Di sản quý báu thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hong Kong

Dòng thời gian mải miết chảy, những năm tháng cũ dần lùi xa, nhưng những câu chuyện về quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hong Kong (Trung Quốc) cùng nhân cách và lý tưởng cao cả của Người sẽ mãi là những di sản vô cùng quý báu, tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung và Việt Nam với Hong Kong nói riêng.

Tiến sỹ Tôn Văn Bân, Giám đốc Trung tâm Biên niên sử Hong Kong. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Tiến sỹ Tôn Văn Bân, Giám đốc Trung tâm Biên niên sử Hong Kong. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hong Kong nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), Tiến sỹ Tôn Văn Bân, Giám đốc Trung tâm Biên niên sử Hong Kong, nhớ lại Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ rất sớm đã trở thành nhà cách mạng hoạt động rất tích cực tại Pháp vào những năm 1920 của thế kỷ trước và cũng tại đây, Người đã quen biết và có mối quan hệ gắn bó với một số thanh niên yêu nước Trung Quốc cũng đang du học tại đây như Tiêu Tam, Chu Ân Lai và Lý Phú Xuân.

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian từ năm 1924 - 1927 cũng đã có quá trình hoạt động, đồng cam cộng khổ với một số lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng Châu. Tại đây, dưới sự ủng hộ và giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước hoàn thành công tác chuẩn bị cả về lý luận, lực lượng và tổ chức để sau đó chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hong Kong vào ngày 3/2/1930.

Mối quan hệ thân thiết, chân thành giữa những người cộng sản hai nước sau đó ngày càng được vun đắp và tăng cường, đặc biệt sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (ngày 1/10/1949) và trong suốt thời gian kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Khi đó, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục xuất hiện trên Nhân dân Nhật báo và một số tờ báo lớn của Trung Quốc, nhiều người dân Trung Quốc cũng thân mật gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ.

Tiến sĩ Tôn Văn Bân nhấn mạnh, trên cơ sở lịch sử quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện ý nghĩa về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hong Kong sẽ là cơ sở vững chắc để các bên tiếp tục tăng cường hợp tác, hiện thực hóa mục tiêu cùng phát triển, mang lại cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc hơn nữa cho người dân.

Từ ngày 6/1 - 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Từ ngày 6/1 - 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Nhiều năm trước, Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc (người chuyên nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh), cũng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ kiệt xuất của Việt Nam, mà còn là người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc. Hồ Chí Minh có một tình cảm hữu nghị và sâu đậm với nhân dân Trung Quốc. Ngược lại, nhân dân Trung Quốc cũng vô cùng yêu mến, kính trọng và mãi tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong nhiều thời khắc cam go của cuộc cách mạng tại hai nước, Hồ Chí Minh và nhân dân Trung Quốc đồng cam cộng khổ và luôn sát cánh bên nhau. Những cơ sở và di tích liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh tại Trung Quốc luôn được chính quyền và người dân sở tại làm tốt công tác gìn giữ và bảo tồn để lưu lại cho các thế hệ mai sau. Đây chính là một trong những biểu tượng và minh chứng cho tình cảm hữu nghị truyền thống và quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt - Trung trong cả hiện tại và tương lai.

Nhà nghiên cứu Lý Minh Hán giới thiệu về phố Tam Kung, Cửu Long, Hong Kong, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống vào đầu những năm 1930. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Nhà nghiên cứu Lý Minh Hán giới thiệu về phố Tam Kung, Cửu Long, Hong Kong, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống vào đầu những năm 1930. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Là một nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng làm cố vấn bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong", ông Lý Minh Hán tâm đắc cho biết, một trong những di sản vô cùng quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại tại Hong Kong chính là nhân cách, phẩm giá và lý tưởng cao đẹp của Người. Chính những điều này đã khiến cho Hồ Chí Minh cảm hóa được những quan chức cấp cao, luật sư và cả những người làm công tác giám ngục để họ đứng ra giúp đỡ một cách vô tư và nhiệt tình để Người thoát khỏi vụ án Tống Văn Sơ đầu những năm 1930.

