Di tản khỏi vùng nguy hiểm và niềm hạnh phúc khi trở về quê hương
Với người Việt di tản khỏi vùng nguy hiểm ở Ukraine, hai tiếng đồng hương như thấm đẫm vào tim...
Với mỗi người Việt di tản khỏi vùng nguy hiểm ở Ukraine, từng trải qua thời khắc hỗn loạn giữa tiếng bom rơi, pháo nổ, hai tiếng đồng hương như thấm đẫm vào tim, lan tỏa tới từng cái ôm thật chặt, chào đón ngày trở về...
11h30 ngày 8/3, chuyến bay số hiệu VN88 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa 287 công dân, trong đó có 14 trẻ em dưới 2 tuổi và một số công dân có bệnh nền từ thủ đô Bucharest (Romania) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các Bộ Y tế, Công an, Giao thông Vận tải đã đón và thăm hỏi bà con tại sân bay. Đây là chuyến bay sơ tán nhân đạo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, được tổ chức miễn phí để đón bà con trở về.
Những Chỉ đạo quyết liệt
Ngày 26/2, ngay sau khi xảy ra chiến sự giữa Nga và Ukraine, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 201/CĐ-TTg về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan hữu quan triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Trước những diễn biến phức tạp do xung đột vũ trang ở Ukraine, ảnh hưởng tới người dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại đây, cùng ngày 3/3, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương tổ chức chuyến bay đưa người Việt có nhu cầu về nước.
Trên tinh thần nhân đạo và dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tối đa tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam, trụ sở và thành viên cơ quan đại diện ta tại Ukraine, Chính phủ cho phép tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam và thành viên gia đình về nước theo nguyện vọng.
Công dân từ vùng chiến sự Ukraine trở về Việt Nam trên chuyến bay VN88.
Chiều 6/3, tại cuộc họp liên quan đến việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine.
Chủ tịch nước nêu rõ, tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư là không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương. Chính vì vậy, công tác bảo hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó là không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có phương án triển khai cụ thể, quan trọng nhất là đưa kiều bào ra khỏi vùng chiến sự an toàn.
"Tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay", "máu chảy ruột mềm", Chủ tịch nước nói và yêu cầu cần thực hiện tốt Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Do đó, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành dành ưu tiên cao nhất cho công tác này; nhất là trong lúc chiến sự đang diễn ra.
Chủ tịch nước hoan nghênh Chính phủ có kế hoạch tổ chức các chuyến bay miễn phí đưa những trường hợp khó khăn và có nguyện vọng về nước; đồng thời yêu cầu trong quá trình đó, cần thực hiện đúng quy trình, ưu tiên phụ nữ, trẻ em, người già.
Đối với những kiều bào ở lại thì phải được Đại sứ quán và các cơ quan chức năng đưa ra khỏi vùng chiến sự đến nơi an toàn. Chủ tịch nước chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine chủ động phương án, đảm bảo cao nhất tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam tại Ukraine. Các bộ, ngành liên quan sẵn sàng bố trí nhân lực để đón công dân Việt Nam có nguyện vọng về nước, đảm bảo các điều kiện cần thiết về phòng, chống dịch Covid-19 và hậu cần.
Chuyến bay sơ tán đầu tiên
Tính đến 18h ngày 7/3, các Cơ quan đại diện đã đón hơn 3.500 người Việt được sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine, trong đó, hơn 2.200 người tại Ba Lan, khoảng 830 người tại Romania, 310 người tại Hungary,; hơn 100 người tại Slovakia và khoảng 20 người tại Nga.
Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước trong khu vực đã hỗ trợ các thủ tục và giấy tờ cần thiết cho bà con nhập cảnh, quá cảnh và phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại đón, thu xếp phương tiện đi lại, chỗ ăn, ở tạm thời và cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con.
Không chỉ vậy, thời gian qua, trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, cộng đồng người Việt, các hội đoàn tại Ukraine và các nước lân cận đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, cùng các Cơ quan đại diện cung cấp thông tin, hướng dẫn, tổ chức sơ tán, lánh nạn, hỗ trợ thu xếp chỗ ở và cung cấp các vật dụng thiết yếu, trực tại các địa điểm lánh nạn để chờ đón, hỗ trợ bà con người Việt từ Ukraine di tản sang.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu trả lời phóng vấn báo chí.
Tại buổi đón công dân trở về trưa ngày 8/3, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cho biết, chiến dịch bảo hộ, sơ tán công dân lần này có những nét riêng và đặc biệt.
"Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta tổ chức chuyến bay sơ tán bà con với quy mô lớn. Hồi khủng hoảng ở Libya, chúng ta cũng đã tổ chức, tuy nhiên lần này có nét đặc thù".
