Kế hoạch giải cứu Sa hoàng Nga Nikolai II của Tình báo Anh

Theo tài liệu của các cơ quan Tình báo Anh và Hoàng gia Anh vừa được giải mật gần đây, sau Cách mạng Nga tháng 2/1917, Tình báo Anh đã chuẩn bị một số kế hoạch giải cứu Sa hoàng thoái vị Nikolai II và gia đình ông. Tuy nhiên, chính phủ Vương quốc Anh và Vua George V không đủ quyết tâm để thực hiện chiến dịch này.

Vừa là họ hàng vừa là đồng minh

Các cuộc thảo luận về khả năng sơ tán Sa hoàng Nikolai II ra khỏi Nga bắt đầu gần như ngay lập tức sau khi ông thoái vị vào ngày 2/3/1917. Ngày 19/3, Tướng Anh John Hanbury-Williams đã gặp bà Maria Fyodorovna, thân mẫu của Sa hoàng Nikolai II.

Sở dĩ có sự quan tâm như vậy của Vương quốc Anh đối với gia đình Romanov là vì Vua George V là anh họ của cả Sa hoàng Nikolai II và vợ ông, Hoàng hậu Alexandra. Thêm vào đó, Vương quốc Anh và đế quốc Nga là đồng minh trong Thế chiến thứ nhất.

Sa hoàng Nikolai II.

Sa hoàng Nikolai II.

Tướng John Hanbury-Williams và Maria Fyodorovna cho rằng Sa hoàng thoái vị phải rời khỏi Nga càng sớm càng tốt. Sinh ra tại Copenhagen và trước khi kết hôn mang tước hiệu công chúa Đan Mạch, Maria Fyodorovna ủng hộ việc đưa con trai bà tới Đan Mạch. Bà lo ngại rằng nếu đi bằng đường biển, tàu chở Nikolai II có thể bị tàu ngầm Đức đánh chìm. Tướng John Hanbury-Williams trấn an Maria Fyodorovna rằng ông có thể đảm bảo an toàn cho Sa hoàng. Ông thậm chí còn đề nghị tự mình hộ tống gia đình Romanov suốt quãng đường qua lãnh thổ Nga đến tận cầu tàu. Maria Fyodorovna đồng ý. Đại sứ Anh tại Nga, George Buchanan, bắt đầu các cuộc đàm phán với đại diện của Chính phủ lâm thời Nga về các phương án di tản.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại. Thứ nhất, cần phải thuyết phục Nikolai II, vì trong nhật ký của mình, ông viết rằng muốn sống quãng đời còn lại ở Crimea. Thứ hai, cần phải được London chính thức xác nhận về việc tiến hành chiến dịch. Và thứ ba, phải bảo đảm an toàn cho gia đình Romanov.

Kế hoạch thứ nhất: Bị nhà vua phản đối

Trong khi các chính trị gia đang tiến hành đàm phán, các nhà tình báo Anh đã bắt tay vào cuộc. Kế hoạch thứ nhất do sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh Oliver Locker-Lampson chuẩn bị. Ông là Tư lệnh Sư đoàn thiết giáp kiêm thành viên của Quốc hội Anh. Năm 1916, sư đoàn của Locker-Lampson đồn trú ở Nga. Theo hồi ức của Locker-Lampson, năm 1918, ông được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch giải cứu Sa hoàng Nikolai II.

Đến lúc này, Locker-Lampson đã tuyển mộ được một người hầu làm việc tại Cung điện Alexander - nơi gia đình Hoàng gia bị quản thúc sau khi Sa hoàng thoái vị. Theo kế hoạch tình báo, vào ngày đã định, một người hầu sẽ đến cạo râu Sa hoàng Nikolai II, đổi quần áo với ông và gắn bộ râu giả cho mình, giống hệt bộ râu của Sa hoàng vừa thoái vị.

Sau đó, Nikolai II phải bình tĩnh rời khỏi cung điện và đi đến nơi chiếc xe của các điệp viên Anh đang chờ sẵn. Tiếp theo, ông sẽ được xe bọc thép đưa đến Arkhangelsk dưới sự bảo vệ của quân đội Anh và từ đó ông được đưa sang London.

Thoạt nhìn, kế hoạch này có vẻ ngây ngô. Tuy nhiên, Locker-Lampson là người thực hiện các chiến dịch di tản tài ba và may mắn. Năm 1933, ông đã giúp nhà khoa học Albert Einstein thoát khỏi sự truy đuổi của phát xít Đức, và năm 1936, ông đưa Cựu Hoàng Ethiopia Haile Selassie sang Anh để không rơi vào tay nhà độc tài Benito Mussolini của Ý. Trong Thế chiến II, Locker-Lampson đã giúp hàng chục gia đình Do Thái chạy trốn Đức Quốc xã.

Sĩ quan Hải quân Oliver Locker-Lampson.

