Di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Chùa (tức làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác) có nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Hoàng Xuân Đường - ngôi nhà đón tiếng khóc chào đời của Bác.
Lịch sử dòng họ Hoàng Xuân ở Kim Liên
Dòng họ Hoàng Xuân phát tích ở làng Hoàng Vân, tổng An Lạc, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay là thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đây là một dòng họ quyền quý qua các triều đại có nhiều người được phong tước Hầu và Quận Công.
Dưới thời Vĩnh Tộ (1619-1628) có một người họ Hoàng Xuân giữ chức Võ Ban tướng quân trong một chuyến đi dẹp loạn ở vùng Thuận Quảng đam mê nhan sắc, nết na cô gái ở làng Nghĩa Liệt, Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An). Ông đã lấy cô làm vợ lập ra dòng họ Hoàng Xuân ở đây.
Đến thế hệ thứ 9 ông Hoàng Phác Cần lấy vợ ở Hoàng Trù (dân dã còn gọi làng Chùa) lập ra chi họ Hoàng Xuân. Năm thế hệ sau, ông Hoàng Xuân Cẩn đậu 3 khóa tú tài sinh ra cụ Hoàng Xuân Đường (còn gọi là Hoàng Xuân Cát) ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tết Mậu Dần (1878) trong lúc đi chúc Tết bà con, làng xóm, thân hữu cụ Hoàng Xuân Đường gặp cậu bé mồ côi Nguyễn Sinh Sắc, đưa về nuôi dạy như con đẻ của mình.
Được cụ Hoàng Xuân Đường tận tâm dạy dỗ, việc học hành của Nguyễn Sinh Sắc tiến bộ không ngừng. Mới học có vài năm mà Nguyễn Sinh Sắc đã biết xưởng họa, bình văn với học trò giỏi lớp trước. Với sự nhạy cảm của mình, cụ Hoàng Xuân Đường phát hiện ra tài năng hứa hẹn của cậu con nuôi, nên cụ đã gửi Nguyễn Sinh Sắc theo học một nhà giáo nổi tiếng Nguyễn Thúc Tự ở huyện Nghi Lộc.
Năm Nguyễn Sinh Sắc 18 tuổi, mến đức, tài cậu sinh đồ mồ côi cụ Hoàng Xuân Đường nhã ý se duyên cùng cô con gái đầu lòng của mình. Ban đầu cụ bà Nguyễn Thị Kép sợ dân làng cười chê. Nhưng dần dần hiểu thiện chí của chồng cụ bà cũng đồng ý.
Cuối năm 1881, cậu học trò nghèo Nguyễn Sinh Sắc và cô con gái của cụ Đường là Hoàng Thị Loan làm lễ đính hôn. Năm 1883, lễ thành hôn 2 người được tổ chức. Sau khi lấy vợ, Nguyễn Sinh Sắc được gia đình bên vợ tiếp tục chăm lo cho dùi mài kinh sử, đến kỳ thi Hương, Giáp Ngọ (1894) ông đậu cử nhân.
Ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan đã sinh ra 3 người con ưu tú cho đất nước. Năm 1884, sinh cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh, năm 1888 sinh cậu Nguyễn Sinh Khiêm và ngày 19/5/1890 sinh cậu Nguyễn Sinh Cung – người mà 100 năm sau tổ chức UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới.
Vào kỳ thi Hội khoa Tân Sửu (1901) với quyết tâm đền đáp công ơn người vợ hiền lao động quên mình để nuôi chồng ăn học vừa mới ra đi ông Nguyễn Sinh Sắc đã thi đậu Phó bảng, được Vua Thành Thái ban thưởng biển “Ân tứ ninh gia” (ơn vua ban cho gia đình tốt) và cờ Phó bảng phát khoa, cho hưởng lễ vinh quy bái tổ.
Người dân Hoàng Trù xuống tận Vinh đón quan Phó bảng, với tính khiêm nhường ông nói với mọi người: “Tôi đậu chẳng có ích gì cho bà con làng xóm mà bà con phải đi rước”. Rồi ông cùng bà con đi bộ về quê nhà ở Hoàng Trù.
