Di tích chiến thắng Chư Nghé (Gia Lai): Đúng nhưng chưa đủ! (Kỳ 1): Tiểu đoàn 'mũi nhọn' đánh giặc vùng ven!
Lịch sử luôn khách quan, công bằng, trung thực, là cựu binh D631, tôi viết loạt bài này cung cấp thêm chứng cứ về trận đánh của đơn vị chúng tôi, đề nghị các cơ quan lập hồ sơ di tích chiến thắng Chư Nghé tỉnh Gia Lai bổ sung để di tích chiến thắng Chư Nghé nói riêng, di tích lịch sử nói chung luôn tỏa sáng và là bài học lịch sử sinh động, bổ ích cho các thế hệ!
Qua đọc sách báo, tìm hiểu tư liệu, chúng tôi - những cựu binh Tiểu đoàn (D) 631 anh hùng trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) biết được UBND tỉnh Gia Lai công nhận xếp hạng Di tích chiến thắng Chư Nghé (Lệ Ninh).
Nếu trong hồ sơ di tích và theo đó cả bia tưởng niệm chỉ nêu, ghi, tôn vinh trận đánh của Trung đoàn (E) 48 thuộc Sư đoàn (F) 320 (tháng 9/1973) thì đúng nhưng chưa đủ. Vì, tháng 9/1972, D631 anh hùng trực thuộc mặt trận Tây Nguyên đã có trận đánh mẫu mực “tiểu đoàn diệt gọn tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc”.
D6 (tiền thân của D631) trong đội hình E320 cùng với E33 vào chiến trường Tây Nguyên năm 1964 và cuối năm ấy E66 cũng được lệnh hành quân vào Tây Nguyên để tham gia Chiến dịch Plâyme–Ia Đrăng (Gia Lai) đánh trận đầu lịch sử (thung lũng Ia Đrăng 1965) với Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ. Đây là trận đọ sức đầu tiên giữa ta với Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên.
Sau Chiến dịch Plâyme–Ia Đrăng thắng lợi, bộ đội chủ lực Tây Nguyên phát triển nhanh tương đương 2F, trong khi lực lượng vũ trang địa phương phát triển chậm hơn làm nảy sinh mâu thuẫn mới là chiến tranh du kích chưa phát triển kịp để hỗ trợ đắc lực cho chiến tranh chính quy. Để giải quyết mâu thuẫn này, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tổ chức những đơn vị chủ lực tại chỗ là những E bộ binh, những D mũi nhọn, các đơn vị pháo binh, đặc công đều bám sát địa bàn được phân công. E33 đứng chân địa bàn tỉnh Đăk Lăk, E95 đảm nhận tỉnh Gia Lai, E24 tỉnh Kon Tum. Cũng trong thời gian này, E320 nhận lệnh để lại D6 ở Tây Nguyên còn lại các D và đơn vị trực thuộc của E320 hành quân về miền Đông Nam bộ. D6 ở lại Tây Nguyên nhập với hơn nửa D31 pháo binh rồi mang phiên hiệu mới D631 là D mũi nhọn độc lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chuyên hoạt động vùng ven ở địa bàn Khu 4 (huyện 4 Gia Lai) giáp ranh với thị xã Plâyku.
Kể từ khi mang phiên hiệu mới (631), cuối năm 1966 đến tháng 10/1974 bằng trận đánh cuối cùng trên đất Gia Lai, trận đánh cứ điểm 664 cạnh đường 5A để rồi chia tay tỉnh Gia Lai hành quân đến Đăk Lăk chuẩn bị chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Tròn 8 năm hoạt động tại vùng ven thị xã Plâyku vừa đánh địch với cả trăm trận lớn nhỏ, trong đó nhiều trận đánh nổi tiếng như Chư Sang, Tân Lập, Đức Cơ, Đồn Tầm, Chư Nghé, Tổng kho Ci Ty, cứ điểm 664, cắt đường 14, 19... vừa làm công tác dân vận, xây dựng hậu cứ, tăng gia sản xuất... Những năm đầu còn nhiều khó khăn, dân Khu 4 Gia Lai gặp bộ đội 631 đi “cải thiện" hái rau, lấy măng, đào củ, liền hỏi, bộ đội nào? Chỉ cần trả lời tên một trong 4 thủ trưởng D: bộ đội Bính (D trưởng Hà Xuân Bính), bộ đội Xuân (chính trị viên D Nguyễn Ngọc Xuân), bộ đội Thanh (D phó rồi D trưởng Trần Tất Thanh), bộ đội Thìn (chính trị viên D kế tiếp Nguyễn Văn Thìn) thì dân rất phấn khởi chỉ tay lên nương của đồng bào bảo: Bộ đội cứ vào nương lấy nhiều rau, bầu bí, củ quả về cho bộ đội ăn...
