Di sản văn hóa thời 4.0

Không chỉ phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu… các ứng dụng khoa học công nghệ còn đang mang đến cho công chúng những trải nghiệm đặc sắc với di sản.

Giao diện tour games di sản tại Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Thương Nguyễn.

Giao diện tour games di sản tại Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Thương Nguyễn.

Thành tựu của công nghệ

Những năm gần đây, khoa học công nghệ hiện đại đã và đang tạo ra nền tảng tích cực cho việc bảo tồn di sản văn hóa. Từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa đến xây dựng chương trình bảo tồn di sản văn hóa dựa vào khoa học công nghệ như số hóa các di sản văn hóa, xây dựng phần mềm quản lý di sản văn hóa ở các cấp độ khác nhau.

Trong quản lý di sản, với khả năng lưu trữ được dung lượng lớn dữ liệu đã hỗ trợ tổ chức kế hoạch, các chiến lược bảo tồn, quản lý di sản văn hóa, công cụ đắc lực không chỉ trong việc thực hiện kiểm kê, rà soát thông tin di sản văn hóa. Trong đó, có thể kể đến việc ứng dụng hệ thống GIS để rà soát thông tin các thành phần của di sản như các công trình kiến trúc hiện tồn tại trên mặt đất, các dấu tích kiến trúc tìm thấy qua khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay tại di tích Cố đô Huế

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, đến nay đơn vị số hóa hơn 25.000 trang tài liệu Hán Nôm, 172 hồ sơ (hồ sơ di tích, hồ sơ khảo cổ, hồ sơ di sản), 250 ảnh sắc phong, 295 ảnh thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. 2 công trình di tích tiêu biểu là điện Thái Hòa và Hiển Lâm các được số hóa; cùng 206 hiện vật/bộ hiện vật, trong đó có 33 hiện vật/bộ hiện vật là bảo vật quốc gia... Hiện Trung tâm đang chuẩn bị số hóa 3D hơn 10.000 cổ vật, hiện vật mà Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang bảo quản.

Hay như Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, từ năm 1997 đến nay, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đã tiến hành hơn 800 dự án sưu tầm, số hóa các di sản văn hóa phi vật thể của nhiều cộng đồng trên cả nước.

Các di sản phi vật thể thông qua việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm, lưu giữ những thông tin, trình diễn của nghệ nhân, của cộng đồng chủ thể di sản… đang trở thành những “cánh tay” đắc lực trong công tác bảo tồn.

Có thể kể đến như việc ghi âm các bộ sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên. Trước đây sử thi được các già làng kể lại và truyền nhau qua lời kể, tuy nhiên theo thời gian, các già làng cũng dần mất đi. Nhưng hầu hết các bộ sử thi của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã được ghi âm lại và số hóa để lưu giữ cẩn thận. Đây là nguồn tư liệu quan trọng cho nhiều nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực tiếp cận khi muốn nghiên cứu về các dân tộc ở Tây Nguyên.

Mặc “áo mới” cho di sản

Có thể nói, việc ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ là công cụ đắc lực trong công tác bảo tồn, mà còn đang là “cánh tay nối dài” lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đến với thế hệ mai sau.

Sau 1 năm sáng tạo, tìm kiếm giải pháp kỹ thuật và sản xuất giữa ê kíp Pháp và Việt Nam, chương trình Lễ hội Ánh sáng vừa diễn ra tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế năm 2024 đã mang đến cho khách tham quan 1 cuộc “dạo chơi” kỳ thú trong khuôn viên của Đại Nội Huế. Để thực hiện toàn bộ các tác phẩm sắp đặt này, ê kíp sáng tạo đã xây dựng một hệ thống điều khiển tập trung, được thiết kế riêng gồm 9 máy chủ dữ liệu, 22 thiệp điện tử, nhiều kilomet dây cáp và hơn 4.500 nguồn sáng mang đến sinh lực cho các tòa nhà, khu vườn, cây cối, các hòn non bộ và cả khu vực hồ nước.

Hay việc “games hóa di sản” cũng đang ra cú hích trong trong việc kết hợp giữa di sản và du lịch. Mới đây một nhóm bạn trẻ đã sáng tạo ra ứng dụng Outing - sử dụng công nghệ di động tạo ra một cách tiếp cận mới mẻ để du khách có thể khám phá các câu chuyện văn hóa và lịch sử địa phương. Có thể kể đến tour game di sản ở làng cổ Đường Lâm hay chương trình Trò chơi nhập vai “Mật mã từ cổ vật” tại Bảo tàng Hùng Vương…

Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Outing app Nguyễn Bá Tùng chia sẻ, với tính năng tiêu biểu nhất là tạo ra bản đồ gắn với những điểm đến, di tích hoặc không gian du lịch, các ứng dụng sẽ dựa trên nền tảng định vị GPS để đưa ra thông tin hoặc nhiệm vụ, câu hỏi cho du khách, người chơi. Sau khi người chơi, du khách cài ứng dụng làm theo hướng dẫn đến đúng vị trí yêu cầu, du khách sẽ nhận được thông tin về điểm đến, di sản, di tích đó hoặc là câu đố, câu hỏi gắn với điểm đến.

Từ những giá trị văn hóa tưởng như xưa cũ thông qua khoa học công nghệ đã được mặc thêm “áo mới”. Tuy nhiên trên hành trình làm mới cho di sản đang đặt ra không ít những thách thức. Trước bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo cũng đứng trước thách thức của bối cảnh mới, mà nếu không kịp thời thích ứng sẽ bị tụt hậu, thậm chí biến mất trên thị trường.

Theo ThS Nguyễn Tuấn Anh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là di sản còn nhỏ, chủ yếu chỉ là các hoạt động dịch vụ, khâu sản xuất chất lượng còn thấp. Không những vậy, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và di sản nói riêng thường có nhu cầu vốn lớn, mang lại lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn chậm. Do đó, cần có những chính sách tạo điều kiện, ưu đãi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư thông qua các chính sách như ưu đãi thuế, giảm lãi suất vay vốn, giúp các doanh nghiệp văn hóa có thể tiếp cận các nguồn tài chính để tăng cơ hội phát triển.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-san-van-hoa-thoi-4-0-10283569.html