Sĩ quan Hải quân Oliver Locker-Lampson.

Kế hoạch của viên sĩ quan có một điểm yếu - nó chỉ nghĩ đến việc giải cứu Nikolai II. Trong khi, Sa hoàng thoái vị nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ không rời nước Nga mà không có gia đình.

Tuy nhiên, vào giai đoạn này, vấn đề chính lại nằm ở chỗ khác: cần phải nhận được sự chấp thuận của London và cử một chiến hạm đến Nga để di tản gia đình Romanov. Thời gian đang chống lại cả gia đình Hoàng gia lẫn các điệp viên. Tướng Hanbury-Williams đã gửi hàng loạt điện tín khẩn về Anh, nhưng không nhận được hồi âm.

Các bức điện của Tướng Hanbury-Williams vẫn đến địa chỉ Phố Downing, nhưng chính phủ không vội vã quyết định. Huân tước Stamfordham, thư ký của Vua, viết rằng Thủ tướng Lloyd George rất quan tâm đến việc Nikolai II sẽ sống bằng tiền của ai khi ở Anh. Thế chiến thứ nhất đã làm cạn kiệt ngân sách của Anh, và có vẻ như Thủ tướng không hứng thú với viễn cảnh gia tăng gánh nặng cho ngân khố quốc gia.

Chính phủ lâm thời Nga đã nhiều lần yêu cầu London cung cấp nơi cư trú cho gia đình Hoàng gia ít nhất là trong thời gian chiến tranh. Lloyd George giữ im lặng một thời gian dài, nhưng Moscow vẫn là đồng minh quan trọng của London trong Thế chiến thứ nhất, và điều này rất quan trọng đối với Thủ tướng. Cuối cùng, chính phủ đã chính thức mời Nikolai II và gia đình sang London.

Tuy nhiên, lúc này Vua George V lại phản đối. Thư ký của Vua viết rằng khi nghe tin về quyết định của Chính phủ, ông "rơi vào hoảng loạn". Vấn đề ở chỗ, George V ngày càng nhận được nhiều thông tin cho rằng các thành phần trong xã hội Anh đón nhận việc di tản gia đình Romanov sang Anh theo hướng tiêu cực.

Mọi người lo ngại không chỉ về Nikolai II mà còn về Hoàng hậu Alexandra, một người gốc Đức. Sau khi kết hôn với Nikolai II, công chúa Đức đã chuyển sang Chính thống giáo và rất yêu nước Nga. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có những tin đồn rằng bà bí mật ủng hộ Đức và có thể đang làm gián điệp cho nước này.

Tướng John Hanbury-Williams.

Tướng John Hanbury-Williams.

Kế hoạch thứ hai: Ảo tưởng

Song song với việc chuẩn bị các kế hoạch di tản gia đình Romanov, các điệp viên Anh tìm cách làm suy yếu hoặc lật đổ chính quyền Bolshevik.

"Một cuộc tấn công quy mô lớn là cách duy nhất có thể cứu vãn tình hình và nước Nga", - Trung úy Hải quân Anh, Francis Cromie thông báo cho London.

Cùng với điệp viên huyền thoại Sidney Reilly, tình báo Anh tạo điều kiện cho các binh đoàn của phe Đồng Minh đổ bộ vào Nga. Trưởng phái đoàn Ngoại giao Anh tại Chính phủ Liên Xô, Robert Bruce Lockhart, ban đầu tìm cách ngăn chặn kế hoạch này, nhưng khi nhận thấy không thể tránh khỏi sự can thiệp vũ trang, đã phải chấp nhận.

Đồng thời, các điệp viên Anh cũng đã giúp đỡ các đảng viên xã hội-cách mạng (eser) và những người theo chủ nghĩa quân chủ Nga tổ chức một cuộc nổi dậy chống lại những người Bolshevik ở tỉnh Arkhangelsk. Có giả thuyết cho rằng người Anh đã tổ chức ám sát Lenin, nhưng kết quả điều tra nhiều năm cho thấy giả thuyết này không có căn cứ.

Thủ tướng Anh Lloyd George.

Thủ tướng Anh Lloyd George.

Kế hoạch thứ ba: tuyệt vọng

Đến tháng 8/1917, cơ hội giải cứu gia đình Romanov đã giảm đi đáng kể. Cố gắng bằng cách nào đó đảm bảo an toàn cho vị Hoàng đế thoái vị, Chính phủ lâm thời Nga đã đưa ông khỏi Saint Petersburg đang trong tình trạng hỗn loạn, đến thành phố Tobolsk ở tỉnh Tyumen. Điều này khiến cho nhiệm vụ của các quân nhân và điệp viên Anh thêm khó khăn. Bây giờ để gặp được gia đình Sa hoàng, họ phải vượt hàng nghìn cây số trên những con đường lầy lội của nước Nga. Tuy nhiên, các sĩ quan không nản chí.

