Đi theo tiếng gọi non sông

Tháng Ba, nắng vàng rực làm cho đất trời Tây Nguyên như khoác lên mình màu áo mới. Đâu đó trong trái tim những chàng tân binh nơi vùng đất Đam Rông lại réo lên tiếng gọi thôi thúc, sẵn sàng cho chuyến xe chở những khát vọng cống hiến thanh xuân cho Tổ quốc thân yêu.

Krã Jẵn Ha Thới qua Cầu vinh quang lên đường nhập ngũ

Krã Jẵn Ha Thới qua Cầu vinh quang lên đường nhập ngũ

Khi những giọt sương mai còn đọng trên lá, tiếng loa phát bài ca cách mạng hào hùng, sục sôi khí thế ngày hội tòng quân đã vang lên khắp các nẻo đường. Sắc thắm của cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu kéo dài vào đến trung tâm huyện Đam Rông lại khiến cho không khí thêm phần rộn rã, phấn khởi.

Mới hôm nào, các tân binh còn là những thanh niên đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, vậy mà hôm nay, họ dường như chững chạc hơn trong bộ quân phục của những người lính. Chuẩn bị cho một hành trình mới, tân binh Krã Jẵn Ha Thới (22 tuổi, người M’Nông) hồ hởi: Sau khi tốt nghiệp THPT, em đi làm để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống trong gia đình. Sau thời gian làm việc 3 tháng, mặc dù chưa có giấy báo khám tuyển nhưng em và bạn học cấp 3 đã cùng nhau viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.

“Em thấy các anh cùng thôn đi bộ đội về trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn rất nhiều nên em cũng đã hỏi thăm mọi người về môi trường quân ngũ và khi biết có đợt khám nghĩa vụ quân sự, em đã viết đơn xin lên đường. Hy vọng thời gian trong quân ngũ sẽ giúp em trưởng thành và chững chạc hơn, đó sẽ là môi trường thuận lợi để em được rèn luyện bản thân” – Krã Jẵn Ha Thới chia sẻ.

Cùng chung cảm xúc với Ha Thới, Lý Công Thành (21 tuổi), chàng trai người H’Mông cũng ngập tràn niềm vui khi được khoác trên mình màu áo của người lính.

Đâu đó trong niềm kiêu hãnh ấy, Công Thành vẫn còn nhiều lo toan cho bố mẹ và những đứa em của mình. Là anh cả trong nhà, mẹ bị suy thận, bố cũng đau ốm liên miên, nên hầu hết mọi công việc nặng nhọc đều nhờ cậy hết vào sức lao động của Thành. Nhưng khi gia đình báo tin có giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự của xã, ngay lập tức Thành trở về nhà và thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng ấy theo tiếng gọi của non sông.

Những cái vẫy tay tạm biệt và cả những giọt nước mắt chia xa của người lên đường làm nhiệm vụ và người ở lại

Những cái vẫy tay tạm biệt và cả những giọt nước mắt chia xa của người lên đường làm nhiệm vụ và người ở lại

“Dù biết rằng gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh tế, bố và mẹ sẽ phải vất vả, lo toan nhiều hơn, nhưng với suy nghĩ thực hiện nghĩa vụ của công dân, em vẫn quyết định được trở thành người chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Em được biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tụi em sẽ được Nhà nước tạo điều kiện để học tập thêm nghề. Mong rằng, khi ấy, em sẽ trở trưởng thành” – Công Thành tâm sự.

Lời dặn dò cuối cùng em còn ngần ngại chưa dám nói trước mặt bố mẹ, tân binh Lý Thành Công nghẹn ngào ngào gửi gắm: “Em mong bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, em hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để bố mẹ yên tâm và tự hào…”.

Trong bộ quân phục còn thơm mùi vải mới và chiếc ba lô theo dọc khúc quân hành, K’Trung (20 tuổi), chàng trai người K’Ho bịn rịn, rơm rớm nước mắt như một đứa trẻ. Nắm chặt đôi bàn tay cậu con trai duy nhất trong gia đình, chị K’Jiêng – mẹ của K’Trung chứa chan niềm tin và sự kỳ vọng vào ngày trở về.

Dẫu biết rằng, thời gian sau sẽ ít được gặp K’Trung, nhưng chị K’Jiêng vẫn vui vẻ dặn dò con trước lúc lên đường. “Vì ngày hôm qua, thằng nhỏ phải lên đây trước rồi, nên sáng ra gia đình lật đật lên từ sớm để gặp con. Nhà chỉ có đứa con trai duy nhất, nên hy vọng vào môi trường quân đội con tôi sẽ trưởng thành, chín chắn hơn, khi trở về địa phương cháu sẽ giống như các chú bộ đội hay về giúp đồng bào. K’Trung sống tình cảm, nên trước khi đi, cháu còn động viên lại gia đình hãy yên tâm, con sẽ cố gắng rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ” - chị K’Jiêng cho hay.

Những chàng tân binh nơi vùng đất Đam Rông sẵn sàng cống hiến thanh xuân cho Tổ quốc

Những chàng tân binh nơi vùng đất Đam Rông sẵn sàng cống hiến thanh xuân cho Tổ quốc

Năm nay, nơi vùng đất phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng, huyện Đam Rông có 60 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ; trong đó, tỷ lệ tân binh người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%. Thiếu tá Lưu Văn Ánh – Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đam Rông cho biết: So với các năm trước, những năm gần đây, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự huyện hầu như không gặp khó khăn trong việc kêu gọi con em lên đường nhập ngũ, đặc biệt là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, 100% quân số đều viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Điều đó cho thấy rằng, tuổi trẻ ngày càng tự nhận thức được về trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Rắn rỏi trong bộ quân phục màu xanh, chuyến xe đưa các tân binh lên đường thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc bắt đầu lăn bánh, những cái vẫy tay tạm biệt và cả những giọt nước mắt chia xa. Tổ quốc là hai tiếng thiêng liêng trong trái tim của mỗi người, khi ấy, ngọn lửa hồng nhiệt huyết của tuổi trẻ nơi vùng đất Đam Rông rạng ngời quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Nắng đã lên như thay cho lời chúc lên đường. Tạm biệt các anh, những chàng trai mười tám, đôi mươi mang sức trẻ đi theo tiếng gọi non sông…

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202103/di-theo-tieng-goi-non-song-3045977/