Di tích, danh thắng Hà Nội nỗ lực hút khách quốc tế
Sau khi khởi động lại hoạt động đón khách quốc tế, các di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô đang nỗ lực kết nối với các đơn vị lữ hành để thu hút khách tham quan.
Chủ động đón khách quốc tế
Hai năm sau khi đóng cửa biên giới, từ ngày 15/3, Việt Nam đã chào đón du khách nước ngoài với chính sách mở cửa du lịch hoàn toàn. Trong nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Hà Nội đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên KT&ĐT, sau 1 tuần được đón khách quốc tế, lượng khách nước ngoài đến các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô chưa có nhiều. Tuy nhiên, việc bắt đầu xuất hiện khách quốc tế tại các di tích, danh thắng Thủ đô sau thời gian dài gián đoạn do dịch Covid-19 cho thấy những tín hiệu đáng kỳ vọng, đặt ra khả năng phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Theo ông Trần Trung Bắc – Phòng Hành chính, tổng hợp – Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò: “Từ ngày 15/3, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã thông báo với các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Để thu hút khách tham quan, bên cạnh việc quảng bá trên truyền thông, các nền tạng mạng xã hội, chúng tôi đã nâng cấp hệ thống thuyết minh tự động, trang bị thêm thiết bị và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19”.
Cùng với việc nâng cấp các hệ thông thuyết minh tự động, các di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ, tạo ra các phần mềm, giúp khách quốc tế thuận lợi trong việc tiếp cận, trải nghiệm.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho hay: “Trong thời gian giãn cách, chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Hiện nay, cùng với việc tích cực kết nối với các đơn vị lữ hành để thúc đẩy hoạt động du lịch với khách quốc tế, chúng tôi đang phối hợp với các công ty công nghệ để tổ chức bán vé trực tuyến cho khách nước ngoài. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho khách quốc tế, các đơn vị lữ hành thuận tiện trong việc đặt mua vé, chủ động thời gian tham quan mà còn giảm thiếu tình trạng để du khách phải chờ đợi, xếp hàng, tập trung đông người tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.
Sản phẩm mới thu hút du khách
Những ngày qua, trên các nền tảng mạng xã hội của các di tích, danh thắng như: Hoàng thành Thăng Long; Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò… nhiều bài viết được đăng tải, giới thiệu hình ảnh về văn hóa Thủ đô. Trong đó, nhiều tour tham quan như “Đêm thiêng liêng” của di tích Nhà tù Hỏa Lò có hiện tượng “cháy vé”, các đoàn khách đã mua vé hết tháng 4/2022.
Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, ông Trần Trung Bắc – Phòng Hành chính, tổng hợp – Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ: “Hiện tại tour “Đêm thiêng liêng” đang phục vụ khách nội địa. Thời gian tới để phục vụ khách quốc tế, chúng tôi ấp ủ ý tưởng cho ra chương trình đêm đặc biệt dành cho du khách nước ngoài. Đêm đặc biệt này sẽ có thuyết minh bằng tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác, để du khách quốc tế hiểu hơn ý nghĩa lịch sử, văn hóa của di tích Nhà tù Hỏa Lò. Để làm được điều này, chúng tôi đã có phương án đào tạo, nâng cao kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên, không có gì thay đổi trong tháng 8 và 9 sẽ có nhiều khách quốc tế đến trải nghiệm”. Đại diện Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng cho biết thêm, đơn vị này đã bổ sung thêm 3 ngôn ngữ quốc tế tại các điểm trưng bày để du khách dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về lịch sử, văn hóa Thủ đô cũng như cả nước.
Thực tế cho thay, trước thời điểm được mở cửa đón khách du lịch trong nước và quốc tế, thay vì chờ đợi du khách đến với bảo tàng, di tích, các đơn vị quản lý điểm đến đang chủ động tạo ra các sản phẩm mới để hút khách đến.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho hay: “Chúng tôi đã gửi thông tin, xin phép để triển khai chương trình ứng dụng 3D Mapping tại di tích và đang đợi các cấp có thẩm quyền phê duyệt để đưa vào triển khai”.
Cùng với đó, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã xây dựng nhiều sản phẩm, hoạt động tổ chức tại hồ Văn, vườn Giám. Còn tại khu nội tự, Trung tâm tổ chức các hoạt động trải nghiệm với hoạt động trưng bày Quốc Tử Giám, giới thiệu cho khách giá trị lịch sử, truyền thống đạo học ở di tích. Đặc biệt, Trung tâm đang xúc tiến xây dựng tour du lịch ban đêm nhằm khai thác vẻ đẹp Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm, có áp dụng công nghệ 4.0, để kể câu chuyện về đạo học Việt Nam. Với những nỗ lực kể trên, ông Lê Xuân Kiêu cho biết: “Trong tháng 4 và 5/2022, Văn Miếu – Quốc Tử Giám dự kiến sẽ đón những đoàn khách tham quan quốc tế, chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á và một số nước châu Âu”.
Có thể thấy, bên cạnh việc cởi mở, nới lỏng chính sách đón khách, các di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô đã chủ động xây dựng kịch bản trước đó để chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch, từ việc xây dựng các phương án đến quảng bá các sản phẩm, chương trình tham quan, trải nghiệm mới. Thông qua đó, các di tích, danh thắng của Hà Nội tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/di-tich-danh-thang-ha-noi-no-luc-hut-khach-quoc-te.html