Giám đốc đầu tiên của Cơ quan tình báo Anh, Mansfield Cumming, bắt đầu xây dựng các kế hoạch mới giải cứu gia đình Romanov. Lần này, họ dựa vào các doanh nhân và nhà thám hiểm người Na Uy. Được biết, tình báo Anh đã nhờ nhà thám hiểm Bắc Cực Fridtjof Nansen giúp đỡ, vì ông không chỉ biết rõ các con đường chính ở Siberia mà còn các tuyến đường thủy trên sông Yenisei, điều này rất hữu ích trong việc di tản Nikolai II. Các quan chức Anh cũng mời thương gia Jonas Lied tham gia xây dựng các kế hoạch mới. Là người đại diện cho các công ty Na Uy trong ngành công nghiệp gỗ và khai thác than, ông thường xuyên qua lại Siberia.

Có rất ít thông tin về sự tham gia của Lied và Nansen vào kế hoạch này. Chỉ biết rằng Lied đã nhiều lần dùng bữa với các đại diện của Cơ quan Tình báo Anh và với người đứng đầu tình báo Hải quân Anh.

Còn một người nữa tham gia kế hoạch mới giải cứu Sa hoàng Nga thoái vị là đại úy tình báo Stefan Elli. Ông nói tiếng Nga thành thạo, vì gia đình ông đã sống ở Nga từ những năm 1870. Elli là một trong số ít người Anh vẫn tiếp tục làm việc ở Nga ngay cả sau khi Đại sứ quán Anh di tản vào cuối năm 1917.

Nhiều chi tiết về nhiệm vụ của Elli vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, năm 2006, những người thân đã tìm được cuốn sổ tay của ông. Trên một trang trong cuốn sổ, họ nhìn thấy một bản đồ vẽ tay khu vực gần nhà của thương gia Ipatiev ở Yekaterinburg, nơi vào mùa xuân năm 1918, Nikolai II bị giam giữ, kèm với mô tả ngôi nhà này.

Theo các tài liệu đã được giải mật, ngày 24/5/1918, Elli đã gửi báo cáo về London nói rằng đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch, trong đó "7 nhân vật quan trọng" có thể được đưa đến Murmansk. Trong báo cáo, ông kể tên 6 người sẽ tham gia chiến dịch. Elli lưu ý rằng tất cả họ đều thông thạo tiếng Nga và có thể đóng giả là người dân địa phương. Các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng kế hoạch này không thể thực hiện được, nếu thiếu sự chấp thuận trước của chính phủ Anh và Vua George V.

Vua George V.

Vua George V.

Ngoài ba kế hoạch nói trên, các tài liệu mới được giải mật cũng tiết lộ về kế hoạch giải cứu gia đình Romanov của tình báo Đức. Về mặt kỹ thuật, người Đức có cơ hội thực hiện điều đó, vì một số lượng lớn quân đội và vũ khí của họ đã có mặt trên lãnh thổ Nga do tham gia vào Thế giới thứ nhất. Hơn nữa, Hoàng đế Đức Wilhelm II là cha đỡ đầu của Thái tử Aleksei và thực sự muốn cứu cậu bé.

Nhà nghiên cứu các triều đại hoàng gia châu Âu Karina Urbach xác nhận rằng các cơ quan tình báo Đức có ý định bắt cóc Nikolai Romanov. Theo Urbach, sau khi những người Bolshevik lên nắm quyền ở Nga, chính Đức là quốc gia có điều kiện thuận lợi nhất để đưa gia đình Romanov ra khỏi Nga.

Berlin có thể thực hiện điều đó với sự trợ giúp của các điệp viên Đức, hoặc thông qua con đường ngoại giao. Các nhà nghiên cứu cho rằng Đức có thể đưa vấn đề "trao trả" gia đình Romanov như một trong những điều kiện ký kết hiệp định hòa bình với những người Bolshevik.

Lần cuối cùng, các nhà ngoại giao Anh thảo luận về kế hoạch di tản gia đình Sa hoàng vào tháng 5/1918. Họ kết luận rằng chỉ có thể đưa Nikolai II rời khỏi nước Nga qua tỉnh Murmansk ở phía bắc. Tuy nhiên, nếu sử dụng lính Anh để bảo vệ, có thể gia đình Hoàng gia gặp nguy hiểm dọc đường. Nghĩa là, sự can thiệp của người Anh chỉ có thể làm hại thêm những người mà họ đang tìm cách giải cứu.

Cuối cùng, tình báo Anh không thể cứu được Sa hoàng Nikolai II và gia đình ông. Ngày 17/7/1918, Nikolai II cùng vợ, các con và người hầu đã bị xử bắn tại Yekaterinburg.

Anh Duy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ke-hoach-giai-cuu-sa-hoang-nga-nikolai-ii-cua-tinh-bao-anh-i753093/