Di sản Thế giới liên biên giới đầu tiên giữa Việt Nam và Lào là minh chứng cho tình hữu nghị song phương
Ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhận định việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua quyết định phê duyệt điều chỉnh ranh giới của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) mở rộng thêm cả Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, CHDCND Lào) là một minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu cảm ơn sự ủng hộ của Ủy ban di sản thế giới và bạn bè quốc tế.
Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới ở thủ đô Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức thông qua quyết định điều chỉnh ranh giới Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó bao gồm cả Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Lào, tạo nên di sản thế giới liên biên giới đầu tiên mang tên "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô". Quyết định có ý nghĩa lịch sử đặc biệt này được thông qua dựa trên 3 tiêu chí quan trọng của UNESCO, gồm địa chất và địa mạo, hệ sinh thái, và đa dạng sinh học.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Paris, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá đây là thành công chung của Việt Nam và Lào, minh chứng cho tình hữu nghị mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững giữa hai nước. Ông cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan của hai nước sẽ tiếp tục phối hợp để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thiên nhiên xuyên quốc gia giữa Lào và Việt Nam cũng như để phát triển kinh tế bền vững.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Xuân Tân, cho biết Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã ủng hộ các bạn Lào rất tích cực trong quá trình xây dựng hồ sơ. Ông cho hay, do Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô nằm liền cạnh nhau nên sắp tới công tác quản trị trong quá trình bảo tồn và phát triển 2 vườn quốc gia này sẽ được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả nhất.
Đề cập đến những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho biết: "Để quản lý tốt Di sản Thế giới liên biên giới giữa hai quốc gia Việt Nam và CHDCND Lào, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và xác lập các phương pháp hoạt động để có thể đối phó với những nguy cơ tác động tới di sản".
Bà nhấn mạnh về việc cần "đánh giá sức tải du lịch phù hợp với khả năng và sức tải về sinh thái tài nguyên trong tổng thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô". Đặc biệt, Việt Nam có thể hỗ trợ phía bạn Lào nâng cao năng lực xây dựng quy định pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản Thế giới.

Phiên họp ngày 13/7 của Ủy ban di sản thế giới, xem xét hồ sơ điều chỉnh ranh giới của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khammuane, Lào).
Trong lời phát biểu cảm ơn sự ủng hộ của Ủy ban Di sản Thế giới và bạn bè quốc tế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Di sản Quốc gia của CHDCND Lào Suansavanh Viyaketh vui mừng bày tỏ: "Hôm nay đánh dấu một ngày có ý nghĩa và khoảnh khắc tự hào của Chính phủ Lào cũng như toàn thể xã hội Lào khi Vườn quốc gia Hin Nam Nô của CHDCND Lào được chính thức ghi danh như một phần mở rộng của Di sản Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tại Việt Nam".
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Paris, Đại sứ Lào bên cạnh UNESCO Kham-Inh Khitchadeth bày tỏ hy vọng di sản này sẽ trở thành động lực và biểu tượng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào trên trường quốc tế.
Với quyết định của UNESCO, tính đến nay, Việt Nam đã có 9 Di sản Thế giới, trong đó có 2 Di sản Thế giới liên tỉnh là Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng), cùng với Di sản Thế giới liên biên giới đầu tiên Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị) và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, CHDCND Lào).
Việc di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô được UNESCO công nhận là kết quả của quá trình hợp tác kéo dài 7 năm giữa hai nước láng giềng. Khởi đầu từ Bản ghi nhớ ký ngày 10/1/2018 giữa hai Bộ Văn hóa về việc hỗ trợ Lào đưa Vườn quốc gia Hin Nam Nô trở thành Di sản Thiên nhiên Thế giới, quá trình này đã trải qua nhiều giai đoạn quan trọng.
Năm 2023, Chính phủ hai nước thống nhất chủ trương xây dựng hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Lào là Di sản Thế giới liên biên giới với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có các buổi làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suanesavanh Vignaket.
Cục Di sản Văn hóa Việt Nam đã trực tiếp phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ Cục Di sản Văn hóa Lào trong toàn bộ quá trình xây dựng hồ sơ, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các cơ quan liên quan.

Đoàn Việt Nam chúc mừng đoàn Lào sau khi UNESCO chính thức phê duyệt điều chỉnh ranh giới của Di sản Thiên nhiên Thế giới giữa hai quốc gia Lào và Việt Nam.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô tạo thành một trong những cảnh quan karst đá vôi và hệ sinh thái nổi bật, nguyên vẹn nhất trên thế giới. Nằm tại điểm giao thoa của dãy núi Annam và Vành đai Đá vôi Trung Đông Dương, khu vực này có lịch sử địa chất đặc biệt với sự hình thành karst phát triển từ thời kỳ Paleozoic khoảng 400 triệu năm trước.
Về địa chất và địa mạo, khu vực này thuộc hệ thống karst nhiệt đới ẩm ướt nguyên vẹn lớn nhất toàn cầu. Sự đa dạng của các đặc điểm karst đa giác không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đặc biệt, các hang Sơn Đoòng và Xe Bang Fai chứa đựng đoạn hang động lớn nhất thế giới được ghi nhận về đường kính và tính liên tục.
Về hệ sinh thái, đây là nơi bảo vệ các hệ sinh thái có ý nghĩa toàn cầu trong vùng sinh thái đất liền Rừng nhiệt đới Annam Bắc. Sự phức tạp và tính nguyên vẹn tương đối của cảnh quan đá vôi tạo ra nhiều hốc sinh thái, tạo cơ hội cho các quá trình tiến hóa sinh thái và các loài.
Về đa dạng sinh học, khu vực này là nơi chung sống của hơn 2.700 loài thực vật có mạch và 800 loài động vật có xương sống được ghi nhận ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tại Hin Nam Nô, hơn 1.500 loài thực vật có mạch và 536 loài động vật có xương sống đã được ghi nhận, bao gồm loài Nhện Săn Khổng lồ - loài nhện lớn nhất toàn cầu theo sải chân và là đặc hữu của tỉnh Khăm Muộn.
Việc Di sản Thiên nhiên Thế giới "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô" được UNESCO công nhận không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững. Đây sẽ là hình mẫu cho việc quản lý di sản thế giới liên biên giới đầu tiên, giúp Việt Nam đóng góp kinh nghiệm thực tiễn vào công tác quản lý di sản thế giới theo Công ước 1972 của UNESCO. Hơn thế nữa, thành công này mở ra triển vọng cho việc phát triển du lịch bền vững, tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương hai bên biên giới, đồng thời góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Đoàn Việt Nam chúc mừng đoàn Lào sau khi UNESCO chính thức phê duyệt điều chỉnh ranh giới của Di sản Thiên nhiên Thế giới giữa hai quốc gia Lào và Việt Nam.
Với 9 Di sản Thế giới, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên quý báu, đồng thời thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản chung của nhân loại.