Di sản quý ở lại
Cả một hành trình dài đi và viết, tiếp xúc và trò chuyện, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã để lại cho đời nhiều bài viết cùng những cuốn sách quý giá. Trong đó, có một cuốn sách rất đặc biệt, dày tới gần 700 trang mang tên Hữu Ngọc đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam.

Cuốn sách Hữu Ngọc đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam.
Được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành từ năm 2014 nhưng đến nay, cuốn sách vẫn là cẩm nang sống giúp nhiều người tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của dân tộc.
Sách của ông luôn khác biệt bởi sự sinh động trong việc truyền tải thông điệp văn hóa và những thông tin độc đáo mà ông gửi tặng bạn đọc.
Nhà văn Mỹ Lady Borton, người bạn thân thiết của ông từng nhận xét rằng: “Thị lực của Hữu Ngọc rất yếu nhưng cái nhìn nội tâm của ông lại rất sâu sắc, đôi lúc hóm hỉnh khi phác họa một chân dung, kể lại một sự việc, nêu lên hay thể hiện một vấn đề”.
Phần lớn nội dung cuốn sách viết về những nhân vật lịch sử nổi tiếng sống cùng thời với ông từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, các trí thức Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn... đến những nhà văn hiện đại thế hệ đầu (Tản Đà, Nguyễn Tuân...), những nghệ sĩ Canh Tân (Nguyễn Đỗ Cung, Phan Khắc Khoan...), những người cầm bút (Hoàng Cầm, Phạm Hổ...).
Nhà văn hóa Hữu Ngọc không quên viết về những nhân vật nước ngoài, trong đó có nhà văn Sara Lidman (Thụy Điển) sinh ra để lên án những bất công trong xã hội, nhà Việt Nam học G. Boudarel (Pháp) gắn bó với Việt Nam từ kháng chiến chống Pháp đến hơi thở cuối cùng.
Đáng chú ý là câu chuyện về nữ nhà văn Yveline Feray đã bỏ ra nhiều năm trời nghiên cứu, nhập vai, nhập cảnh để viết pho tiểu thuyết Vạn Xuân (Dix milles printemps) dày hơn 800 trang về Việt Nam; bức thư dài xúc động của nữ tu sĩ, nhà báo Pháp nổi tiếng Soeur Francoise Vandermeesch về tình cảm và con đường dẫn bà đến với Việt Nam...

Nhà văn hóa Hữu Ngọc.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc gắn bó bền bỉ với chuyên mục Cửa sổ văn hóa – Gió Đông Gió Tây trên Báo Thế giới và Việt Nam suốt từ năm 2013 đến năm 2024. Là một cây bút uyên bác, một trí tuệ lớn, sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng tập thể những người làm báo.
Với những góc nhìn văn hóa riêng biệt, Hữu Ngọc còn luận bàn về cội gốc, đặc tính của dân tộc trong Tính cộng đồng của người Việt, Từ gia đình đến gia tộc, Đồng bào gốc Hổ, Vang bóng tranh Hàng Trống... đồng thời truyền tải về văn hóa Việt ở hải ngoại với cái nhìn có chiều sâu về các thế hệ Việt kiều đã hòa nhập và giữ gìn bản sắc tại Pháp, Mỹ, Canada, Hungary, Ba Lan...
Bên cạnh đó, ông vẫn có những trang viết giàu tính chất tự sự, thể hiện quan điểm riêng về thơ và người cao tuổi, bạn cũ, thầy xưa và những vấn đề phong phú của xã hội như văn hóa đám cưới, chuyện phố phường, chuyện lương y thời hiện đại hay giáo dục công dân bằng xe buýt...
Có thể thấy, suốt hơn một thế kỷ sống và viết, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã để lại cho đời không chỉ những trang sách mà còn cả một bách khoa thư sống động, uyên thâm và sâu sắc.
Bởi vậy, thật dễ hiểu khi ông được coi là “nhà xuất nhập khẩu văn hóa”, “người bắc cầu thế kỷ” và được ví như "cây cầu văn hóa Đông - Tây” kết nối văn hóa bằng sự hiểu biết sâu sắc và những đối thoại nhân văn.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc ra đi, nhưng di sản quý của ông vẫn tiếp tục đồng hành cùng dòng chảy văn hóa Việt Nam, trong tâm thức bạn đọc và những người từng có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với ông.
Đặc biệt, sống giữa thời đại số, khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, thì việc nhớ đến một người như nhà văn hóa Hữu Ngọc - không phải để hoài cổ, mà để soi sáng con đường kể lại câu chuyện Việt Nam trong tương lai một cách chân thực, hấp dẫn và đầy nhân văn.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc (1918-2025) đã được trao tặng nhiều huân chương, giải thưởng của Việt Nam và nước ngoài: hai Huân chương Chiến công, Huân chương Độc lập của Nhà nước Việt Nam, Huân chương Bắc Đẩu của Thụy Điển, Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp, Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội...
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/di-san-quy-o-lai-313733.html