Di tích đình Rồng và tấm bia di văn quý giá
Tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng rộng ngay đầu làng, đình Rồng, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) - di tích cấp tỉnh được Nhà nước xếp hạng năm 2013 mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Mang đậm nét cổ kính
Đình Rồng khởi dựng vào thời Hậu Lê (năm Chính Hòa 1680-1705, đời vua Lê Hy Tông), kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 7 gian đại bái và 3 gian hậu cung theo hướng đông nam, chất liệu bằng gỗ lim. Các cụ cao niên trong làng cho biết sàn đình tòa đại bái là nơi diễn ra các hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa của nhân dân trong làng nên còn gọi là chợ đình Rồng.
Đình Rồng xưa mang đậm nét cổ kính với quy mô kiến trúc rộng lớn, cảnh quan hội tụ đầy đủ yếu tố cây đa, giếng nước, sân đình. Khoảng những năm 1952 - 1953, đình bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. Đầu năm 1989, nhân dân trong làng quyên góp tiền của, công sức xây dựng 3 gian trên nền đình cũ để thờ đức thánh. Năm 2004, xây dựng cổng nghi môn và nhà tế trước đình. Đến năm 2008, đình được tôn tạo lại như ngày nay. Hiện di tích có kiến trúc kiểu tiền nhất, hậu đinh gồm 3 gian đại bái, 3 gian trung từ và 1 gian hậu cung.
Đình Rồng thờ Thành hoàng Cao Sơn Đại vương. Theo bia ký tại địa phương, Cao Sơn Đại vương, họ Cao, tên là Hiển, tự là Văn Trường. Thuở thiếu thời ông có chí lớn, tinh thông sử sách, hiểu rộng ngũ kinh. Vào thời Hậu Lê, vua lệnh cho ông dẫn quân đi dẹp giặc Đông di. Thắng trận trở về, vua phong chức Đại tướng quân, giữ quyền nguyên soái, sau thăng Quốc chúa Đại vương. Cuối đời, ông về Điền Trì làm nghề dạy hổ và cắt thuốc nam chữa bệnh cứu người, trong đó hiệu nghiệm nhất là bệnh sởi và bệnh đậu mùa. Ông mất tại Điền Trì ngày 11.5 năm Hoàng Triều Vĩnh Trị đời vua Lê Hy Tông (1676). Nhà vua cho nhân dân Điền Trì (nay là Trực Trì) và các nơi xây dựng đình, nghè thờ ông. Ngoài đình Rồng, đình An Xá và nghè Lương Gián của xã Quốc Tuấn cũng thờ thần Cao Sơn Đại vương.
Do có công lao với dân, với nước, trải qua các triều đại phong kiến, Cao Sơn Đại vương được ban tặng nhiều sắc phong. Triều Lê , đời vua Cảnh Hưng 44 (1783), sắc phong Chiêu Võ hiển thánh Đại vương; đời vua Chiêu Thống nguyên niên (1787), sắc phong Vĩ lược, anh duy, tế thế Đại Vương. Triều Nguyễn, đời vua Khải Định 9 (1924) sắc phong Hiệp linh, phù chính, phu uy, đôn tĩnh, hùng lược, trác vĩ, dực bảo Trung Hưng Cao Sơn Thượng đẳng thần (Vị thần bậc Thượng đẳng Cao Sơn, linh thiêng phù giúp, tỏ rõ oai phong, đôn hậu lặng lẽ, anh hùng mưu lược, công trạng lớn lao, giúp đỡ, bảo vệ thời Trung Hưng).
Ngoài giá trị tâm linh, đình Rồng còn là cơ sở cách mạng của địa phương. Năm 1945, nơi đây là địa điểm diễn ra Đại hội dân quân huyện Nam Sách. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1950), đình là nơi lực lượng du kích và bộ đội địa phương tập trung mít tinh, hội họp và tấn công quân giặc. Kháng chiến chống Mỹ, khu vực đình được trưng dụng làm kho chứa thóc của Nhà nước và trường dạy học. Ngày nay, đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi diễn ra lễ hội cổ truyền. Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 10.2 âm lịch. Trong những ngày hội tại đây diễn ra nhiều trò chơi dân gian chọi gà, cờ người…
Nguồn sử liệu quý giá
Tại di tích đình Rồng hiện còn lưu giữ một số cổ vật quý như sắc phong, kiệu long đình, bài vị, long đao, bát bửu. Đặc biệt là tấm bia đá cổ “Nhị xã tạo lập phụng tự hậu thần” vốn là di văn của tiến sĩ Trần Thọ soạn vào tháng 3 năm Bính Dần niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686).
