Di sản truyện ngắn và tiểu thuyết của nhà thơ Thâm Tâm
Những phát hiện mới cho thấy nhà thơ Thâm Tâm từng viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết trước khi viết thơ, với đa dạng chủ đề mang tính hiện thực và một bút pháp lãng mạn.
Là một trong những tác giả kỳ cựu của văn chương tiền chiến, Thâm Tâm không may mất sớm ở tuổi 33 tại chiến trường miền Bắc. Kể từ khi đó, độc giả thường biết đến một Thâm Tâm thi ca, chứ không ngờ ông cũng có một gia tài truyện ngắn, truyện vừa cũng như kịch nói xuất sắc.
Mới đây, 38 truyện ngắn của ông đã được xuất bản nhờ quá trình tìm kiếm và tổng hợp của gia đình. Dưới tên Gió thu hoa cúc gầy rồi, ta biết hóa ra Thâm Tâm từng viết truyện ngắn trước khi sáng tác thơ ca, với dấu ấn của một bút lực bàng bạc chất thơ, những góc nhìn hướng về con người rất khác biệt.
Ngoài ra, lần in này cũng bao gồm Nỗi ân hận dài và Thuốc mê - hai tiểu thuyết duy nhất được biết cho đến nay của ông, góp phần làm hoàn thiện hơn di sản của cố nhà văn - nhà thơ Thâm Tâm.
Tính hiện thực và lãng mạn
Thuốc mê đã được ra mắt vài năm trước sau lần phát hiện đầu tiên, còn Nỗi ân hận dài lại là sự trở lại lần thứ 2, sau lần in đầu vào năm 1945 của tác phẩm này. Tiểu thuyết xoay quanh mối tình ngang trái của họa sĩ Lê và thiếu nữ Hoàng, những người yêu nhau nhưng bị ngăn cấm bởi khoảng cách, giáo lý cũng như định mệnh thời bấy giờ.
Tác phẩm là một điển hình cho phong cách Thâm Tâm, khi ta thấy ông thường đứng về phía yếu. Tuyến nhân vật thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của ông là những bà góa, những người thiếu nữ chịu cảnh mồ côi mẹ, rồi cha tục huyền và chịu áp bức dưới sự kiềm tỏa của người mẹ kế.
Ngoài ra, ông cũng sáng tác về những người già, những người trải qua bao nhiêu phong ba nhưng không tìm thấy mục đích đời mình. Họ sống phù du, không ai cứu rỗi và rồi chết đi chỉ như nốt lặng giữa đời ô trọc. Đọc văn Thâm Tâm, ta thấy rõ tính hiện thực qua các bài học nhân sinh, từ đó đưa ông lên ngang hàng cùng những Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng… như những người đi đầu viết văn hiện thực.
Tuy phản ánh một cách đậm nét hiện thực xã hội, thế nhưng dấu ấn lãng mạn vẫn luôn có thể được tìm thấy trong các truyện của nhà văn Thâm Tâm. Có lẽ do ảnh hưởng từ thơ ca ông viết mà mỗi tiêu đề, mỗi câu, mỗi chữ… trong các truyện ngắn như có ma lực cuốn hút độc giả.
Với một phong cách đậm đặc thi tính, Thâm Tâm cũng khiến ta thêm thấu hiểu, xót thương cho những kiếp người đã quá mỏi mệt. Ông thường cho các nhân vật chịu nhiều bi kịch, để ta được hiểu thêm ao tù phong kiến cũng như những gì khiến họ mãi mãi không thể đến được với niềm an vui.
Dù vậy ông cũng không quên gửi gắm tình cảm tốt đẹp trong các tác phẩm của mình. Đó có thể là người cha do những cách biệt thế hệ mà không nói chuyện được với con mình, nhưng luôn cầu nguyện cho cậu an yên. Đó cũng là ông lão - bà lão với hoa cúc làm chứng nhân, lấy lòng trắng trứng để hãm hoa nở, chờ đến sinh nhật người kia… Đọc văn Thâm Tâm là đến với sự nhẹ nhàng, đong đầy tình cảm.
Chênh vênh hai bờ mới - cũ
Một nét khác cũng thường thấy trong văn của Thâm Tâm là sự thoát ra khỏi các giá trị cũ. Điều này được thấy rõ nhất trong cuốn Thuốc mê, khi nói về tập tục cũ khiến con người đau khổ khôn nguôi. Tác phẩm xoay quanh Tý ở một ngôi làng có truyền thống bỏ bùa đàn ông rồi rời bỏ họ, khiến họ đau khổ. Sau một tháng hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ về làng và cưới đàn ông ở đó, hoặc sẽ bị truy sát nếu không thành công.
Nhưng con tim luôn không tuân theo lý trí, dẫn đến Tý bị kẹt giữa những tình cảnh riêng, không thể làm được việc làng yêu cầu. Thuốc mê cũng như phần lớn các tác phẩm khác của ông đề cao vai trò của người phụ nữ, những đam mê cũng như khát khao của họ. Họ có thể thiếu sự quan tâm, có thể bị đè nén bởi văn hóa, bởi sự cay nghiệt của người đời… nhưng không bao giờ quên đi tình yêu, một lòng hướng đến tình yêu và sự chung thủy.
Tuy nhiên như đã nói trên, Thâm Tâm luôn thấy mọi thứ chỉ là phù du. Trong các tác phẩm, ông thường có những so sánh với các hình ảnh mong manh, mang tính nhất thời, như gà gáy sớm chìm trong xa vắng, như mưa nhỏ giọt trên nước, như hoa đào bạc mệnh, như khói phù dung… để rồi cuối cùng, tàn dung lại về cùng với thu sương.
Tuy chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn, thế nhưng ông đã để lại một di sản đầy giá trị, đa dạng trong thể loại và đề tài. Từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến kịch nghệ, sự nghiệp của nhà văn - nhà thơ Thâm Tâm đang ngày càng sáng tỏ trong văn chương Việt.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/di-san-truyen-ngan-cua-nha-tho-tham-tam-post1426475.html