc về di sản định cư, quan điểm về loại “di sản có người sinh sống” này được nhấn mạnh: không phải là một khái niệm cố định hay tĩnh tại mà là một khái niệm phức tạp, năng động, bao gồm nhiều khía cạnh chi phối bởi các bên liên quan, nó phụ thuộc vào bối cảnh và quan điểm cụ thể của từng khu vực di sản và cư dân ở đó.

Đồng thời quan điểm còn cho rằng di sản sống rất năng động, không ngừng phát triển, có thể đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững theo nhiều cách khác nhau. Các ví dụ thường được dẫn về loại di sản này như: thành phố cổ Bình Dao (Trung Quốc), di sản quốc gia Tiên phong Mặc Môn (Hoa Kỳ), thị trấn Rothenburg ob der Tauber (Đức), di sản thế giới Thung lũng Kathman (Nepal)… (3)

Tuy nhiên giới nghiên cứu cũng khuyến cáo loại di sản có người sinh sống rất dễ nảy sinh các nguy cơ làm thay đổi những cấu trúc di sản (ví dụ: mở đường giao thông lớn, xây nhà cao tầng...), cảnh báo các nhà quản lý phải phòng ngừa, ngăn chặn các yếu tố tiêu cực, chẳng hạn đô thị hóa, toàn cầu hóa, du lịch xâm lấn quá mức, môi trường bị thay đổi... có thể làm mất đi tính liên tục về lịch sử và văn hóa của khu vực di sản.

“Món mới” là tiếp cận cả hệ sinh thái định cư

Đại diện cho 5% GDP, chiếm 30% xuất khẩu dịch vụ thương mại của thế giới, giá trị hàng năm khoảng 1 nghìn tỷ USD… là những gì người ta nói về vai trò kinh tế của ngành du lịch hôm nay.

Sự tăng trưởng như không giới của ngành này có phần bắt đầu từ khi nó “bán sự trải nghiệm” chứ không chỉ sản phẩm hàng hóa (ví dụ: không chỉ bán cốc sữa bò, du khách còn được vắt sữa bò). Và thế là vô vàn loại hoạt động trong đời sống con người đã trở thành “món mới” cho du khách, từ khám phá nông nghiệp hữu cơ đến tham gia nấu nướng, từ thăm làng gốm đến thử sức tự tay làm gốm, rồi hái trái cây, mò cua bắt ốc, thu hoạch lúa…

Những "công nhân chèo đò” trong Quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) vốn là những nông dân “đẻ ra đã biết nghề”. Ảnh: Trần Trung Chính

Những "công nhân chèo đò” trong Quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) vốn là những nông dân “đẻ ra đã biết nghề”. Ảnh: Trần Trung Chính

Khái quát, đó chính là các hoạt động thuộc về di sản định cư và với tổng nguồn lực của nó trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào kinh doanh đã giúp ngành du lịch tạo ra chuỗi các sản phẩm chứ không chỉ bán từng sản phẩm riêng lẻ.

Ví dụ, du khách đến đô thị cổ Hội An không chỉ thăm “một bảo tàng kiến trúc”, mà còn được mua sắm các sản phẩm lụa tơ tằm của làng lụa Hội An, được tự hái dâu, dệt lụa, được “may nóng” đồ (may siêu nhanh)... Vì ngành dệt ở đây đã có tới hơn 300 năm tuổi và năng lực may cũng bắt nguồn từ xa xưa, cả hai đều thuộc về lịch sử định cư của con người vùng đất này.

Cũng theo quan điểm đó thì ẩm thực, phong tục, lối sống... thấy tất thảy thuộc phạm trù di sản định cư, thuộc về con người bản địa với tất cả những gì họ dần dần tạo nên qua lịch sử cư trú, là cách tiếp cận cả “hệ sinh thái định cư”, tài sản lớn nhất của các đô thị này. Nên thêm một lần nói ra điều hiển nhiên đó để chia sẻ với các nhà quản lý, nhà tư bản trong ngành du lịch hay kinh doanh bất động sản rằng để bán được nhiều hơn các “món mới /sự trải nghiệm” ấy thì cần chia sẻ lợi quyền với cư dân bản địa vì đời sống của họ chính là nguồn lợi cho chính quyền thu thuế, cho nhà đầu tư sinh lời.