Tiến sĩ Trần Thọ sinh ngày 6.10 năm Kỷ Mão (1639). Năm 1670 (32 tuổi), Trần Thọ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 đời vua Lê Huyền Tông. Năm 1684, Trần Thọ giữ chức Đốc đồng đạo Sơn Tây. Ông hai lần được cử đi sứ Trung Quốc vào các năm 1688, 1691. Năm 1693, ông giữ chức Quang Tiến Thận lộc đại phu, Bồi tụng, Công bộ Hữu Thị lang, được phong tước Phương Trì nam. Sau đó giữ các chức quan Tả Thị lang Bộ Hộ, Tả Thị lang Bộ Lễ rồi đến Phó Đô ngự sử.
Trần Thọ còn là một nhà thơ. Tác phẩm của ông có Nhuận Phủ thi tập, hiện còn ba bài chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Ông còn là tác giả của một số bài văn bia trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.
Con trai Trần Thọ là Trần Cảnh, tên tự là Doanh Phủ, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718) niên hiệu Vĩnh Thịnh triều vua Lê Dụ Tông, làm quan Tế tửu Quốc Tử Giám. Từng giữ chức Thượng thư bốn bộ: Bộ Công, Bộ Hình, Bộ Binh, Bộ Lễ; hai lần giữ chức Tham tụng, tước Diệu quận công, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Thượng trụ quốc, về trí sĩ, được vua phong chức Khuyến nông sứ. Trần Cảnh là tác giả của Minh nông chiêm phả - bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của nước ta dâng lên vua Lê Hiển Tông năm Kỷ Tỵ (1749).
Cháu nội Trần Thọ là Trần Tiến, tên tự là Hậu Phủ, tên hiệu là Cát Xuyên, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748), làm quan đến chức Cẩn sự tá lang, Hàn lâm viện Hiệu thảo, Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Phó đô ngự sử Ngự sử đài, Giám sát Ngự sử, tước Nam, sau thăng Lễ bộ Thượng thư. Trần Tiến là tác giả của Đăng khoa lục sưu giảng, Cát Xuyên thi tập, Cát Xuyên tiệp bút, Niên phả lục.
Tấm bia “Nhị xã tạo lập phụng tự hậu thần” hiện đặt trong nhà bia tại góc sân bên phải đình, bia hình trụ bốn mặt, khổ 73 x 210 cm. Trán bia trang trí hoa sen ở hai bên, xung quanh diềm trang trí họa tiết lưỡng long, hoa dây. Bốn mặt bia gồm 64 dòng chữ Hán viết theo chiều từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Toàn văn ước khoảng 2.170 chữ, có chữ húy: Đề. Chữ Hán khắc trên bia kiểu chữ thảo chân phương, nét rõ.
Nội dung văn bia có thể tóm tắt như sau: Quan Tượng quân Chánh đội trưởng Dĩnh Lộc hầu Hoàng Văn Tá người thôn Đông, xã Hộ Xá đã cúng 1.000 quan tiền sử, 100 quan tiền cổ cho hai xã Điền Trì và Hộ Xá để xây dựng đình. Ông lại xuất 5 sào ruộng để dùng vào việc hương hỏa. Quan viên, dân hai xã tôn bầu ông và vợ là bà Trần Thị Ngọc, hiệu Từ Tín làm hậu thần. Hai xã cũng hứa sẽ đặt bài vị ông bà ở phía bên phải, cúng tế bốn mùa, sau khi ông bà qua đời sẽ tổ chức cúng tế vào ngày giỗ. Văn bia cũng ghi rõ quy định, thể thức cúng giỗ. Mặt cuối của văn bia còn có bài minh dài 18 câu ca ngợi công đức của ông Hoàng Văn Tá.
Cảm kích trước những đóng góp cho làng xã, người dân đã bầu ông Hoàng Văn Tá và bà Trần Thị Ngọc làm hậu thần, đời đời được phối hưởng tại đình. Bài văn bia do tiến sĩ Trần Thọ biên soạn đã nêu lên phẩm chất tốt đẹp và việc công đức của Tượng quân Chánh đội trưởng Dĩnh Lộc hầu Hoàng Văn Tá đối với nhân dân trong xã. Đây chính là nguồn sử liệu quý giá và đáng tin cậy trong việc nghiên cứu về hành trạng cũng như sự nghiệp của Hoàng Văn Tá.
Ngoài ra, tấm bia còn có giá trị đặc biệt quan trọng, đó là nội dung khắc trên bia là di văn của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Trần ở làng Điền Trì có tới ba đời liên tiếp kế thế đăng khoa (ông, cha, con) nổi tiếng đất học xứ Đông dưới triều Hậu Lê. Di sản văn hóa quí báu này cần được bảo tồn và phát huy giá trị tại địa phương nói riêng và huyện Nam Sách nói chung.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/di-tich-dinh-rong-va-tam-bia-di-van-quy-gia-143571