Di sản không đơn giản của ông Donald Trump
Ông Donald Trump là tổng thống Mỹ gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại. Một số ý kiến xem ông là người cứu rỗi của một nền dân chủ đang chùn bước, số khác lại xem ông là mối đe dọa của nền dân chủ này.
Ông Donald Trump là tổng thống Mỹ gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại. Một số xem ông là người cứu rỗi của một nền dân chủ đang chùn bước, số khác lại xem ông là mối đe dọa của nền dân chủ này.
Trong 4 năm cầm quyền, ông Trump đạt được nhiều thành tựu hơn so với 8 năm của phần lớn người tiền nhiệm nhằm chuyển hướng kế hoạch chuẩn bị cho quân đội Mỹ. Càng phi thường hơn khi ông đạt được thành tựu này trong bối cảnh nước Mỹ đang trong thời bình. Dù yêu hay ghét, chúng ta không thể phủ nhận di sản to lớn của ông trong lĩnh vực quân sự.
Ông Trump là tổng thống đầu tiên trong nhiều thập kỷ không kéo Mỹ vào những xung đột quân sự nước ngoài. Ông có chung "sự ác cảm về chiến tranh" với người tiền nhiệm Barack Obama nhưng cần lưu ý rằng ông Obama từng triển khai thêm binh sĩ đến Afghanistan (2009), can thiệp vào Libya (2011), điều quân trở lại Iraq (2014) và can dự nội chiến Syria (2014).
Ông Trump nghiêng về sử dụng những biện pháp khác, chẳng hạn trừng phạt kinh tế, để giải quyết các mối đe dọa – kể cả khi chúng gần Mỹ, như trường hợp của Venezuela hoặc một mối hiểm nguy đối với an ninh khu vực, như trường hợp của Iran. Do đó, ông Trump đã mang lại 4 năm tương đối hòa bình cho quân đội Mỹ để họ tái thiết từ hàng loạt cuộc chiến.
Ông Trump thay đổi mạnh mẽ chiến lược quốc phòng Mỹ, lấy cạnh tranh cường quốc – thay vì chống khủng bố - làm trọng tâm của kế hoạch ứng phó quân sự. Mặc dù Nga thường được xem là đối thủ "ngang tầm" với quân đội Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã đúng khi nhận ra rằng chiến lược mới chủ yếu nhắm vào "Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc".
Bắc Kinh sẽ là mục tiêu trung tâm trong kế hoạch chuẩn bị của quân đội Mỹ trong tương lai gần, với những thách thức đến từ Bắc Kinh là nguyên nhân chủ yếu khiến Washington phát triển vũ khí mới.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu đồng minh gia tăng chi phí quốc phòng. Ông Trump tiến thêm một bước, cảnh báo những quốc gia như Đức và Hàn Quốc rằng nếu họ không gia tăng chi phí an ninh chung, Mỹ sẽ ngừng bảo vệ họ. Lời đe dọa này bao gồm kịch bản Washington ngưng cung cấp "chiếc ô" hạt nhân cho cái gọi là chiến lược răn đe mở rộng.
Ông Trump cho rằng Mỹ gánh chịu chi phí và rủi ro lớn cho các nước nhưng họ thường không đáp lại, làm dấy lên hoài nghi về giá trị của các mối quan hệ đồng minh lâu dài. Tân Tổng thống Joe Biden không nghĩ vậy nhưng một khi sự hoài nghi đã xuất hiện, xây dựng lại niềm tin chung không phải là chuyện dễ.
Ông Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 bằng lời kêu gọi hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược quốc gia - đặc biệt là tên lửa trên biển, tên lửa trên đất liền và máy bay ném bom tầm xa, nhằm thực hiện triết lý "duy trì hòa bình bằng sức mạnh".
