Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi

Hội thảo 'Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay' nhằm nhìn nhận, đánh giá và tôn vinh những đóng góp to lớn của nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà lý luận, phê bình và nhà lãnh đạo văn nghệ Nguyễn Đình Thi đối với văn hóa và văn học, nghệ thuật nước nhà.

Chiều 12/12, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội và Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Quế Đình Nguyên, Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, cùng các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ và đại diện gia đình.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, hội thảo “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhằm nhìn nhận, đánh giá và tôn vinh những đóng góp to lớn của nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà lý luận, phê bình và nhà lãnh đạo văn nghệ Nguyễn Đình Thi đối với văn hóa và văn học, nghệ thuật nước nhà. Đây không chỉ là dịp để nhắc lại vai trò quan trọng của ông trong sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật cách mạng mà còn là cơ hội để mỗi người cùng suy ngẫm về giá trị bền vững và ý nghĩa của di sản ấy trong thời đại ngày nay. Nguyễn Đình Thi không chỉ là một nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tài năng mà còn là một nhà quản lý văn hóa, văn nghệ tiêu biểu. Những đóng góp của ông trong vai trò lãnh đạo đã góp phần quan trọng trong việc định hình và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Trong vai trò của Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ông đã thể hiện tầm trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo xuất sắc.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW phát biểu khai mạc hội thảo

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW phát biểu khai mạc hội thảo

Theo PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Đình Thi là người có tư duy sâu sắc và tầm nhìn xa trong lĩnh vực quản lý văn hóa, văn nghệ. Ông nhận thức rõ ràng rằng, văn hóa không chỉ là một lĩnh vực sáng tạo mà còn là một mặt trận quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Nguyễn Đình Thi không chỉ tham gia trực tiếp vào công tác lý luận mà còn khuyến khích các nghệ sĩ trong và ngoài nước đổi mới tư duy, xây dựng những luận điểm khoa học mới mẻ, phù hợp với thực tiễn văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam. Những “di sản” mà Nguyễn Đình Thi để lại cho công tác lãnh đạo văn nghệ còn là vai trò quan trọng của ông trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức văn hóa, nghệ thuật. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều tổ chức văn nghệ đã được củng cố và phát triển, trở thành những trung tâm quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật. Điển hình là Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nơi ông giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều năm. Trong lĩnh vực sáng tác, Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một nghệ sĩ đa tài, hoạt động và ghi dấu ấn thành công trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau - từ văn chương, thơ ca, sân khấu đến âm nhạc. Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị vượt thời gian. Thành công trong các sáng tác của ông kết đọng ở giá trị nhân văn sâu sắc và sự hòa quyện giữa tư tưởng cách mạng với tinh thần dân tộc, giữa khát vọng tự do với vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Thủ đô Hà Nội tự hào là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ tinh hoa của cả nước, là cái nôi ươm mầm và nuôi dưỡng tâm hồn cho lớp lớp thế hệ các nhà văn hóa, văn nghệ sỹ trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và sự phát triển của Thủ đô. Mảnh đất này cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho lớp lớp các thế hệ văn nghệ sỹ, để từ đây, nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao được ra đời và làm nên di sản văn hóa phong phú, đồ sộ cho nền văn học, nghệ thuật của Thủ đô, góp phần quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, tình cảm, hình thành nhân cách, phẩm chất người Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Hà Nội trân trọng với những đóng góp to lớn của các nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi và những đóng góp của ông đối với Hà Nội.

“Hội thảo hôm nay cũng là dịp để Đảng bộ thành phố Hà Nội, thành phố “ngàn năm văn hiến”, “thành phố hòa bình”, “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố sáng tạo”,… có cơ hội trao đổi, thảo luận giới thiệu với các đại biểu Trung ương, các tỉnh, thành ủy bạn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ về mảnh đất, con người Thủ đô với truyền thống lịch sử và hiện tại cũng như nền văn học, nghệ thuật của Thủ đô” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chào mừng hội thảo

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Thông qua hội thảo, đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ không ngừng được học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo. Từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là: Chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lí tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thật sự có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng. Đồng chí đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sỹ và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nghiên cứu, khẳng định, tôn vinh những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật nước nhà, đẩy mạnh công tác lưu trữ và quảng bá, tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Đồng thời, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; luôn cổ vũ, khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, làm tốt hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa về sứ mệnh vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với Nhân dân, đoàn kết đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật cao quý của nước nhà. Phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đồng cảm sâu sắc với cuộc sống của nhân dân, đồng hành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 77 tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT công tác ở các cơ quan trung ương, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ. Số lượng và chất lượng tham luận gửi đến Hội thảo cho thấy sự hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước đối với Hội thảo.

Chủ đề Hội thảo đã được các nhà khoa học, văn nghệ sĩ phân tích, đánh giá theo nhiều góc độ, bình diện và điểm nhìn khác nhau, cách đánh giá và thể hiện cũng có những điểm khác nhau nhưng tựu trung đều bám sát chủ đề và các yêu cầu mà Ban tổ chức Hội thảo nêu ra. Với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và độc giả yêu mến Nguyễn Đình Thi, hội thảo đã làm sáng tỏ những khía cạnh quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo của ông, đồng thời gợi mở nhiều hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, văn nghệ mà ông để lại cho hôm nay.

Thanh Hồng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/di-san-van-hoa-van-nghe-cua-nguyen-dinh-thi-287521.htm