Di sản Văn hóa Thế giới Hội An – Mỹ Sơn: Thành quả của sự đồng lòng

Tròn 20 năm, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn của tỉnh Quảng Nam được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Sự đồng lòng, đồng thuận của người dân, chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học đã giúp 2 di sản này trường tồn, phát triển.

Một góc yên bình của đô thị cổ Hội An

Một góc yên bình của đô thị cổ Hội An

Sức mạnh của sự đồng thuận

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, chính sự đồng lòng của người dân trong quá trình triển khai các chính sách mới đã giúp Hội An có được diện mạo của đô thị cổ vốn có và giúp vượt khắc nghiệt của thời gian, khí hậu và những xô đẩy của thời cuộc.

“Họ đã gìn giữ lấy nếp nhà mình, giữ lấy nét văn hóa đẹp, lối ứng xử mang đặc trưng của vùng đất. Đây là điều hết sức trân quý, hiếm nơi nào có được”, ông Sơn chia sẻ.

Một trong những cư dân phố cổ Hội An, ông Sử Chấn Quân (sống ở đường Trần Phú, TP Hội An), đúc kết: Cư dân đô thị cổ Hội An tự hiểu và luôn tâm niệm, bảo nhau rằng, muốn bảo vệ, gìn giữ và hưởng lợi từ sự phát triển du lịch trước tiên phải biết bảo vệ lấy ngôi nhà mình đang sống.

Người dân cũng giúp tạo ra những sản phẩm du lịch đặc biệt cho xứ Quảng. Về đô thị cổ Hội An, hay ngược lên khu đền tháp Mỹ Sơn dấu ấn để lại trong lòng du khách còn là hình ảnh những cư dân vùng đất di sản thân thiện, hiền lành và chân chất. Hội An hay Mỹ Sơn không đánh mất mình trước những cám dỗ của lợi nhuận.

Ông Võ Phùng - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hội An, chia sẻ: Sản phẩm du lịch thương hiệu Hội An là Phố đi bộ. Lần đầu thành phố thực hiện cấm xe vào phố là dịp Tết Trung thu năm 1997. Lúc đó dân tình xôn xao phản đối. Thành phố giao cho trung tâm tiếp tục nghiên cứu làm đề án, thăm dò nhân dân, thăm dò dư luận, vận động người dân đồng thuận… Mãi đến tháng 7/2004 mới triển khai làm nhưng cũng chỉ thực hiện mỗi tuần một lần vào ngày thứ Bảy, sau đó tăng dần lên 2 ngày rồi 3 ngày, 4 ngày/tuần… Cuối cùng Hội An đã có phố đi bộ suốt cả tuần.

Riêng với Mỹ Sơn, đã có gần 100 thanh niên địa phương trở thành công nhân trùng tu di tích - cánh tay đắc lực của các nhóm chuyên gia trùng tu di tích đến từ các quốc gia. Ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết: cộng đồng địa phương đã cùng Ban quản lý tham gia giữ rừng phòng hộ, con em người địa phương làm việc tại khu đền tháp ngày càng nhiều hơn. Cộng đồng còn tham gia tính toán đến việc tạo lập các cảnh quan cũng như thêm nhiều dịch vụ phụ trợ cho vùng đệm Mỹ Sơn.

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam khẳng định, xã hội hóa là yếu tố tích cực thể hiện sự gắn bó giữa cộng đồng dân cư với di tích nhằm tạo ra nguồn lực để hướng đến bảo tồn di tích tốt hơn.

Giáo dục thế hệ trẻ

Từ nhiều năm nay, Quảng Nam đã mạnh dạn đưa việc giáo dục di sản vào học đường. Tại TP Hội An đã xây dựng bộ giáo trình về giáo dục di sản trong học đường cho học sinh từ khối lớp 1 và lớp 6, đồng thời triển khai các chương trình ngoại khóa như “Chúng em khám phá bảo tàng”, “Thi tìm hiểu di sản qua sách báo tại thư viện”, “Trường học nhận chăm sóc di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng”… góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về giá trị di sản.

Du khách tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn

Du khách tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn

Bà Lê Thị Tuấn (Trưởng phòng Quản lý Bảo tàng, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An), cho biết: Mục đích của bộ giáo trình này là để tạo sự tương tác giữa giáo viên, học sinh và cán bộ hướng dẫn di tích. Từ những hoạt động tương tác các em sẽ biết yêu mến hơn các di sản văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ từ lúc còn trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, Hội An đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Di sản văn hóa Hội An qua internet” mỗi kỳ kéo dài 24 tuần, “Chúng em với di sản và môi trường” trong tất cả trường THCS, “Thanh niên Hội An với di sản văn hóa Hội An”… nhằm kích thích học sinh, đoàn viên thanh niên tìm hiểu về những nét đẹp, văn hóa lịch sử của vùng đất di sản nơi mình sống.

Trong khi đó, bắt đầu ngay từ năm 2004, hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên đã đến các trường học trên địa bàn huyện Duy Xuyên để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, đặc biệt là dấy lên niềm tự hào về tháp cổ ngàn năm Mỹ Sơn trong lòng các thế hệ học trò. Đây chính là kết quả dự án “Thanh niên với việc bảo tồn di sản” được triển khai tại khu di sản Mỹ Sơn.

Cùng với đó, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Mỹ Sơn, xuất bản sách và đã in hơn 2.000 tập tài liệu dùng cho giáo viên và sách dùng cho học sinh trong nhà trường tiểu học và THCS nhằm giáo dục ý thức bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, gìn giữ truyền thống văn hóa địa phương. Ngoài ra, hằng năm đều có các hoạt động thi viết, vẽ về Mỹ Sơn, thi “Em là hướng dẫn viên” bằng tiếng Anh và Việt...

Hiệu quả thiết thực từ những chương trình này, đã giúp cư dân của miền đất Di sản có thêm những con người mới, thế hệ trẻ nhiệt huyết, sáng tạo nhưng luôn biết trân quý, giữ gìn những giá trị vốn có.

Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Trải qua chặng đường 20 năm mặc dù chịu nhiều áp lực của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, tác động mặt trái của phát triển du lịch, tác động của biến đổi khí hậu… nhưng Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn vẫn đạt được nhiều thành tựu nổi bật; Được trao tặng nhiều giải thưởng quan trọng, được bình chọn nhiều danh hiệu cao quý, được đánh giá là mẫu kinh nghiệm điển hình về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

UNESCO ngày 4/12/1999 công nhận Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa thế giới. Mười năm sau, ngày 26/5/2009, Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển của UNESCO công nhận Cù Lao Chàm - Hội An là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

NGUYỄN THÀNH – ANH SONG

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/di-san-van-hoa-the-gioi-hoi-an-my-son-thanh-qua-cua-su-dong-long-1461444.tpo