Phần lớn bà con đã sống ở Ukraine trong thời gian dài, cũng đã có nhiều gắn bó với nước sở tại. Có người đang sinh sống, làm việc kinh doanh lâu dài, có tài sản, sự gắn bó nhất định với đất nước Ukraine. Khi xung đột xảy ra, rất nhiều người cũng nghĩ là chưa chắc sẽ ác liệt như thế.
Tuy nhiên, với sự chủ động của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đã liên tục khuyến cáo bà con; đưa ra thông báo, vận động bà con thông qua các hội đoàn, cho nên quyết định sơ tán của bà con thường đến vào các phút cuối.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, "khi chiến sự ác liệt, chia cắt nhiều nơi, chúng tôi phải nỗ lực hết sức, trao đổi với chính quyền sở tại ở Ukraine và Nga, tạo ra hành lang an toàn cho bà con di chuyển. Có một số rất ít bà con hiện nay vẫn ở lại trông coi tài sản, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc để hỗ trợ thêm", Thứ trưởng nói.
Hiện nay, về cơ bản đã sơ tán bà con khỏi vùng chiến sự ác liệt nhất. Thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để có các phương án phù hợp.
Theo Thứ trưởng, chiến dịch bảo hộ công dân lần này có những thuận lợi cơ bản sau. Đó là, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao ngay từ đầu; các cơ quan liên quan đã phát huy tinh thần chủ động tích cực; chúng ta có kinh nghiệm trong sơ tán, xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn tiếp tục còn nhiều công việc khác phải làm.
Sự Trông mong từ quê nhà
Kể từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, sảnh nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài vốn vắng lặng do các chuyến bay quốc tế hạn chế, nay bỗng trở nên nhộn nhịp và khá đông người. Họ tập trung theo từng nhóm, từng hàng ngay ngắn, ánh mắt không ngừng hướng về khu vực nhập cảnh.
Họ là những người thân của 287 người Việt trên chuyến bay VN88.
Cả gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội) đang có chuyến du lịch ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã tức tốc quay trở về sân bay Nội Bài ngay khi nghe thông tin người bạn sẽ được về trưa nay.
Có mặt từ sớm đợi chờ, mong mỏi, chị Nguyễn Thị Tuyến cho biết, khi xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, gia đình chị rất lo lắng cho sự an toàn của người thân. Người thân của chị sống ở thành phố cảng Odessa từ nhiều năm nay và đã được sơ tán sang Romania.
Chị Tuyến chia sẻ, dù chưa biết căng thẳng ở Ukraine sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng những người Việt Nam xa xứ được trở về quê hương an toàn là "mừng lắm rồi".
Công dân làm thủ tục nhập cảnh.
Niềm vui ngày Trở về
Gần 300 người vừa hồi hương là bấy nhiêu câu chuyện mưu sinh đầy gian khó trước khi xung đột diễn ra tại Ukraine – nơi họ coi là quê hương thứ hai.
Những người dân Việt xa xứ chủ yếu sống bằng nghề buôn bán, công nhân lao động, cũng có những người đang theo học. Hơn 2 năm qua, vốn chật vật xoay xở vì dịch bệnh, nay họ lại rơi vào cảnh buộc phải “bỏ của chạy lấy người”.
Chị Nguyễn Thị Phương (31 tuổi, buôn bán ở chợ Odessa, Ukraine) không giấu được xúc động khi được trở về quê hương an toàn, đặc biệt, được lãnh đạo các Bộ, ban, ngành chào đón ngay khi vừa xuống máy bay. Bên ngoài sảnh sân bay, là những người thân khác trong gia đình chị đang ngóng chờ.
Những cái ôm thật chặt ngày trở về.
Với chị Phương, chặng bay mà gần 20 năm qua chị từng đi, dù đã quá quen thuộc, nhưng có lẽ đường về nhà hôm nay thật khác. Ánh mắt chị rưng rưng... “Lúc này, tôi cảm thấy mình thật sự may mắn, biết ơn và tự hào về quê hương thương mến”.
Khi xung đột nổ ra, chị Phương không khỏi bàng hoàng vì thành phố Odessa liên tiếp có những tiếng nổ "long trời". Chị nhớ lại những ngày cả gia đình ngồi trong hầm trú mà chỉ biết cầu nguyện khi tiếng bom rơi cách nhà vài km, căn nhà mà gia đình chị đang sống cũng vì thế mà rung chuyển.
Nhận thấy căng thẳng sẽ còn kéo dài, cùng sự kêu gọi của chính quyền sở tại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, đại gia đình 40 người nhà chị Phương đã cùng nhau tập hợp lại và lái xe sang Moldova để lánh nạn. Đến được Moldova, sau lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao về các chuyến bay hồi hương, gia đình chị Phương lại quyết định sang Romania.
Thế nhưng, khó khăn chưa hết, khi hàng nghìn người từ Ukraine vẫn tiếp tục đổ về các cửa khẩu biên giới trong cảnh mưa tuyết.
Nhận thấy không thể đi xe cá nhân, cả gia đình quyết định bỏ lại xe và cùng nhau đi bộ sang Romania.