Trước vinh dự lớn lao lần đầu tiên làng có người đậu đại khoa, chính quyền và nhân dân làng Sen đã góp công, góp của mua một ngôi nhà gỗ lợp tranh 5 gian dựng trên mảnh vườn rộng 4 sào 14 thước, rồi xuống Hoàng Trù mời quan Phó bảng về ở. Từ đó, bốn cha con ông Nguyễn Sinh Sắc mới về sống ở quê nội làng Sen.
Thời nào cũng sản sinh người tài
Sáng 9/12/1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, nơi đầu tiên Bác đến là ngôi nhà gắn với tuổi ấu thơ của mình ở làng Chùa. Người xúc động dâng hương tưởng nhớ tổ tiên và ông bà ngoại. Người bồi hồi đứng lại trước cây mít, nhớ lúc gia cảnh khó khăn phải ăn mít trừ bữa. Sau những phút cảm động đến nao người, Bác ngồi xổm trước thềm nhà ân cần nói chuyện với bà con làng xóm. Không còn khoảng cách nào giữa một vị Chủ tịch nước và người dân.
Bác rất vui mừng gặp lại cụ Nguyễn Thuyên - người bạn thân thiết cùng nhau thả diều, câu cá thời ấu thơ. Không ngờ đây cũng là lần về thăm quê cuối cùng trong cuộc đời của Người.
Tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Chùa có nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Hoàng Xuân Đường - ngôi nhà nơi sinh ra Hồ Chủ tịch. Nhà thờ họ Hoàng Xuân ở đây được cụ Hoàng Xuân Đường lập ra để thờ cúng cổ nội là Hoàng Xuân Mượu (còn gọi là Hoàng Trọng Mão), ông nội Hoàng Xuân Lý và thân phụ Hoàng Xuân Cẩn.
Trên xà nhà còn ghi rõ năm hoàn thành “Vào năm Tự Đức thứ 34/1882”. Đôi quyết phía trước có đôi câu đối nói lên uy danh của dòng họ:“Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ/Chung Cự hùng thanh chấn ức niên”; dịch nghĩa: “Hoàng Vân khí tốt truyền từ ngàn năm trước/Chung Cự tiếng hùng vọng đến vạn năm sau” .
Tại nhà cụ Hoàng Xuân Đường và cụ Nguyễn Thị Kép, ngôi nhà mà năm 1868 đã sinh hạ cô con gái đầu lòng Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng ở ngôi nhà này thân mẫu Bác Hồ được học hành tử tế. Dưới mái nhà này đôi trai tài, gái sắc Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan kết hôn với nhau.
Năm 1883 chuẩn bị cho lễ thành hôn của hai con Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan, cụ Hoàng Xuân Đường đã dựng cho một ngôi nhà tranh 3 gian. Tại ngôi nhà này Bác Hồ đã cất tiếng khóc chào đời.
Ngày tần tảo ngoài đồng, đêm đêm dưới ngọn đèn dầu sau khi lo cơm nước cho chồng con, bà Loan lại ngồi vào khung cửi dệt vải, dệt lụa kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Vừa dệt vải, bà vừa ru con: “À ơi! Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.
Dòng họ Hoàng Xuân thời nào cũng có người có công với đất nước. Trong đó có ông Hoàng Xuân Hoành. Nam Đàn là nơi tổ chức hội Duy Tân đầu tiên. Hội Duy Tân ở đây do các ông Vương Thúc Quý, Hoàng Xuân Hoành, Trần Văn Lương, Vương Thúc Nghiêm thành lập. Hoàng Xuân Hành là người trực tiếp dìu dắt cô Nguyễn Thị Thanh vào hội tổ chức Duy Tân.
Năm 1915 ông về hoạt động ở thôn Mỹ Thiện, xã Tràng Cát (nay xã Nam Cát, Nam Đàn) bị một tên học trò cũ chỉ điểm bị bắt. Vào tù bọn thực dân Pháp không khai thác ở ông được điều gì, kết tội ông 10 năm tù. Năm 1925 ra tù ông vào Huế thăm Phan Bội Châu, trong lúc đang bị giam lỏng.
Biết tin cụ Phan qua đời, Hoàng Xuân Hành cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Hoành, Trần Đình Phiên cùng 2 cậu con trai cụ Phan trực tiếp khâm liệm lo đám tang. Ba tuần sau đúng ngày rằm, tháng mười, năm Nhâm Ngọ (22/12/1942) Hoàng Xuân Hành mất. Phát huy truyền thống của một dòng họ, ngày nay họ Hoàng Xuân vẫn tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.