Chủ doanh nghiệp Khu du lịch Tràng An - Ninh Bình “khôn khéo” chia sẻ nguồn lợi bằng cách chia cho 3.600 hộ dân sống trong vùng di sản được quyền có 3.600 chiếc đò chở khách trên 3 tuyến tham quan trên mặt nước. Ảnh: CTV

Chủ doanh nghiệp Khu du lịch Tràng An - Ninh Bình “khôn khéo” chia sẻ nguồn lợi bằng cách chia cho 3.600 hộ dân sống trong vùng di sản được quyền có 3.600 chiếc đò chở khách trên 3 tuyến tham quan trên mặt nước. Ảnh: CTV

Là điều mà một chủ doanh nghiệp Khu du lịch Tràng An - Ninh Bình “khôn khéo” áp dụng bằng cách chia cho 3.600 hộ dân sống trong vùng di sản được quyền có 3.600 chiếc đò chở khách trên 3 tuyến tham quan trên mặt nước. Tất nhiên dân cảm ơn ông ta vì có việc làm, không phải bỏ quê tha hương mưu sinh; ông chủ cũng “cảm ơn nhân dân” vì tận dụng được “truyền thống chèo đò từ lúc mới đẻ” của những người sống trong vùng nước sâu, mà ông ta không phải bỏ đồng xu nào chi phí đào tạo công nhân bơi chèo. Thêm nữa, do việc làm được tạo ra tại không gian định cư truyền thống, những người chèo đò ấy sẽ cùng bảo vệ môi trường thiên nhiên vì đó cũng là môi trường sinh kế của họ.

Tất nhiên việc nghiên cứu và kế thừa di sản định cư không chỉ giới hạn trong việc tìm kiếm tiền bạc cho nghành du lịch hay các đô thị du lịch mà chủ yếu nó giúp hoạch định, xây dựng các mô hình định cư tại chỗ. Nghiên cứu để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản định cư như một hệ sinh thái do con người trải hàng trăm năm xây nền văn minh cho mình, vì thế thông thái hơn các ông bà hôm nay đang tập làm quy hoạch.

Mục tiêu lớn nhất của nghiên cứu định cư là kiến tạo được hệ thống đô thị tại chỗ, bằng các nguồn lực tại chỗ, để “Nông dân tiếp tục gắn bó với đất đai và cộng đồng của họ; tự chủ và độc lập trong cuộc sống - sản xuất; được sống ở môi trường thiên nhiên nông thôn trong lành tốt cho sức khỏe; duy trì và phát triển các giá trị văn hóa và phong tục cổ truyền; gắn bó với gia đình, chăm sóc người già và con cái (4). Các giá trị đó rất cần được đề cao trong bối cảnh hàng triệu nông dân “người người lớp lớp” đã, đang và sẽ tiếp tục phải di cư vào đô thị để kiếm sống.

Trần Trung Chính

________________

Tham khảo và lược trích:
(1) Nghiên cứu định cư con người được thực hiện ở Mỹ (Urban Institute), châu Âu (Institute for Housing and Urban Research - IBF), châu Á (Institute for Urban Science and Planning - IUSP)…
(2) https://www.britannica.com/topic/ekistics
(3) Theo Gamini Wijesuriya, Living Heritage. 2018, và Công ước UNESCO năm 2005 về Bảo vệ và Phát huy tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa;
(4) Theo Jane Jacobs (Canada, 1916 - 2006)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/di-san-dinh-cu-nguon-luc-phat-trien-do-thi-dac-thu-o-viet-nam-43575.html