Chị Phương cho biết, "chúng tôi xếp hàng dài hơn 1km sau 4 tiếng cuối cùng cũng qua được cửa khẩu, qua được Romania rồi thì cán bộ Đại sứ quán và nhiều tình nguyện viên đón chờ sẵn”.
Chị còn nhớ như in câu nói của các anh chị trong Đại sứ quán Việt Nam tại Romania rằng: “Chúng tôi đã đón bà con, anh chị em từ đây thì chúng tôi phải có trách nhiệm đưa bà con, anh chị em về được quê hương”.
“Thật sự khi nghe được câu đó tôi rất xúc động, và tôi cảm giác như mình đã được trở về quê hương của mình chứ không phải đi tị nạn ở nước khác".
Suốt 7 ngày qua, ở nơi đất khách quê người, từ đồ ăn thức uống, đến chỗ ngủ nghỉ rồi khi có người bị bệnh, Đại sứ quán cũng đều lo toan chu đáo...
Chị Nguyễn Thị Phương (ở giữa) và chị Nguyễn Thị Hương (ngoài cùng bên phải) là những người đầu tiên xuống máy bay và nhận hoa chúc mừng từ Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu.
Em dâu chị Phương, chị Nguyễn Thị Hương (23 tuổi) trên tay bế cậu con trai 6 tháng tuổi không giấu nổi niềm hạnh phúc khi được quê hương chào đón.
"Tôi cảm thấy rất vui và may mắn. Mấy ngày vừa rồi lúc nào cũng sống trong sự lo sợ. Khi di chuyển từ Odessa sang Moldova, rồi qua Romania, lạ nước lạ cái, không rõ rồi sẽ đi về đâu nhưng được Đại sứ quán và nhiều hội đoàn giúp đỡ rất tận tình, giờ đã về được quê nhà tôi rất hạnh phúc".
Gia đình chị Hương tại Sân bay Nội Bài.
Trong khi từng gia đình, từng đoàn người đang hân hoan trong niềm vui ngày trở về trong vòng tay của gia đình, bạn bè, thì mãi một tiếng đồng hồ sau khi máy bay hạ cánh, lúc 12h30, vẫn còn một gia đình 3 người đứng ở ngoài sảnh, đi từ cửa này đến cửa kia ngóng mãi không thấy người thân đâu.
Người cha già, đôi mắt rưng rưng, đôi tay chắp sau lưng ngóng con trai, con dâu và cháu nội, nói “có lẽ là trục trặc giấy tờ gì rồi”.
Tiếng điện thoại chốc chốc lại vang lên. Là người nhà ở quê đang mong ngóng. Là tiếng điện thoại của con trai nhưng tín hiệu không tốt, hai bên chẳng thể nghe được nhau nói.
13h10, gia đình nhỏ của anh Đỗ Mạnh Dũng – gia đình cuối cùng của đoàn lần này đã có thể đoàn tụ cùng gia đình. Cha, mẹ và em trai anh lao đến, cả nhà ôm chầm lấy nhau. Vợ anh ôm con gái trên tay mà mắt đỏ hoe.
Anh Dũng và gia đình bày tỏ cảm ơn Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, hội đoàn người Việt và hãng hàng không đã tận tình giúp đỡ gia đình cũng như nhiều người Việt khác để sơ tán kịp thời.
Gia đình nhỏ 4 người của anh Dũng gồm vợ chồng và 2 con đã định cư ở Ukraine được 14 năm. Họ coi nơi đây như là quê hương thứ hai. Cả gia đình đành phải bỏ lại nhà cửa, tài sản để lên di tản về nước.
Người nhà anh Dũng mong ngóng họ trở về.
Anh Dũng kể: "Tên lửa đã bay qua nhà tôi, cả nhà phải xuống hầm trú ẩn 4-5 ngày. Thành phố tôi sống cách Moldova khoảng 40km nhưng do thời tiết khắc nghiệt và tắc đường nên gia đình tôi đã phải đi bộ 15km mới đến được cửa khẩu 2 nước. Gia đình tôi gần như là những người sơ tán cuối cùng khỏi thành phố, may mắn được cộng đồng mình và cán bộ sứ quán giúp đỡ rất nhiều”.
Sắp tới cuộc sống tại Ukraine chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, trước mắt gia đình sẽ cho 2 con ở Việt Nam học tập và hai vợ chồng cũng sẽ làm việc ở Việt Nam.
Anh hy vọng “một ngày nào đó, khi Ukraine bình yên trở lại, cả gia đình chắc chắn sẽ quay trở lại".
Không chỉ những người như chị Phương, chị Hương hay anh Dũng trong hàng trăm đồng bào vừa hồi hương trên chuyến bay ấy, cảm xúc thiêng liêng của hai chữ quê hương, Tổ quốc như thấm đẫm trong tim, lan tỏa tới từng cái ôm, cái bắt tay thật chặt chào đón ngày trở về.