Không chỉ có gia đình Luật sư Loseby, mà cả vợ chồng Phó Thống đốc Hong Kong khi đó là ngài Thomas Southon và bà Stella Benson cũng đều có ấn tượng và tình cảm đặc biệt với người tù Tống Văn Sơ chỉ sau lần đầu gặp mặt. Tiếp đó, họ đã tìm mọi cách để bảo vệ và giúp đỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần thoát khỏi nhà tù của thực dân để an toàn trở về với Quốc tế cộng sản.

Ngay cả với một viên giám ngục, vốn không hề có mối quan hệ nào với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng trong lần Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt trở lại sau khi bị trục xuất khỏi Singapore cũng đã nhiệt tình giúp đỡ, chuyển thư đến Luật sư Loseby để thông báo tình hình và tìm cách giải thoát cho Bác. Đây sẽ mãi là những câu chuyện và di sản tinh thần vô giá cần tiếp tục gìn giữ và quảng bá đến mãi mai sau - ông Lý Minh Hán nhấn mạnh.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Lê Đức Hạnh. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Lê Đức Hạnh. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Kế thừa những di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng hoạt động cách mạng tại Hong Kong, đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Lãnh sự Việt Nam Lê Đức Hạnh cho biết, Tổng Lãnh sự quán sẽ tiếp tục phối hợp thúc đẩy tăng cường hợp tác toàn diện giữa các đối tác Việt Nam với Hong Kong theo những văn kiện hợp tác đã ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Trưởng Đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu vào tháng 8/2024, trong đó một trong những trọng tâm ưu tiên sẽ là việc tăng cường hơn nữa hoạt động ngoại giao nhân dân giữa hai bên. Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh nhấn mạnh, ngoại giao nhân dân là một trụ cột quan trọng trong nền ngoại giao toàn diện và hiện đại, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước của Việt Nam.

Thời gian vừa qua, Tổng Lãnh sự quán đã chú trọng thúc đẩy và tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, trao đổi về văn hóa, nghệ thuật với Hong Kong, một trung tâm Đông-Tây hội ngộ và đây cũng là cách quảng bá văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam đến với bạn bè sở tại và thế giới. Theo đó, Tổng Lãnh sự quán đã phối hợp, lựa chọn các bộ phim đặc sắc của Việt Nam tham dự Liên hoan phim ASEAN tại Hong Kong, tổ chức gian hàng giới thiệu các loại đặc sản và biểu diễn văn nghệ truyền thống tại Lễ hội giao lưu văn hóa châu Á thường niên năm 2024 và tham gia trưng bày tại Hội chợ Sách quốc tế Hong Kong...

Để tăng cường hơn nữa hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai bên trong năm 2025, bà Lê Đức Hạnh cho biết Tổng Lãnh sự quán tới đây sẽ tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể như sau. Thứ nhất, tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện giao lưu văn hóa do chính quyền Hong Kong tổ chức. Thứ hai, tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tống Văn Sơ ở Hong Kong - Hành trình của một nhà cách mạng vĩ đại” để vừa triển khai thực hiện Đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài, vừa kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc.

Một hoạt động nhằm giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một nhà hoạt động cách mạng quốc tế tại Hong Kong trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, cũng như các địa phương Việt Nam và Hong Kong nói riêng. Thứ ba, tiếp tục tích cực vận động các trường đại học của Hong Kong tăng cường tuyển sinh và cấp nhiều học học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Sau 95 năm trưởng thành và phát triển qua việc lãnh đạo cách mạng trong các thời kỳ khác nhau, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về tư duy và lý luận để tiếp tục đưa đất nước giành nhiều thắng lợi to lớn hơn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những mục tiêu đề ra trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bối cảnh đã đổi thay, tình hình thế giới và khu vực cũng không còn giống như trước, nhưng ý nghĩa to lớn của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thông qua đoàn kết quốc tế vô tư, trong sáng, thủy chung và nghĩa tình sẽ vẫn còn nguyên giá trị.

Xuân Vịnh - Mạc Luyện (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/di-san-quy-bau-thuc-day-hop-tac-giua-viet-nam-voi-trung-quoc-va-hong-kong-20250202144655503.htm