Dị tật bẩm sinh hở môi, hở hàm ếch: Không còn là nỗi sợ

Trong các dị tật bẩm sinh thì hở môi, hở hàm ếch có tỉ lệ cao nhất, nguyên nhân gây ra tình trạng này rất phức tạp, thường liên quan tới yếu tố di truyền và các yếu tố từ môi trường tác động vào trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu mang thai.

Tật hở môi, hở hàm ếch thường đi kèm với nhau. Hở môi là hiện tượng môi trên phát triển không đều, khiếm khuyết một phần môi trên tạo ra khe nứt ở một hay cả hai bên đường giữa của môi trên. Còn hở hàm ếch là sự khiếm khuyết trong phát triển vòm miệng tạo ra khe hở giữa vòm miệng và khoang mũi.

Tật hở môi và hở hàm ếch ở thai nhi thường có 3 dạng: hở môi nhưng không bị hở hàm ếch; Hở hàm ếch nhưng không hở môi; Cả hở môi và hở hàm ếch.

Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, tật hở môi, hở hàm ếch có thể chữa khỏi nhờ phẫu thuật sau khi sinh.

Cháu N.T.A (22 tháng tuổi, Thái Bình) mặc dù nhìn bên ngoài không có dấu hiệu bị dị tật, nhưng từ khi sinh ra, bác sĩ đã cho gia đình biết cháu bị hở vòm miệng. Chị H. - mẹ cháu bé cho biết: Do bị hở vòm miệng sâu nên quá trình nuôi bé rất khó khăn, khi ăn hay bị sặc dẫn đến viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi.

 Hở hàm ếch. Hở môi, hở hàm ếch.

Hở hàm ếch. Hở môi, hở hàm ếch.

Còn chị N.T.D - mẹ của cháu D.A. (7 tháng tuổi, Bắc Giang) cho biết, bác sĩ phát hiện con bị dị tật sứt môi khi thai nhi được 5 tháng tuổi. Bác sĩ khuyên rằng dị tật này sau khi sinh, cháu đủ tháng sẽ được phẫu thuật và có cuộc sống bình thường.

Giải đáp về băn khoăn khi sàng lọc thai nhi bị dị tật bẩm sinh, TS. Lê Diệp Linh - Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình, BV 108 cho biết: Khi siêu âm và phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh khe hở môi, hở hàm ếch hoặc bị sẹo môi... thì bác sĩ sẽ thông báo để phụ huynh biết và chuẩn bị tâm lý đi điều trị cho con. Còn với dị tật này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, cho nên vấn đề sàng lọc trước sinh với dị tật môi vòm để bỏ thai là quan niệm rất sai lầm. Hiện nay, với phẫu thuật và y học hiện đại ngày càng phát triển, thì cơ hội sống cho các bé có dị tật môi vòm hoàn toàn có được cuộc sống bình thường và cơ hội rất lớn.

Cũng theo TS. Linh, trong các nghiên cứu từ trước tới nay thì dị tật bẩm sinh môi vòm được cho rằng do trong 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ bị ốm (như cúm, nhiễm virus) sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Có một số nguyên nhân do hóa chất, thuốc... nhưng điều đó chưa được chứng minh. Đối với trẻ mắc dị tật này, ảnh hưởng ngay trong những tháng đầu sau sinh là chức năng bú mớm, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, dễ bị viêm phổi... dẫn đến bệnh nặng hơn. Nếu trẻ không được phẫu thuật thì khi lớn lên sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, phát triển ngôn ngữ dẫn đến ảnh hưởng tâm lý...

Khám dị tật hở môi, hở hàm ếch cho trẻ.

Khám dị tật hở môi, hở hàm ếch cho trẻ.

TS. Linh cho hay: Với y học hiện đại đã đặt vấn đề can thiệp sớm cho bệnh nhân. Với trẻ hở môi thì từ 6 tháng và cân nặng trên 7kg; với trẻ dị tật vòm thì từ 12-18 tháng, với cân nặng trên 10kg; trẻ không có bệnh bẩm sinh như bệnh tim, động kinh, thần kinh... và không bị ốm, sốt hoặc viêm nhiễm trong thời điểm đi khám, là đủ tiêu chuẩn phẫu thuật. Khi được phẫu thuật sẽ trả lại cho trẻ hình dáng nụ cười bình thường cũng như các chức năng ăn uống không bị sặc giúp giảm nguy cơ các bệnh đường hô hấp của trẻ hoặc khi tập nói trẻ không bị khó khăn.

Thu Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/di-tat-bam-sinh-ho-moi-ho-ham-ech-khong-con-la-noi-so-n180524.html