Di sản độc lập, tự chủ và đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn chuyên gia Campuchia
Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại mang tính phổ quát, vượt thời đại và vẹn nguyên tính thời sự.

Ông Uch Leang - Chủ tịch CAVA, quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia thuộc RAC. Ảnh tư liệu: Quang Anh/TTXVN
Dành trọn cuộc đời phụng sự đất nước và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế - đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", khẳng định di sản mà Người để lại mang tính phổ quát, vượt thời đại và vẹn nguyên tính thời sự. Trong đó, tiêu biểu là di sản về tinh thần độc lập, tự chủ và đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam trân trọng khắc ghi, gìn giữ và phát huy, trong các giai đoạn đấu tranh giành độc lập, thống nhất dân tộc, cũng như công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh xoay quanh chủ đề trên, ông Uch Leang, Chủ tịch Hội cựu Sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam (CAVA), quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh tụ, nhà ngoại giao lỗi lạc, cũng là người kiến tạo, sáng lập nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Trong vai trò nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng lãnh đạo công tác đối ngoại và đoàn kết quốc tế nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho đất nước, tranh thủ sự ủng hộ của các nước và nhân dân thế giới cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam.
Theo Chủ tịch CAVA, trên cơ sở truyền thống và thực tiễn chính sách đối ngoại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra, xây dựng và phát triển nhiều nguyên tắc, quan điểm, hệ thống lý luận mang tính thời đại về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tư tưởng độc lập, tự chủ trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hàm chứa ý nghĩa sâu sắc về tình yêu thương, niềm tin và sự thịnh vượng trong mọi hoạt động đối ngoại đó đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt của Việt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến hôm nay. Ông nhận định: “Đến thời điểm này, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì và thực hiện thành công di sản đó, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu như chúng ta thấy hôm nay”.
Dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuyên gia thuộc RAC cho rằng tinh thần đại đoàn kết và thống nhất dân tộc chính là nội dung cốt lõi, trở thành một dấu ấn, điểm nhấn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng ở đất nước Việt Nam. Và di sản đó tiếp tục được kế thừa, phát huy cho đến hôm nay, cũng như mai sau.
Trên tinh thần đó, chuyên gia người Campuchia cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tiếp thu và thực hiện thành công những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình lãnh đạo đất nước và nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như tiến trình cải cách đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc nhằm hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ông nêu rõ: “Ở thời điểm hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đang đi trên con đường đó, hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Đề cập đến hai cột mốc quan trọng được xác định cho tầm nhìn và mục tiêu phát triển của quốc gia láng giềng trong những thập niên tới, chuyên gia người Campuchia lưu ý rằng đó là những dấu mốc có ý nghĩa lịch sử gắn liền với tên tuổi của “Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam" như UNESCO đã vinh danh.
Theo ông Uch Leang, năm 2030 là dấu mốc kỷ niệm tròn 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tôi luyện và trưởng thành. Trong khi đó, năm 2045 cũng là dấu mốc kỷ niệm tròn 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử, chính thức tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Từ góc nhìn đó, Chủ tịch CAVA nhấn mạnh: “Đó là sự kế thừa và phát huy thành công tư tưởng, cũng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một quốc gia thống nhất theo tinh thần “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.