Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trong 2 ngày 15, 16.3 (âm lịch), lễ hội Quan lớn Trà Vong tại lăng mộ của ông (ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên) diễn ra với phần lễ và hội gồm các trò chơi dân gian. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Nam Giang tặng hoa chúc mừng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Nam Giang tặng hoa chúc mừng.

Công bố và đón nhận quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 15.4, tại lăng mộ Quan lớn Trà Vong, UBND huyện Tân Biên tổ chức lễ công bố và đón nhận quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Quan lớn Trà Vong, tỉnh Tây Ninh”.

Tham dự lễ có ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo huyện, xã Trà Vong và đại diện ban quản lý các dinh, đền thờ, miếu thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản trên địa bàn tỉnh.

Lễ hội Quan lớn Trà Vong tỉnh Tây Ninh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2975 ngày 26.8.2019.

Đây là lễ hội tín ngưỡng dân gian, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với người đã có công khai hoang lập ấp, bảo vệ dân làng yên ổn làm ăn, cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Lễ được tổ chức vào ngày 15 và 16. 3 âm lịch hằng năm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Nam Giang đề nghị huyện Tân Biên và các địa phương có đền, dinh thờ Quan lớn Trà Vong tiếp tục có những giải pháp thiết thực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch tỉnh nhà.

Đồng thời, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trên các trang mạng xã hội về di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Quan lớn Trà Vong, tỉnh Tây Ninh”, xây dựng và quảng bá lễ hội Quan lớn Trà Vong tại di tích lăng mộ Quan lớn Trà Vong trở thành một trong những lễ hội thu hút khách du lịch đến với Tây Ninh.

Dâng sắc ấn và sắc phong lên Quan lớn Trà Vong.

Dâng sắc ấn và sắc phong lên Quan lớn Trà Vong.

Lễ Kỳ yên lần thứ 23

Sau khi tổ chức lễ công bố và đón nhận quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Quan lớn Trà Vong, tỉnh Tây Ninh”, lãnh đạo UBND xã Trà Vong, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử lăng mộ Quan lớn Trà Vong đã tổ chức lễ Kỳ yên Quan lớn Trà Vong lần thứ 23.

Tại đây, Ban Quản lý di tích lịch sử lăng mộ Quan lớn Trà Vong tổ chức nghi lễ thỉnh sắc ấn và sắc phong từ bên lăng mộ Quan lớn Trà Vong đến nhà tưởng niệm Quan lớn Trà Vong làm lễ.

Theo ông Võ Văn Thái- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vong, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử lăng mộ Quan lớn Trà Vong cho biết, 2 năm qua, do dịch bệnh Covid-19 nên địa phương không tổ chức lễ hội. Năm nay, khi tình hình dịch bệnh đã tương đối được khống chế, địa phương tổ chức lại các hoạt động lễ và hội như những năm trước đây.

Tuy nhiên, có một chút khác so với các năm đó, Ban Quản lý khu di tích lịch sử lăng mộ Quan lớn Trà Vong quyết định không tổ chức nấu ăn đãi khách bà con hành hương về đây để tránh tụ tập đông người, nhằm phòng, chống dịch.

Lễ rước sắc ấn, sắc phong từ lăng mộ Quan lớn Trà Vong đến nhà tưởng niệm để làm lễ.

Lễ rước sắc ấn, sắc phong từ lăng mộ Quan lớn Trà Vong đến nhà tưởng niệm để làm lễ.

“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội Quan lớn Trà Vong là di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Trà Vong, của người dân Tân Biên mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng quảng bá, tuyên truyền cũng như gìn giữ lễ hội để những người trong và ngoài tỉnh đều biết đến di tích lịch sử Quan lớn Trà Vong”- ông Võ Văn Thái cho biết.

Quan lớn Trà Vong tên là Huỳnh Công Giản (1722-1782) là một trong những vị tướng đầu tiên được triều đình Huế phái đến Tây Ninh mở mang quy dân lập ấp và giữ đất. Khi đến Tây Ninh, Huỳnh Công Giản ở cánh rừng Trà Vong và 2 người em Huỳnh Công Thắng ở Cẩm Giang; Huỳnh Công Nghệ ở cánh đồng Bến Thứ.

Đến Trà Vong, Huỳnh Công Giản lập thành ba ấp: Tân Lập - Tân Hội và Tân Hiệp. Vừa quy dân lập ấp vừa xây thành đắp lũy để bảo vệ biên cương. Thời gian này, bọn giặc từ bên kia biên giới thường sang quấy nhiễu, cướp bóc tài sản của đồng bào. Huỳnh Công Giản đã tổ chức, huấn luyện những đội binh trấn giữ khắp nơi theo phương thức “động vi binh, tĩnh vi dân”. Nhiều trận chiến đã diễn ra, lần nào cũng tạo được thắng lợi vẻ vang, tạo được niềm tin vững chắc cho nhân dân trong vùng. Năm 1782, trong một trận đấu ác liệt tại thành Trà Vong, ông đã lãnh đạo nhân dân chiến đấu đến khi sức tàn, lực kiệt, ông đã quay gươm tuẫn tiết, không hàng giặc.

Năm 1997, ngôi mộ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản được tìm thấy tại ấp 3, xã Trà Vong cách bờ thành cũ khoảng 2km về hướng Bắc. Mặt lăng mộ đối diện với suối Trà Vong. Ngôi mộ khi xưa được đắp bằng đất, bia mộ bằng đá. Xây đắp rất đơn sơ bên một gốc cây trâm cổ thụ. Nhân dân thị xã Hòa Thành và Tân Biên quyên góp xây dựng lại lăng mộ ông bề thế vững chắc, nghiêm trang như ngày nay.

Ngày 30.3.2004, lăng mộ Quan lớn Trà Vong được UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố. Đến ngày 20.7.2009 được UBND tỉnh Tây Ninh đồng ý và được sự tận tâm giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế giúp cho Ban Quản lý lăng mộ phục chế sắc ấn và sắc phong của Quan lớn Trà Vong.

Ngày 27.9.1999, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 135/QĐ-CT về việc đăng ký và khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử.

Hiện tại, Tây Ninh có tất cả 14 điểm thờ Quan lớn Trà Vong thuộc huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và thành phố Tây Ninh.

Ngọc Diêu

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-a144202.html