Chính quyền ông Trump thừa kế và tích cực rót ngân sách vào kế hoạch hiện đại hóa năng lực răn đe hạt nhân của chính quyền ông Obama mà không thể hiện bất cứ sự do dự nào như người tiền nhiệm. Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump còn triển khai đợt hiện đại hóa quy mô lớn đầu tiên dành cho hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Trong 4 năm cầm quyền của ông Trump, chi tiêu quốc phòng tăng thêm 20%, song nguồn tiền này không được phân bổ ngang bằng, khi phần lớn nhất dành cho nỗ lực nghiên cứu và phát triển. So với đợt yêu cầu duyệt chi quốc phòng cuối cùng của chính quyền ông Obama, ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển trong đợt yêu cầu cuối cùng của chính quyền ông Trump tăng thêm 49%.
Điều này cho phép cả 3 đơn vị của Bộ Quốc phòng Mỹ - gồm lục quân, hải quân và không quân - phát triển vũ khí thế hệ mới trong lúc tích cực theo đuổi những công nghệ đột phá, như tàu ngầm không người lái và vũ khí siêu thanh, giúp họ đi trước các nước đối đầu như Trung Quốc nhiều năm.
Một điểm đặc biệt trong chiến lược quốc phòng dưới thời ông Trump là sự nhìn nhận rằng các lực lượng Mỹ sẽ phải tiến hành các chiến dịch tương lai trên 5 mặt trận riêng biệt: trên không, trên đất liền, trên biển, trong vũ trụ và không gian mạng. Hơn bao giờ hết, các lực lượng Mỹ phát triển học thuyết cùng các mạng lưới giúp họ phối hợp trên 5 mặt trận một cách hiệu quả nhất.
Chẳng hạn, một mối đe dọa đến từ trên không có thể bị hệ thống cảm biến của hải quân phát hiện nhưng lại bị ngăn chặn bởi vũ khí của không quân. Sự phối hợp này đã được bàn bạc trong nhiều năm nhưng dưới thời của ông Trump, ngân sách và động lực dành cho nó mới thực sự đáng chú ý.
Vũ trụ là mặt trận tác chiến mà ưu thế vượt trội của quân đội Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng nhất khi ông Trump nhậm chức. Vào thời điểm đó, quân đội và phần còn lại của xã hội Mỹ phụ thuộc nặng nề vào các trang thiết bị được đưa lên quỹ đạo, như hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hệ thống vệ tinh tình báo địa không gian, trong khi Trung Quốc và Nga phát triển hàng loạt phương pháp nhằm vô hiệu hóa năng lực không gian của Mỹ để đối phó với kịch bản xung đột vũ trang.
Chính quyền ông Trump triển khai hàng loạt chương trình mới nhằm củng cố năng lực không gian (phần nhiều trong số này không được công bố). Tuy nhiên, họ còn làm điều chưa từng có tiền lệ: thành lập Lực lượng Không gian. Lực lượng này vẫn thuộc Bộ Không quân Mỹ, song mặt trận vũ trụ hiện đã có một tiếng nói mạnh mẽ trong các hội đồng quân sự - điều chưa từng có trước thời của ông Trump.
Một trong những chuyển biến khác thường nhất dưới thời ông Trump là sự kết hợp thỏa thuận mua bán vũ khí của Lầu Năm Góc với các khía cạnh khác của chính sách kinh tế quốc gia. Quá trình này dù chưa hoàn thiện nhưng đã được triển khai ở mức độ cao hơn nhiều so với các chính quyền trước đó.
Dưới triều đại của ông Trump, việc buôn bán và phát triển vũ khí được xem là yếu tố bổ sung dành cho một chính sách công nghiệp mới nổi nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong sản xuất và nghiên cứu khoa học.
Hướng tiếp cận này gợi lại giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh, khi các nhà nghiên cứu quân sự giúp tạo ra những "kỳ quan", như internet và máy tính kỹ thuật số. Đây cũng là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho việc chính quyền ông Trump xem Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế lẫn quân sự.
Thực hiện:
Cao Lực - Lê Duy