Mặt khác, thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên trong những năm tháng khó khăn nhất về hậu cần, vừa đánh giặc, vừa tăng gia sản xuất tự cung, tự cấp, D631 hình thành đại đội tăng gia, phát rừng làm nương, trồng sắn (mì), lập tổ rèn, tổ săn bắn, tổ đánh cá trên sông Pô Cô. Không chỉ tự lo đủ lương thực, thực phẩm cho bộ đội đánh giặc mà còn hỗ trợ đồng bào lúc khó khăn. Với truyền thống đánh giặc giỏi, tăng gia sản xuất tốt, công tác dân vận khéo nên trong Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn Mặt trận Tây Nguyên lần thứ 5 (tháng 9/1971) D631 được tuyên dương là ngọn cờ đầu tiêu biểu cho phong trào thi đua của lực lượng vũ trang Nhân dân Tây Nguyên trong năm 1971. Và 8 tháng sau, ngày 19/5/1972 với những thành tích đặc biệt xuất sắc, D631 được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng.
Xin dẫn lời tác giả Nguyễn Hùng Tấn (báo Cựu Chiến Binh TP Hồ Chí Minh) viết, để thấy rõ hơn, khách quan hơn tính sâu sát của chỉ huy đơn vị đánh giặc cũng như tinh thần tăng gia tự túc và công tác dân vận khéo của D631”: Tháng 4/1974, Bộ Tư lệnh F320 thành lập ban chỉ huy 1469 để chỉ huy khối D631 (B3) phối thuộc với F, 14 pháo cối, 16 súng máy cao xạ 12,7 ly và 19 đặc công, tấn công quân địch lấn chiếm trên đường 5A (cách thị xã Plâyku 30 km). Đúng ngày, đoàn cán bộ của D16 chúng tôi có mặt ở vị trí quy định để trinh sát. Khi các đơn vị đã đến đủ, từ trong lán, một người cao lớn, khuôn mặt hiền từ, quân phục chỉnh tề, đầu đội mũ mềm bước ra, anh nhìn khắp lượt mọi người rồi nói: Tôi là Trần Tất Thanh, D trưởng D631 được ban chỉ huy giao trinh sát địa hình và nắm địch. Xin thống nhất với các đồng chí một số nội dung. Sau khi phổ biến xong, anh kết luận: Ngay sau đây tranh thủ lúc còn ánh sáng mặt trời, ta đi xem và thống nhất đường cơ động ban ngày.
Chờ đêm xuống, các đơn vị tổ chức cho cán bộ bò vào hàng rào xác định mục tiêu và vị trí xuất phát tiến công. Vì là đơn vị hỏa lực nên ngay trong đêm đầu chúng tôi đã hoàn thành công việc. Hôm sau nghe đơn vị báo cáo, anh nói: Đêm nay các đồng chí dẫn tôi vào xem lại... Thế là chúng tôi lại mất một đêm nữa để dẫn anh vào. Sau khi kiểm tra, xem xét xong, anh nhận xét; các đồng chí bố trí như thế là được, nhưng đường vào chiếm lĩnh phải trèo lên bờ suối cạn có hàm ếch, bộ đội vác súng nặng đi đêm rất dễ bị lở, ngã gây ra tiếng động sẽ bị lộ. Từ gợi ý của anh, chúng tôi đã chọn đường đi mới, an toàn hơn.
Sau đợt trinh sát, anh mời cả đoàn vào thăm đơn vị và chiêu đãi bữa cơm gạo nương với thịt gà “ăn ngập chân răng”. Tìm hiểu mới biết D631 có tới 13 đại đội, có đủ bộ binh, đặc công, pháo binh... đảm nhận một địa bàn rộng lớn từ làng Gạo đến sát đường 15 nằm phía Nam song song với đường 5A. Đại đội nào cũng có khu tăng gia, có thóc dự trữ, heo, gà... Vì vậy mà đơn vị anh đánh đâu thắng đấy. Không chỉ lo cho bộ đội, anh và đơn vị còn lo cho bà con các làng xung quanh. Vì thế, mỗi khi đơn vị di chuyển hậu cứ, bà con cũng dời làng theo bộ đội lập làng ở chỗ mới. Hồi đó ở Tây Nguyên bọn địch kháo nhau “gặp quân 631 thì đừng có ngu mà đụng vô!” Còn đồng bào trong vùng coi bộ đội 631 như người của buôn làng. Trận đánh sau đó đúng kế hoạch, giành thắng lợi. Các đơn vị trở về vị trí làm nhiệm vụ của mình. Từ đó, tôi không không được gặp lại anh trong chiến đấu, nhưng nhớ mái anh - người chỉ huy sâu sát, thương dân, yêu chiến sĩ...
Cao Ngọ
(Cựu chiến binh Tiểu đoàn 631 anh hùng)